Khẩn trương hoàn thiện Đề án đầu tư xây dựng một số bệnh viện Trung ương

Kinh tế - Ngày đăng : 14:45, 19/08/2013

Tại Thông báo số 310/TB-VPCP, ngày 15/8/2013, Văn phòng Chính phủ cho biết: Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cơ bản đồng ý với nội dung chính của Đề án đầu tư xây dựng một số bệnh viện Trung ương sử dụng nguồn vốn cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Xây dựng một số bệnh viện mới, hiện đại, vừa góp phần giảm quá tải, vừa tạo cơ hội khám, chữa bệnh cho người dân. Ảnh: dangcongsan.vn


Theo ý kiến của Phó Thủ tướng được nêu tại văn bản trên, các mục tiêu đầu tư, tiêu chí lựa chọn dự án đầu tư cơ bản phù hợp, bám sát các Nghị quyết của Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, Bộ Y tế cần tiếp tục hoàn thiện Đề án để trình Thủ tướng Chính phủ theo hướng:

Về mục tiêu, xây dựng một số bệnh viện mới, hiện đại thuộc 5 chuyên khoa đang quá tải (tim mạch, ung bướu, ngoại – chấn thương, sản, nhi) trên cơ sở các bệnh viện đã có uy tín cao trong các lĩnh vực liên quan, vừa góp phần tích cực giảm tải ở 5 chuyên khoa, vừa tạo cơ hội khám bệnh, chữa bệnh với trình độ cao ở khu vực cho người dân Việt Nam. Ngoài ra, cần xác định rõ đối tượng phục vụ và cơ chế tài chính phù hợp, có khả năng tự chủ cao.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu cần quy định rõ tiêu chí lựa chọn dự án đầu tư cụ thể, bảo đảm tính hiện đại, đồng bộ, hiệu quả sau khi đưa vào sử dụng; trở thành trung tâm y tế đầu ngành, có thiết bị hiện đại, đủ diện tích đất tối thiểu, có kết nối giao thông thuận lợi.

Về danh mục các dự án, Phó Thủ tướng yêu cầu chọn 4 dự án: Tại khu vực Hà Nội, có Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2, Bệnh viện Việt Đức cơ sở 2, Bệnh viện Phụ sản Trung ương cơ sở 2. Tại khu vực thành phố Hồ Chí Minh, có Bệnh viện Chấn thương – Chỉnh hình Trung ương theo mô hình kết hợp quân – dân y đặt tại khuôn viên Bệnh viện 175. Phó Thủ tướng lưu ý, có thể xem xét thêm bệnh viện Lão khoa Trung ương cơ sở 2.

Đối với từng dự án cụ thể, cần nêu rõ sự cần thiết, yêu cầu thiết kế (suất đầu tư, quy mô giường bệnh, diện tích, trình độ công nghệ); chuẩn bị nhân lực, cơ chế vận hành sau khi đưa vào sử dụng (đối tượng phục vụ, quản trị bệnh viện, cơ chế tài chính, sự hỗ trợ tài chính của Nhà nước, đánh giá chất lượng).

Yêu cầu về vốn không vượt quá 20.000 tỷ đồng từ nguồn cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, trong đó có khoảng 20% là vốn dự phòng (không đầu tư vào các bệnh viện đang sử dụng các nguồn vốn đầu tư khác).

Cũng theo văn bản, cần làm rõ yêu cầu phải có cơ chế đặc thù trong quá trình lập và triển khai dự án. Thiết kế phải có sự tham gia của công ty nước ngoài có kinh nghiệm, uy tín trong thiết kế bệnh viện. Cung cấp trang thiết bị cơ bản đấu thầu quốc tế…

Đặc biệt, về phương thức quản lý các dự án đầu tư cụ thể, Phó Thủ tướng lưu ý, đây là khâu quyết định tiến độ và chất lượng dự án xây dựng các bệnh viện. Bộ Y tế cần xác định các phương thức quản lý dự án phù hợp nhất, trong đó phải có trách nhiệm trực tiếp của chủ đầu tư là bệnh viện. Trong Ban Quản lý dự án phải có sự tham gia của Giám đốc bệnh viện.

Căn cứ vào đặc điểm bệnh viện, vị trí đầu tư diện tích đất, Bộ Y tế cần dự kiến tiến độ thực hiện từng dự án đầu tư, nhu cầu vốn dự kiến cho từng giai đoạn, làm đề án báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Bộ Y tế cũng được giao chủ trì, phối hợp với các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường hoàn thiện Đề án (kèm theo dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ), gửi lấy ý kiến các cơ quan liên quan, trình Thủ tướng Chính phủ trước ngày 25/8/2013.

Mặt khác, cần khẩn trương hoàn thiện Quy hoạch bệnh viện đến năm 2025, trình Thủ tướng Chính phủ vào cuối quý IV năm 2013; xây dựng báo cáo về nhu cầu thực hiện các dự án đầu tư nâng cấp các bệnh viện có tính chuyên sâu, cần tập trung vốn đầu tư (hiện đang thiếu vốn), trình Thủ tướng trong tháng 9/2013./.

Theo Báo Điện tử ĐCSVN