Không chỉ thiếu tính khả thi

Góc nhìn - Ngày đăng : 05:37, 22/08/2013

(HNM) - Cục Cảnh sát giao thông (CSGT) đường bộ - đường sắt (Bộ Công an) có Văn bản số 1042/C67-P3 gửi trưởng phòng CSGT công an các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, trong đó yêu cầu: Luôn luôn nâng cao tinh thần cảnh giác, kiên quyết đấu tranh làm rõ với những đối tượng có lời nói đe dọa, lăng mạ hoặc có hành vi chống đối CSGT đang thực thi công vụ hoặc quay phim, chụp ảnh hoạt động tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm khi chưa được sự đồng ý của CSGT đang làm nhiệm vụ. Nếu đúng là nhà báo thì tập hợp thông báo cho cơ quan chủ quản, nếu giả danh nhà báo thì tạm giữ, lập hồ sơ chuyển cơ quan chức năng xử lý theo quy định của pháp luật…



Người trong cuộc cho rằng: Văn bản 1042/C67-P3 nhằm mục đích xử lý hành vi giả danh nhà báo, chứ không quy định cấm phóng viên, báo chí tác nghiệp vì phóng viên, nhà báo tác nghiệp theo quy định của Luật Báo chí. Tuy nhiên có rất nhiều vấn đề cần bàn luận xoay quanh văn bản này.

Thứ nhất, công dân được làm những điều mà pháp luật không cấm. Nếu không thuộc các trường hợp liên quan đến bí mật nhà nước, các khu vực nhạy cảm về an ninh, quốc phòng… thì việc không cho người dân hoặc phóng viên quay phim, chụp ảnh có đúng với tinh thần pháp luật hay không? Khi cán bộ chiến sĩ CSGT khoác cảnh phục, làm nhiệm vụ cũng có nghĩa là họ đang đại diện cho Nhà nước thực thi công vụ trong vai trò "công bộc" của nhân dân. Tinh thần "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra" đã trở thành chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, đang được thực hiện rộng rãi thì hoạt động của các cơ quan nhà nước, trong đó có lực lượng CSGT không thể tách rời sự giám sát của nhân dân. Vậy nên việc chụp ảnh, ghi hình các "công bộc" trong khi thực thi công vụ không thuộc phạm trù bí mật đời tư của một hay một vài cá nhân cụ thể nên không cần ai phải "đồng ý".

Thứ hai, theo quy định của Luật Báo chí, nhà báo có quyền: Được đến các cơ quan, tổ chức, thư viện, bảo tàng, triển lãm để thu thập thông tin, tra cứu tài liệu, làm nghiệp vụ báo chí. Khi đến làm việc, nhà báo chỉ cần xuất trình thẻ nhà báo. Các cơ quan nhà nước không được từ chối cung cấp cho nhà báo những tư liệu, tài liệu không thuộc phạm vi quy định trong Pháp lệnh Bảo vệ bí mật nhà nước… Khi nhà báo tác nghiệp phải tuân thủ pháp luật nói chung, Luật Báo chí nói riêng mà không phải tuân thủ văn bản chỉ đạo nghiệp vụ của bất kỳ ngành nào. Do vậy quy định: Nếu đúng là nhà báo thì tập hợp thông báo cho cơ quan chủ quản… là rất khó hiểu, nếu không muốn nói là mơ hồ. Khi đã mơ hồ sẽ tạo ra những cách thức triển khai khác nhau. Khi tác nghiệp, nhà báo phải được sự "đồng ý" của ai? Cơ quan chủ quản ở đây là ai? Đội CSGT, phòng CSGT hay cơ quan chủ quản nhà báo…? Nếu không có sự "đồng ý" ấy sẽ thế nào?

Thứ ba, xét ở góc độ thẩm quyền ra văn bản cũng như về nội dung văn bản thì Công văn số 1042/C67-P3 của Cục CSGT đường bộ, đường sắt chỉ là văn bản chỉ đạo nghiệp vụ, mang tính chất cá biệt trong nội bộ lực lượng CSGT, không phải là văn bản quy phạm pháp luật. Nói cách khác đây là văn bản dưới luật không có giá trị bắt buộc chung cho toàn xã hội. Tuy nhiên, văn bản này lại có tác động không nhỏ tới đời sống xã hội, do vậy cần nhìn nhận, xem xét ở nhiều góc cạnh: Tác động tích cực thế nào? Ảnh hưởng tiêu cực ra sao?… Một văn bản dưới luật có nội dung gây khó hiểu khi thực hiện, lại có những nội dung không đúng với tinh thần pháp luật thì có nên bãi bỏ hay không?

Với một văn bản mà nhà báo hay bất kỳ công dân nào đều không có nghĩa vụ phải tuân thủ liệu có cần ban hành hay không? Từ văn bản số 1042/C67-P3 của Cục Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt (Bộ Công an) có thể thấy việc ra văn bản cũng như thẩm định văn bản hiện nay có rất nhiều vấn đề. Cũng phải nói thêm rằng trên diễn đàn Quốc hội và nhiều diễn đàn khác, vấn đề chất lượng văn bản của các cơ quan quản lý nhà nước đã nhiều lần được đặt ra. Đã đến lúc các cơ quan chức năng cần có giải pháp quyết liệt để ngăn chặn tình trạng văn bản trái với tinh thần pháp luật, thiếu tính khả thi, gây bức xúc trong dư luận.

Lý Minh