Xét tuyển nguyện vọng bổ sung: Cuộc đua không đơn giản
Tuyển sinh - Ngày đăng : 07:16, 20/08/2013
Các thí sinh dự thi đại học tại Học viện Báo chí và tuyên truyền. Ảnh: Viết Thành |
Khối ngành kinh tế vẫn "kiêu"
Mùa xét tuyển năm nay ghi nhận mặt bằng điểm thi cao và điều đó khiến các thí sinh lo ngại điểm xét tuyển cũng sẽ tăng lên. Đó là điều khó tránh khỏi bởi có rất nhiều thí sinh rớt khỏi tốp trường nhóm trên dù kết quả thi không hề kém, thực tế cho thấy nhiều thí sinh đạt số điểm 24-26 cũng tham gia vào "đội quân xét tuyển" và những thí sinh này thường hướng tới những trường công lập nhóm giữa. Tuy nhiên, các trường này cũng chỉ xét tuyển thêm cho những ngành ít sức hút và điểm nhận hồ sơ khá cao.
Trường ĐH Xây dựng còn 760 chỉ tiêu. Các ngành xây dựng dân dụng và công nghiệp, ngành kinh tế xây dựng có mức điểm xét tuyển cao nhất - 22, ngành kỹ thuật xây dựng công trình giao thông xét tuyển ở mức 21 điểm trở lên. Ngành công nghệ thông tin lấy điểm xét tuyển thấp nhất, nhưng cũng cao hơn điểm sàn đáng kể: Từ 16 điểm trở lên. Thí sinh nên lưu ý là trường không nhận hồ sơ xét tuyển qua đường bưu điện.
Tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền, bên cạnh nhiều ngành có điểm chuẩn rất cao còn có một số ngành luôn trong tình trạng khó tuyển nhưng lại yêu cầu chất lượng đầu vào cao. Vì vậy, năm nay, Học viện dành 65 chỉ tiêu bổ sung với các ngành này, với điểm xét tuyển không hề thấp nhằm bảo đảm chất lượng đầu vào: Đó là ngành triết học Mác - Lênin, chủ nghĩa xã hội khoa học, kinh tế chính trị Mác - Lênin, lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, Tư tưởng Hồ Chí Minh, xã hội học, chính sách công. Mức điểm tối thiểu để xét tuyển vào các ngành này từ 17,5.
Mặc dù cơn sốt vào các trường khối kinh tế đã giảm nhiệt song lượng chỉ tiêu nguyện vọng bổ sung của các trường nhóm trên không hề dư dả. Trường ĐH Kinh tế quốc dân không xét tuyển thêm bên ngoài. Học viện Ngân hàng chỉ xét thêm 30 chỉ tiêu cho ngành ngôn ngữ - tiếng Anh với 23 điểm trở lên. Phân viện ở Phú Yên của Học viện Ngân hàng xét tuyển bổ sung 139 chỉ tiêu cho các ngành tài chính, ngân hàng, kế toán, từ 17 điểm. Học viện Tài chính xét thêm 250 chỉ tiêu vào các ngành kế toán, kinh tế, tài chính ngân hàng, hệ thống thông tin quản lý, trong đó ngành kế toán có điểm xét tối thiểu là 22, các ngành còn lại bắt đầu xét tuyển từ mức điểm 20.
Lưu ý các quy định riêng
Lượng thí sinh dồi dào hơn so với mọi năm khiến cho thí sinh phải cạnh tranh nhiều hơn trong cuộc đua xét tuyển, chỉ có các trường được lợi bởi sự thể nói trên giúp các trường đỡ lo về nguồn tuyển. Năm nay, công tác xét tuyển hứa hẹn bớt được sự rắc rối so với mọi năm sau khi Bộ GD-ĐT ra quy định mới: Mỗi thí sinh không trúng tuyển nguyện vọng 1 nhưng có điểm trên sàn thì sẽ được cấp 3 giấy chứng nhận điểm thi gốc. Thí sinh sẽ không được phô tô giấy này để gửi đi xét tuyển như năm trước. Chỉ với 3 giấy chứng nhận điểm thi, thí sinh buộc phải cân nhắc kỹ càng hơn trước khi chọn trường.
Tuy nhiên, để tạo thuận lợi hơn cho việc xét tuyển của trường mình, nhiều trường đưa ra một số quy định riêng, ít nhiều làm hạn chế quyền lợi của thí sinh. Có trường không nhận hồ sơ qua đường bưu điện hoặc tuyên bố không trả lại hồ sơ xét tuyển. Theo lịch công tác tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy năm 2013 của Bộ GD-ĐT, trước ngày 20-8 các trường ĐH, CĐ công bố điểm trúng tuyển, gửi giấy chứng nhận kết quả thi; từ ngày 20-8 đến hết ngày 31-10, các trường ĐH, CĐ còn chỉ tiêu sẽ thông báo điều kiện xét tuyển và tổ chức xét tuyển. Tuy nhiên, thí sinh nên lưu ý những tình huống có thể xảy ra, chẳng hạn như một số trường thông báo nhận hồ sơ xét tuyển sớm hoặc kết thúc đợt xét tuyển sớm hơn quy định. Ngoài ra, dù Bộ GD-ĐT đã yêu cầu các trường cập nhật số liệu và diễn biến của việc xét tuyển trên trang web hằng ngày, song thực tế những năm qua cho thấy hầu như rất ít trường làm được điều này. Phần lớn các trường cập nhật thông tin 5-7 ngày/lần, thậm chí có trường còn "lười" hơn.
Các chuyên gia tuyển sinh cũng lưu ý, trước khi nộp hồ sơ, thí sinh cần tìm hiểu kỹ càng thông tin về chỉ tiêu còn lại của nhà trường và điểm chuẩn các năm để không lãng phí cơ hội. Với các trường thuộc nhóm giữa, ít chỉ tiêu, có năm điểm chuẩn nguyện vọng bổ sung cao hơn điểm nhận hồ sơ tới 3-4 điểm. Thí sinh cũng nên chú ý số liệu cập nhật hồ sơ xét tuyển trên trang web của nhà trường để rút hồ sơ nếu thấy mình không có cơ hội trúng tuyển (với các trường cho phép rút). Với những trường hợp điểm thi chỉ xấp xỉ điểm sàn, thí sinh nên nộp hồ sơ vào các trường ĐH vùng, các trường ngoài công lập... vốn có nhiều chỉ tiêu.