Địa Trung Hải dậy sóng

Thế giới - Ngày đăng : 06:42, 20/08/2013

(HNM) - Chưa có khi nào vấn đề chủ quyền biển đảo trên thế giới lại

Ngư dân Tây Ban Nha phản đối Gibraltar đổ bê tông bị cho là ngăn cản hoạt động đánh bắt thủy sản trên biển trong khu vực.



Thậm chí, những vùng đất nhỏ bé ở tận Nam Đại Tây Dương như quần đảo Falkland/ Manvinas cũng là nguyên nhân khiến Anh và Argentina "tiếng bấc, tiếng chì" trong thời gian qua. Mới đây, dư luận thế giới lại ngỡ ngàng trước mâu thuẫn bất ngờ bùng phát giữa Tây Ban Nha và Anh xung quanh bán đảo Gibraltar có diện tích chưa đầy 7km2.

Nằm án ngữ ngay lối vào Địa Trung Hải từ phía Đại Tây Dương, lâu nay, Gibraltar như cánh cửa vào Châu Phi và Trung Đông. Địa thế hiểm yếu này không chỉ giúp Gibraltar trở thành một trạm trung chuyển quan trọng dầu mỏ và khí đốt tới Tây Âu mà còn là một căn cứ chiến lược khá lý tưởng về hải quân, không quân. Tuy nhiên, từ sau khi Chiến tranh thế giới lần thứ II kết thúc và đặc biệt là khi Liên minh Châu Âu (EU) thành lập, Anh và Tây Ban Nha trở thành "người trong một nhà", tầm quan trọng về khía cạnh chiến lược quân sự của Gibraltar tưởng như đã được gác sang một bên. Thế nhưng, với những gì đang diễn ra trên trường ngoại giao giữa hai cường quốc biển hàng đầu thế giới đã cho câu trả lời trái ngược.

Thực ra, tranh cãi giữa Anh và Tây Ban Nha không nhằm vào quyền kiểm soát Gibraltar vì bán đảo này đã trở thành thuộc địa của Anh theo Hiệp ước Utrecht được London và Madrid ký kết từ năm 1713. Vấn đề duy nhất là Hiệp ước Utrecht không nói rõ bên nào có chủ quyền với lãnh hải xung quanh Gibraltar. Mâu thuẫn trở nên thường xuyên hơn kể từ khi Thủ hiến Gibraltar Fabian Picardo cam kết hủy bỏ thỏa thuận đánh bắt cá với Tây Ban Nha khi nhậm chức vào năm 2011. Căng thẳng tiếp tục leo thang lên một mức mới vào cuối tháng 7 vừa qua, khi nhà chức trách Gibraltar cho thả những khối bê tông xuống biển nhằm tạo rặng san hô nhân tạo mà Tây Ban Nha cho là sẽ phá hủy ngư trường trong khu vực. Madrid đáp trả bằng cách siết chặt an ninh ở khu vực biên giới với Gibraltar và đề xuất áp dụng mức lệ phí khoảng 67 USD với tất cả các phương tiện ra vào xứ sở Bò tót từ lãnh thổ Gibraltar. Mâu thuẫn tiếp tục bị khoét sâu khi Anh cho triển khai một lực lượng đặc nhiệm thuộc Hải quân Hoàng gia đến Địa Trung Hải; và tín hiệu cứng rắn được khẳng định khi một trong các tàu chiến chủ lực của lực lượng này là tàu khu trục HMS Westminster đã cập cảng Gibraltar ngày 19-8.

Trước nguy cơ căng thẳng Anh - Tây Ban Nha có thể làm xói mòn quan hệ giữa hai đồng minh trong EU, Ủy ban Châu Âu (EC) vừa quyết định gửi một đội giám sát đến khu vực biên giới Tây Ban Nha - Gibraltar để kiểm tra tình hình; nhưng do thời điểm hiện nay đang trùng với dịp nghỉ hè ở Châu Âu cộng thêm các thủ tục cần thiết rất phức tạp nên sớm nhất nhóm quan sát viên chỉ có thể đến thực địa vào tháng 9 hoặc tháng 10. Nhưng vai trò trọng tài của EC trong sự kiện Gibraltar được nhìn nhận là không đơn giản. Vì dù nằm trong EU, song Anh không nằm trong khu vực tự do đi lại theo Hiệp ước Schengen nên Tây Ban Nha có quyền khi tuyên bố tăng kiểm soát và thu thuế đường với xe cộ đi từ Gibraltar sang Tây Ban Nha. Cái khó của EU hiện nay là không thể ngăn cấm hành động kiểm soát biên giới của Tây Ban Nha cũng như yêu cầu Gibraltar dỡ bỏ khối bê tông dưới biển, nhưng lại phải làm thế nào để giải tỏa bất đồng giữa hai thành viên trụ cột trong liên minh.

Trong bối cảnh Cựu lục địa vẫn phải tập trung để giải quyết triệt để những ảnh hưởng khốc liệt của "cơn bão" nợ công, mâu thuẫn giữa Tây Ban Nha và Anh về Gibraltar có nguy cơ làm gia tăng những rạn nứt giữa các thành viên EU và mối nghi ngờ về tính bền vững của ngôi nhà chung ngày một lớn hơn. Tất nhiên, EU sẽ không dễ dàng từ bỏ nỗ lực bảo vệ thành quả nhất thể hóa; song đây thực sự là một con sóng không dễ chế ngự trong một sớm một chiều.

Quỳnh Chi