“Bờ xôi ruộng mật” bỏ hoang

Xã hội - Ngày đăng : 06:15, 21/08/2013

(HNM) - Là xã điểm xây dựng nông thôn mới (NTM) của Hà Nội, xã Song Phượng đã cơ bản hoàn thành 19/19 tiêu chí. Tuy nhiên, trên địa bàn xã đang tồn tại hai hình ảnh trái ngược: Trong khi người dân tự tích tụ ruộng đất, đưa cây hoa vào trồng cho giá trị kinh tế cao

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề tích tụ ruộng đất trên địa bàn xã, Bí thư Đảng ủy xã Song Phượng Bùi Văn Minh không giấu được sự bức xúc. Là xã điểm của thành phố triển khai xây dựng NTM, Song Phượng đã khẩn trương quy hoạch lại các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa như rau, hoa, lúa… nhằm nâng cao giá trị sản xuất, tạo việc làm và thu nhập cho nông dân. Ngay từ năm 2010, Song Phượng đã vận động người dân thực hiện dự án rau an toàn trên diện tích 24.443m2 tại khu đất đồng Vòng, giao Công ty TNHH nhà nước một thành viên Đầu tư phát triển hạ tầng nông nghiệp (HADICO) làm chủ đầu tư.

"Đây là một chủ trương lớn mở ra hướng làm ăn mới cho địa phương nên được nhiều hộ dân đồng tình, dừng cấy lúa giao đất cho chính quyền để ký hợp đồng với đơn vị thực hiện dự án. UBND huyện Đan Phượng còn đầu tư 518 triệu đồng làm hơn 200m đường bê tông và xây dựng hệ thống điện, xây tường quanh khu đất. Thế nhưng "niềm vui ngắn chẳng tày gang", người dân Song Phượng đã nhanh chóng rơi vào thất vọng, thậm chí bức xúc kéo nhau ra chính quyền nhờ can thiệp bởi doanh nghiệp bỏ đất hoang, không trả tiền thuê đất cho nhân dân" - ông Bùi Văn Minh cho biết. Cũng theo ông Minh, điều đáng nói là do không hoạt động nên dự án không "tạo việc làm cho hơn 500 lao động, góp phần chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp ở địa phương, cung cấp rau sạch cho thị trường Hà Nội" như mục tiêu đặt ra…

Cùng chúng tôi có mặt tại khu đồng Vòng, trước cảnh hàng nghìn mét vuông đất "bờ xôi ruộng mật" bị bỏ hoang, cỏ mọc um tùm, Chủ nhiệm HTX nông nghiệp Song Phượng Ngô Thế Anh ngậm ngùi: "Đây là cánh đồng tốt nhất của xã. Người dân địa phương vốn có truyền thống thâm canh một năm 3 vụ lúa - cà chua - đu đủ hay ngô ngọt… nên nhìn đất vàng bị bỏ hoang tiếc đứt ruột mà không làm gì được…". Còn ông Bùi Văn Dư - một hộ dân ở đây than thở: "Tiền thuê đất năm nay lẽ ra doanh nghiệp phải chi trả cho chúng tôi từ đầu năm nhưng giờ vẫn chưa nhận được, đất thì bỏ hoang trong khi lao động lại chẳng có việc làm nên dân chúng tôi băn khoăn lắm". Quá bức xúc trước tình hình nêu trên, từ tháng 4-2013, đại diện nhân dân thôn Tháp Thượng, Trưởng thôn Bùi Văn Trường đã phải làm văn bản gửi lên UBND xã báo cáo và đề nghị chủ đầu tư trả lời rõ trước nhân dân, nếu không tổ chức sản xuất được thì hoàn trả lại đất cho người dân theo thỏa thuận tại hợp đồng để nhân dân kịp thời sản xuất ngay trong vụ mùa 2013.

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Phó Chủ tịch UBND xã Song Phượng Nguyễn Huy Hoàn cho biết, theo hợp đồng ký kết với doanh nghiệp, tiền thuê đất là 250kg thóc/sào/năm, hình thức thanh toán một lần/năm, thời gian thanh toán vào tháng 1 hằng năm… Sau khi được xã bàn giao diện tích đất, phía doanh nghiệp đã tổ chức triển khai thực hiện dự án và xây dựng được 1 nhà lưới. Tuy nhiên, việc trả tiền thuê đất chỉ được thực hiện trong các năm 2011, 2012, còn từ đầu năm 2013 đến nay, Công ty mới thanh toán được 50% số tiền thuê đất theo hợp đồng. Trước thực tế trên, UBND xã Song Phượng đã 2 lần có văn bản gửi ban lãnh đạo HADICO vào tháng 7 và tháng 8-2013, mời lãnh đạo công ty về địa phương bàn biện pháp giải quyết tồn tại. Tuy nhiên, "đến nay chúng tôi vẫn chưa nhận được hồi âm từ phía doanh nghiệp" - ông Hoàn bức xúc cho biết.

Thay mặt chủ đầu tư dự án, ông Đinh Xuân Sơn, Giám đốc Xí nghiệp Rau quả Hà Nội (thành viên của Công ty được giao triển khai sản xuất rau trên diện tích đã thuê tại xã Song Phượng) thừa nhận việc sản xuất sau một thời gian triển khai là kém hiệu quả, nhiều diện tích bị bỏ hoang, ngay cả diện tích trong nhà lưới hiện cũng đã dừng sản xuất. Nguyên nhân do việc thuê đất của dân bị xôi đỗ nên chưa thể triển khai dự án một cách đồng bộ (?)… Về việc chậm chi trả tiền thuê đất cho người dân, ông Sơn cho biết, do khó khăn về kinh tế nên doanh nghiệp xin trả làm hai lần, từ nay đến cuối năm sẽ trả nốt. Còn việc xã hai lần đề nghị Công ty về làm việc thì Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Tổng Giám đốc Công ty Phan Minh Nguyệt lại khẳng định, đến thời điểm này vẫn chưa nhận được bất cứ văn bản nào nên chưa về địa phương làm việc!

Có thể thấy, việc "bờ xôi ruộng mật" bỏ hoang gây lãng phí lớn diễn ra ở Song Phượng đã gây bức xúc tại địa phương. Cùng là tích tụ ruộng đất để sản xuất lớn nhưng trái ngược với cảnh bị bỏ hoang ở khu đồng Vòng, những diện tích đất người dân Song Phượng tự chuyển đổi sang trồng hoa đang mang lại lợi nhuận cao. Với quy mô theo đề án ban đầu là 15ha, nay vùng trồng hoa ở Song Phượng đã được mở rộng thành 20ha. Trên địa bàn xã hiện đã có 27 hộ ở nơi khác vào ký hợp đồng thuê đất của người dân, thu hút hàng trăm lao động địa phương với ngày công lao động trung bình đạt 150 nghìn đồng/ngày. Theo tính toán, hiện cây hoa ở Song Phượng đạt giá trị 1-2 tỷ đồng/ha/năm. Vậy nên, các ngành chức năng của thành phố cần sớm kiểm tra, đôn đốc chủ đầu tư khẩn trương thực hiện dự án để giải quyết tình trạng lãng phí ruộng đất tại Song Phượng.

Nguyễn Mai