Khai quật khu vực Đàn Xã Tắc: Không tránh khỏi ảnh hưởng giao thông

Xã hội - Ngày đăng : 05:52, 21/08/2013

(HNM) - Từ ngày 15-8, Viện Khảo cổ học (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) phối hợp với Sở VH,TT&DL Hà Nội chuẩn bị tiến hành thám sát, khai quật khu vực dự kiến xây 4 mố trụ cầu vượt đi qua khu vực nút giao thông Ô Chợ Dừa.



- Xin ông cho biết về mục đích của việc khai quật?

- Chúng tôi đã có Quyết định của Bộ VH,TT&DL cho phép khai quật diện tích 80m2 đất dự kiến xây 4 mố trụ cầu vượt nhằm xác định xem bên dưới có di tích hay không. Nếu có di tích, di vật thì chúng tôi sẽ cùng với các nhà khảo cổ học tìm phương án tối ưu để bảo vệ, bảo tồn.

- Quy mô khai quật như thế nào, có ảnh hưởng tới giao thông ở khu vực này hay không? Có thể dự kiến phần việc khai quật diễn ra trong bao lâu?

- Theo giấy phép của Bộ thì chúng tôi được khai quật 4 mố trụ cầu, mỗi mố trong khoảng diện tích 20m2. Có thể phần khai quật ở khu vực Hoàng Cầu sẽ không ảnh hưởng lớn đến giao thông nhưng với phần khai quật ở Khâm Thiên sẽ có ảnh hưởng. Một mố cầu ở khu vực này gần như rơi vào tâm đường, chí ít phải phân luồng đường, vì tuy diện tích khai quật chỉ là 20m2 nhưng diện tích che chắn sẽ rộng hơn. Chúng tôi sẽ cố gắng khảo sát theo chiều dài con đường chứ không theo chiều rộng, vì làm như thế thì sẽ ảnh hưởng đến giao thông đoạn phố Khâm Thiên. Chúng tôi sẽ khai quật từ tháng 8 đến tháng 11, trong đó có phần làm việc ở hiện trường và phần chỉnh lý di vật ở Bảo tàng Hà Nội.

- Giả sử quá trình khai quật phát lộ di vật thì bước tiếp theo là gì?

- Nếu phát lộ di tích, di vật liên quan đến di sản, chúng tôi sẽ thảo luận tại chỗ với các nhà khoa học đầu ngành đã nghiên cứu nhiều về lịch sử Kinh thành Thăng Long nói chung. Ý kiến tư vấn của họ sẽ giúp thêm chúng tôi trong việc đưa ra kiến nghị với lãnh đạo thành phố Hà Nội về các bước xử lý tiếp theo.

- Chắc ông cũng biết, dự án xây cầu vượt gắn liền với tiến độ thi công nút giao thông Ô Chợ Dừa vốn có sự liên quan mật thiết với một dự án giao thông quan trọng, không thể thiếu của Hà Nội. Nếu công tác khai quật kéo dài, lại phát lộ di vật thì dự án cầu vượt liệu có phải đình lại, hoặc thay đổi thiết kế?

- Việc khai quật có kéo dài hay không phụ thuộc vào tiến độ khai quật và những gì có hoặc không phát lộ. Tiến độ của dự án giao thông ít nhiều phụ thuộc vào cuộc khai quật này. Nhiệm vụ của chúng tôi là cùng với các nhà khoa học trả lời nhân dân, nhà quản lý các cấp có hoặc không có di tích, nếu có thì quy mô của di tích như thế nào và các biện pháp xử lý như thế nào: Di dời hay bảo vệ, bảo quản? Việc dự án giao thông có bị chậm lại hay không phụ thuộc vào kết quả khai quật, ý kiến tư vấn của các cơ quan chủ quản, trong đó có Cục Di sản văn hóa thuộc Bộ VH,TT&DL, Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, Sở VH,TT&DL Hà Nội, Viện Khảo cổ học… Quan trọng nhất là ý kiến của các nhà khảo cổ học, sử học đã nghiên cứu nhiều về Kinh thành Thăng Long, đó là ý kiến cuối cùng để chúng tôi đưa ra kiến nghị về các phương án với lãnh đạo thành phố Hà Nội và các cấp có thẩm quyền.

- Thực tế cho thấy, kết quả khai quật khảo cổ có nhiều, đáng kể nhưng không phải lúc nào di sản cũng được phát huy giá trị đầy đủ. Theo ông nguyên nhân là vì sao?

- Vấn đề thứ nhất là sự quan tâm của các cấp có thẩm quyền, thứ hai nữa là nhìn nhận của các nhà khoa học, các nhà quản lý đối với di tích. Theo tôi, chưa có di tích nào ở Hà Nội bị lãng quên một cách trầm trọng. Có những di tích chưa đủ thời gian, nguồn lực, kinh phí để xử lý thì bước đầu được bảo vệ, bảo quản. Nếu nói có hiện tượng phá bỏ, hay lãng quên thì chưa thật công tâm.

- Một câu hỏi mang tính cá nhân, mong được chia sẻ: Ông nghĩ gì nếu quả thực công trình cầu vượt bị đình lại, hoặc quá chậm tiến độ và kéo theo sự chậm của một dự án giao thông rất lớn, ảnh hưởng xấu tới tình hình giao thông của Hà Nội?

- Đây là một câu hỏi khó với các nhà khoa học. Trong trường hợp này, trước hết chúng tôi sẽ cố gắng thực hiện theo đúng tinh thần của Luật Di sản và quyết định của Bộ VH,TT&DL.

- Xin cảm ơn ông!

Lâm Vũ