Phải bảo đảm quyền và lợi ích của nhân dân

Chính trị - Ngày đăng : 06:02, 20/08/2013

(HNM) - Việc nên hay không nên tổ chức HĐND cấp huyện, quận, phường được đặt ra đã lâu song đến nay vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều xung quanh vấn đề này.

Đây cũng là một nội dung quan trọng được đề cập tại Chương IX Chính quyền địa phương trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Với vai trò là cơ quan quyền lực cao nhất tại địa phương đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của người dân, tại các diễn đàn, hội thảo, nhiều ý kiến đề nghị cần xem xét vấn đề một cách thấu đáo trước khi quyết định.

Cử tri phát biểu ý kiến tại một buổi tiếp xúc cử tri quận Ba Đình. Ảnh: Thái Hiền



Hai luồng quan điểm

Giữ hay bỏ HĐND cấp huyện, quận, phường là nội dung quan trọng được đề cập nhiều trong các ý kiến góp ý về xác định mô hình chính quyền tại Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992. Theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên, nhiều nhà khoa học và đại biểu Quốc hội đề nghị duy trì mô hình cũ theo hướng ở đâu có UBND ở đó có HĐND. Trong đó, cách tổ chức chính quyền địa phương vẫn giữ như hiện nay và cần tăng cường chức năng cho HĐND và UBND.

Bên cạnh đó, cũng có luồng ý kiến cho rằng, với một khung pháp lý chung cho tổ chức chính quyền địa phương (không có sự phân biệt địa bàn, dân cư nông thôn và đô thị), mô hình tổ chức HĐND và UBND như hiện nay không phù hợp với thực tiễn yêu cầu quản lý. Mặt khác, kết quả sau hơn 4 năm thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường tại một số địa phương cho thấy, tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị ở địa phương vẫn bảo đảm được sự lãnh đạo của Đảng và quan hệ công tác giữa các cơ quan cũng như công tác quản lý, điều hành của bộ máy chính quyền các cấp và việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chính trị ở địa phương, nên không nhất thiết phải giữ HĐND cấp huyện, quận, phường. Trên cơ sở đó, tại Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, Chính phủ đề xuất mô hình chính quyền địa phương gồm hai cơ quan HĐND và UBND (hoặc Ủy ban hành chính theo đề xuất của một số bộ, ngành địa phương). Chính quyền địa phương được tổ chức tại các đơn vị hành chính theo mô hình chính quyền một cấp ở đô thị và chính quyền hai cấp ở nông thôn. Đồng thời, bổ sung quy định về thành lập cơ quan hành chính tại các đơn vị không có HĐND (huyện, quận, phường) theo hướng cơ quan này là của UBND/Ủy ban hành chính cấp trên trực tiếp thực hiện nhiệm vụ quản lý hành chính và cung cấp dịch vụ công cho nhân dân trên địa bàn.

Đặt quyền, lợi ích của người dân lên đầu

Tán thành quan điểm giữ nguyên mô hình tổ chức chính quyền như hiện tại với đầy đủ HĐND ở các cấp, Phó Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Lê Văn Hoạt phân tích, bên cạnh việc giám sát chính quyền, HĐND còn thực hiện nhiều chức năng khác như quyết định các vấn đề quan trọng của địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân địa phương. Theo ông Hoạt, thay vì không tổ chức HĐND, nên tính đưa ra các giải pháp để khắc phục, nâng cao hiệu quả hoạt động của HĐND để HĐND làm tròn chức năng được giao là cơ quan quyền lực cao nhất ở địa phương.

Cũng có ý kiến băn khoăn khi cho rằng, chỉ dựa trên kết quả thí điểm không tổ chức HĐND ở 10 địa phương mà đã đưa vào Hiến pháp e là chưa thấu đáo mà cần phải tổng kết khách quan, nhìn thẳng vào sự thật, bảo đảm dân chủ, đồng thuận trước khi xem xét. Thậm chí, không ít người bày tỏ sự quan ngại trước vấn nạn tham nhũng chưa có dấu hiệu được ngăn chặn và đẩy lùi thì việc bỏ một cơ quan giám sát là HĐND các cấp sẽ rất nguy hiểm. Sự lo ngại trên không phải là không có lý khi ngay cả với những ý kiến tán thành bỏ HĐND cấp quận, huyện, phường cũng đề nghị nếu lựa chọn phương án này thì phải tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động của cấp trên đối với cơ quan hành chính của cấp không tổ chức HĐND; có cơ chế giám sát của các tổ chức chính trị xã hội, các tổ chức đoàn thể, của nhân dân đối với cấp không tổ chức HĐND.

Một trong những nguyên tắc tổ chức chính quyền của nhiều nước trên thế giới là ở đâu có cơ quan điều hành thì ở đó phải có cơ quan đại diện cho dân giám sát. Nếu bỏ HĐND mà vẫn giữ UBND là trái với nguyên tắc này, đồng nghĩa với việc bỏ đi một thiết chế để giám sát quyền lực. Trong quá trình góp ý, hoàn thiện mô hình chính quyền địa phương tại Dự thảo sửa đổi Hiến pháp đang diễn ra, việc lựa chọn triển khai, tổ chức HĐND như thế nào có vai trò rất lớn. Thiết nghĩ, ngoài việc tổng kết các mô hình thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường, rất cần thêm ý kiến của chính người dân, các chuyên gia để cung cấp cái nhìn đa chiều, toàn diện về vấn đề này trước khi đi đến quyết định.

Luật pháp quy định, HĐND là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân, do nhân dân địa phương bầu ra, chịu trách nhiệm trước nhân dân địa phương và cơ quan nhà nước cấp trên, vì vậy việc giữ hay không giữ HĐND cấp huyện, quận, phường trước tiên cần xuất phát từ chính quyền, lợi ích của nhân dân.

Đà Đông