Thí điểm chính quyền đô thị: Cốt yếu vẫn là công tác cán bộ
Đời sống - Ngày đăng : 06:51, 21/08/2013
Đồng tình về chủ trương
Theo đề án thí điểm, TP Hồ Chí Minh sẽ xây dựng theo mô hình chuỗi đô thị, tổ chức phù hợp với loại đô thị đặc biệt có hai cấp là cấp chính quyền thành phố trực thuộc trung ương và chính quyền cơ sở. Mỗi cấp chính quyền là một pháp nhân, bảo đảm nguyên tắc tự chủ, tự chịu trách nhiệm, có HĐND và UBND, hoạt động theo cơ chế phân cấp; quận - huyện, phường không tổ chức thành cấp chính quyền mà chỉ có cơ quan đại diện hành chính của cấp trên. Ngoài ra, sẽ thành lập 4 thành phố vệ tinh ở 4 hướng: Đông, Tây, Nam, Bắc và từng thành phố có chức năng kinh tế khác nhau. Mỗi thành phố sẽ có sự phân cấp mạnh, để tự chủ, tự chịu trách nhiệm, tập trung phát triển.
Xây dựng chính quyền đô thị đối với TP Hồ Chí Minh là cần thiết. |
Qua buổi lấy ý kiến của các thành viên Ủy ban MTTQ thành phố mới đây, việc xây dựng Đề án thí điểm chính quyền đô thị hầu như ai cũng đồng tình về chủ trương. Bởi chính quyền đô thị theo đề án sẽ giảm tầng nấc trung gian giữa nhân dân và chính quyền, giảm thời gian làm thủ tục hành chính, từ đó giảm chi phí, tăng sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp. Tuy nhiên, hiện người dân băn khoăn nhiều nhất không phải với cấp UBND mà là các cơ quan tham mưu của bộ phận này. Sự cồng kềnh của các bộ phận tham mưu (nhiều sở, ngành quản lý chồng chéo một lĩnh vực) đã làm cho người dân đi lại vất vả, tạo điều kiện cho tham nhũng có cơ hội phát triển. Tuy nhiên, đối với chính quyền đô thị dự định triển khai, sự cồng kềnh này có giảm không thì vẫn chưa thể hiện rõ.
Theo Phó Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh TP Hồ Chí Minh Đồng Văn Khiêm, việc xây dựng chính quyền đô thị phải phối hợp, đi kèm với cải cách hành chính. Đó là phải hạn chế được tình trạng một việc nhưng nhiều cơ quan quản lý, khi sự cố xảy ra thì đùn đẩy trách nhiệm. Đồng tình về vấn đề này, ông Đặng Văn Khoa, nguyên đại biểu HĐND TP Hồ Chí Minh khẳng định, con người mới là yếu tố quyết định sự thành bại của đề án. Nếu vẫn dùng những người vô cảm, thờ ơ, tham nhũng thì mô hình khó thành công. Vì thế, rất cần những đảng viên gương mẫu - viên ngọc sáng để quản lý bộ máy chính quyền đô thị như đề án đã nêu ra.
Cần làm rõ người dân được lợi gì?
"Người dân được lợi gì khi thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị?" là câu hỏi của nhiều đại biểu HĐND, Ủy ban MTTQ TP Hồ Chí Minh đặt ra, đại biểu HĐND thành phố Lâm Thiếu Quân cho biết, nội dung đề án chưa rõ người dân sẽ được lợi gì, mà chỉ tập trung vào lý giải Nhà nước quản lý như thế nào. Ông Trần Tấn Ngời - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP Hồ Chí Minh cũng nêu ý kiến, cùng với việc lấy ý kiến của các sở, ngành thì cũng cần thiết lấy ý kiến người dân bởi Nhà nước của dân, do dân, vì dân, thì quyết định phải là của người dân.
Ngoài đề xuất cần phải lấy ý kiến rộng rãi, nhiều đại biểu cũng đề nghị Thành ủy, HĐND, UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức các hội thảo khoa học, có sự phản biện của các nhà khoa học; các nhà quản lý nhà nước, quản lý kinh tế, các luật sư, luật gia. Trong các hội nghị phản biện hoặc nghe dân góp ý, cần có lãnh đạo các cấp, từ Trung ương, TP Hồ Chí Minh và các quận, huyện, cơ sở đến dự, lắng nghe và trao đổi cho rõ chủ trương, nội dung và lộ trình thực hiện.
Theo ông Phạm Chánh Trực, nguyên Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, xây dựng chính quyền đô thị là kế sách bền lâu, là việc quan trọng đối với nhân dân nên cần làm nghiêm túc và trách nhiệm cao. Đề án đã khẳng định và nhất trí cao như chính quyền đô thị là chính quyền hai cấp, nhưng cũng có những điểm còn chưa rõ, vì vậy, cần soạn thảo kỹ hơn nữa, có thể dự thảo thêm phương án để xem xét, trong đó cần sớm thăm dò ý kiến của nhân dân đối với đề án.
Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Quyết Tâm cho biết: Đề án chính quyền đô thị xuất phát từ tình hình thực tiễn của địa phương. Đổi mới một mô hình về quản lý nhà nước dĩ nhiên sẽ phải có những xáo trộn, vì thế đòi hỏi phải có những tính toán chặt chẽ, nếu không sẽ gây ảnh hưởng đến đời sống nhân dân. Nguyên tắc của Đảng là xây dựng chính quyền "của dân, do dân và vì dân". Từ yêu cầu này, Đảng bộ TP Hồ Chí Minh sẽ lắng nghe ý kiến của nhân dân, các nhà khoa học và chuyên gia trên nhiều lĩnh vực với tinh thần cầu thị, nghiêm túc để hoàn thiện đề án trong thời gian sớm nhất.