Khẳng định liên minh quân sự Mỹ - Hàn

Thế giới - Ngày đăng : 06:28, 21/08/2013

(HNM) - Bất chấp căng thẳng trong quan hệ liên Triều có dấu hiệu hạ nhiệt khi Seoul và Bình Nhưỡng vừa nhất trí mở cửa trở lại Khu công nghiệp chung (KCN) Kaesong, Hàn Quốc và Mỹ vẫn khai màn cuộc tập trận chung thường niên mang tên

Thế nhưng, trái với những tuyên bố cứng rắn từng được Triều Tiên đưa ra với cuộc tập trận thường niên này khi cho rằng đây là "khúc dạo đầu" cho một cuộc chiến tranh, 48 giờ qua, Bình Nhưỡng vẫn im lặng một cách bất ngờ.

Bất chấp việc bán đảo Triều Tiên đang căng thẳng, Hàn Quốc và Mỹ vẫn khai màn cuộc tập trận chung thường niên.


Khác với một loạt cuộc tập trận chung Mỹ - Hàn quy mô lớn từng diễn ra trên biển, trên không cũng như đất liền thời gian qua, "Người bảo vệ tự do Ulchi" năm nay chỉ là cuộc diễn tập giả định trên máy tính. Theo đó, liên quân Mỹ - Hàn sử dụng các kịch bản sát với thực tế nhằm tăng cường khả năng sẵn sàng đối phó cho binh sĩ Hàn Quốc và lực lượng Mỹ đồn trú trên bán đảo Triều Tiên. Dù chỉ mang tính giả định nhưng Mỹ - Hàn vẫn huy động một lực lượng hùng hậu với khoảng 80.000 binh sĩ "vào trận". Trong đó có khoảng 3.000 lính đến từ Mỹ và các căn cứ trong khu vực Thái Bình Dương. Các bài tập phòng thủ đối phó với các hành động khiêu khích và tấn công mạng - mục tiêu là mạng quân sự cũng như các sự kiện bất ngờ liên quan đến vũ khí hủy diệt hàng loạt - là nội dung quan trọng được Mỹ và Hàn Quốc đặt trọng tâm ưu tiên trong cuộc thao diễn này. Cuộc tập trận còn có sự giám sát của các quan sát viên thuộc Ủy ban Giám sát quốc gia trung lập cùng 7 nước thuộc Bộ Chỉ huy Liên hợp quốc (UNC) gồm Australia, Anh, Canada, Đan Mạch, Pháp, New Zealand và Na Uy.

Mặc dù Seoul và Washington luôn lên tiếng rằng "Người bảo vệ tự do Ulchi" cũng như các cuộc tập trận chung thời gian qua không nằm ngoài mục đích phòng thủ nhưng dường như Triều Tiên vẫn là "đối tượng" chính của cuộc diễn tập. Trong bối cảnh đó, sự im lặng của Bình Nhưỡng được các chuyên gia phân tích nhìn nhận như một dấu hiệu cho thấy quan hệ liên Triều đang dần ấm lên sau một thời gian dài trong "băng giá" vì chương trình hạt nhân gây tranh cãi của nước này. Cùng với nhất trí mở cửa trở lại KCN chung Kaesong, việc Triều Tiên đồng ý tổ chức các cuộc đàm phán với Hàn Quốc nhằm nối lại chương trình sum họp cho các gia đình bị li tán từ sau chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) là sự kiện quan trọng nhận được sự quan tâm của dư luận khu vực. Dẫu vậy, vẫn còn quá sớm để khẳng định Bình Nhưỡng đã thay đổi chính sách "đối đầu" với Seoul dù đây là lựa chọn cần thiết để Triều Tiên chứng tỏ thiện chí nhằm cải thiện quan hệ hai miền cũng như hòa nhập với cộng đồng quốc tế.

Quan hệ liên Triều đang đứng trước nhiều cơ hội sau thời gian dài căng thẳng, thậm chí có lúc tưởng như hai bên đã đến "bên miệng hố chiến tranh". Song các động thái tích cực của Bình Nhưỡng xem ra chưa đủ để thuyết phục Seoul. Nhận định này là có cơ sở khi cùng với cuộc tập trận chung "Người bảo vệ tự do Ulchi", Hàn Quốc còn tiến hành một cuộc diễn tập khẩn cấp riêng dài 4 ngày để kiểm tra sự sẵn sàng của các cơ quan chính phủ trong trường hợp phải đối phó với khả năng xảy ra các cuộc tấn công và hành động quân sự từ phía Triều Tiên. Đây có thể là lý do khiến Hàn Quốc mới đây tiếp tục đề nghị Mỹ hoãn chuyển giao quyền chỉ huy thời chiến của Mỹ với các lực lượng của Hàn Quốc cho Seoul dự kiến theo kế hoạch là vào ngày 1-12-2015. Đây cũng là lần thứ hai Seoul đưa ra đề nghị như vậy với Washington. Lẽ ra, Hàn Quốc đã tiếp nhận quyền chỉ huy thời chiến từ Mỹ từ tháng 4-2012, nhưng sứ mệnh này đã hoãn lại sau vụ một tàu chiến của nước này bị đánh đắm năm 2010.

Sự kiện liên quân Mỹ - Hàn tập trận chung không là quá mới mẻ. Nhưng trong bối cảnh hiện nay, với "Người bảo vệ tự do Ulchi", Washington cho thấy sẽ không để Seoul "đơn thương độc mã" đương đầu với những thách thức an ninh ngày một lớn trong khu vực, đặc biệt khi Bình Nhưỡng chưa có ý định từ bỏ tham vọng sở hữu vũ khí hạt nhân. Và dù được nhìn nhận ở cấp độ nào thì "Người bảo vệ tự do Ulchi" một lần nữa khẳng định liên minh quân sự Mỹ - Hàn vẫn là ưu tiên hàng đầu của hai nước sau hơn 6 thập kỷ thiết lập quan hệ đồng minh.

Đình Hiệp