Chậm vì… chưa đủ tầm?
Giới trẻ - Ngày đăng : 06:36, 19/08/2013
Rặng duối 1000 năm tuổi ở xã Đường Lâm (thị xã Sơn Tây), nơi vua Ngô Quyền buộc voi, ngựa tập đánh trận. Ảnh: Linh Ngọc |
Tính cấp thiết của một đề án
Xứ Đoài là một vùng văn hóa đặc trưng, với hệ thống di sản văn hóa vật thể dày đặc, lề lối sinh hoạt, ứng xử văn hóa mang nét độc đáo không thể pha trộn với bất kỳ vùng miền nào. Những "lề", "thói" của một vùng dân cư được chưng cất ngàn năm, gắn chặt với lịch sử địa lý đã tạo nên tinh hoa văn hóa xứ Đoài - vùng văn hóa có tiếng từ xa xưa đến nay. Chỉ tính riêng trên địa bàn thị xã Sơn Tây, các di tích, công trình tôn giáo, tín ngưỡng được thống kê là 183, trong số đó có nhiều di tích nổi tiếng mà tên gọi đã gắn liền với tên đất và người Sơn Tây như Làng cổ Đường Lâm - di tích kiến trúc - nghệ thuật cấp quốc gia, vùng đất địa linh "một ấp sinh hai vua" (Làng cổ Đường Lâm hiện còn bảo tồn được khá nguyên vẹn dấu tích một làng Việt cổ ở Đồng bằng Bắc bộ, mang đậm nét của vùng đồi gò trung du với những bức tường đá ong đỏ sẫm kiên gan thách thức với thời gian, năm tháng); chùa Mía - một ngôi chùa cổ có nhiều tượng Phật nhất miền Bắc, được mệnh danh là "bông hoa nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc thế kỷ XVII", những địa danh mang huyền tích về vùng đất cổ xứ Đoài như vũng Hùm, đồi Hổ gầm, đồi Xà Mâu, giếng sữa Chuông Sa, rặng duối 1000 tuổi tương truyền là nơi vua Ngô Quyền buộc voi, ngựa tập trận...
Bên cạnh đó, vùng đất Sơn Tây - xứ Đoài còn là một vùng văn hóa tâm linh lạc Việt, ngoài việc lưu giữ những giá trị văn hóa vật thể kể trên còn có nhiều giá trị phi vật thể như truyền thuyết, huyền thoại Sơn Tinh - Thủy Tinh, những bài văn tế thần, nghi lễ cũng bái, các lễ hội tràn khí thiêng địa linh nhân kiệt mà bao đời nay người dân đất Việt vẫn ngưỡng vọng. Trong đó, tín ngưỡng thờ Thánh Tản Viên gắn với núi tổ Ba Vì là một trong những nét tiêu biểu, đặc trưng của văn hóa tâm linh xứ Đoài. Vùng đất này còn có những làng nghề truyền thống đặc trưng, nền văn hóa ẩm thực đặc sắc, kho tàng văn học dân gian phong phú, những trò chơi truyền thống hấp dẫn mọi lứa tuổi từ già đến trẻ, lời ăn tiếng nói hồn hậu mang nét đặc trưng không thể trộn lẫn của vùng Sơn Tây - xứ Đoài.
Với những gì đang diễn ra trong những năm gần đây, có thể dễ dàng nhận thấy sự mai một của tinh hoa văn hóa xứ Đoài. Sự xâm lấn của đường bê tông, đèn cao áp, nhà xây kiểu tân thời trong Làng cổ Đường Lâm, sự cải tạo nhưng thực chất là phá bỏ, xây mới nhiều đình, chùa đã khiến du khách ngơ ngẩn tiếc nuối. Sự thu hẹp của các làng nghề truyền thống như làng gốm Phú Nhi, nghề đan gầu, đan nong Cam Thịnh, nghề gò hàn đồng nhôm Quang Trung…, sự "đổi mới" ở các phiên chợ quê như chợ Nghệ, chợ Mía, chợ Sơn Đông, Phù Sa, thay vì bán những nông sản đặc trưng vùng miền là nhan nhản những mặt hàng gia công rẻ tiền. Ngay cả một số lễ hội truyền thống chỉ chú trọng phần "hội" tập trung quá đông người, ăn uống, vui chơi ồn ã mà coi nhẹ phần "lễ" trang nghiêm, thành kính; sự xuống cấp của các di tích lịch sử, mâu thuẫn giữa việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản với bảo đảm cuộc sống hàng ngày cho người dân sống trong di tích mà đỉnh điểm là việc người dân Làng cổ Đường Lâm đòi trả lại danh hiệu Di tích làng cổ quốc gia… đã gióng lên hồi chuông bức thiết về việc phải có một kế hoạch dài hơi cho việc bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống.
Bên cạnh đó, việc bảo quản, lưu trữ các di vật, cổ vật, thư tịch cổ chưa được quan tâm, dẫn đến tình trạng hư hỏng, thất lạc nhiều hiện vật có giá trị. Hầu hết hiện vật được lưu giữ tại các di tích, trong số đó có nhiều cổ vật quý, có giá trị tiêu biểu, độc đáo đã và đang giúp cho việc nghiên cứu, giới thiệu và phát huy giá trị lịch sử văn hóa, nghệ thuật truyền thống của dân tộc và văn hóa đặc trưng của Sơn Tây - xứ Đoài. Ngoài vấn đề di tích xuống cấp, chưa được trùng tu dẫn đến điều kiện bảo quản không tốt thì việc sử dụng đội ngũ cán bộ không có chuyên môn, chế độ tiền công không phù hợp cũng là nguyên nhân gây khó khăn cho việc quản lý, phát huy giá trị cổ vật. Thậm chí, đã có nơi xảy ra hiện tượng mất cắp cổ vật như tại chùa Vân Gia (phường Trung Hưng), đình Văn Khê, Lễ Khê (xã Xuân Sơn)... Trước nguy cơ văn hóa xứ Đoài bị mai một do tốc độ đô thị hóa nhanh chóng, thị xã Sơn Tây mà trực tiếp là các cán bộ Phòng Văn hóa - Thông tin thị xã đã xây dựng Đề án"Bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa Sơn Tây - xứ Đoài" (giai đoạn 2012-2016).
Chậm vì… chưa đủ tầm!
Xuất phát từ những vấn đề trên, việc xây dựng Đề án "Bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa Sơn Tây - xứ Đoài" là việc làm cần thiết để lưu giữ cho được bản sắc của một vùng văn hóa lâu đời. Các mục tiêu cụ thể của đề án là xác định, sưu tầm, biên soạn và lưu giữ những giá trị văn hóa đặc trưng cơ bản, tập hợp và thống nhất đánh giá các giá trị văn hóa Sơn Tây - xứ Đoài; thực hiện tốt công tác bảo tồn, tôn tạo, phục hồi và phát huy giá trị di sản gắn với phát triển kinh tế, du lịch; định hướng và xác định các chương trình, kế hoạch ngắn và dài hạn, danh mục dự án, thứ tự ưu tiên, từ đó đề ra giải pháp cơ bản bảo tồn và phát huy giá trị di sản; thúc đẩy việc tuyên truyền, giáo dục, quảng bá… đến mọi tầng lớp nhân dân và du khách.
Các nhiệm vụ và giải pháp cụ thể cũng đã được đưa ra, nhưng từ khi hoàn thiện dự thảo cuối năm 2012, đến nay đề án vẫn chưa được cấp có thẩm quyền thông qua để có thể triển khai thực hiện. Ông Hứa Đức Thịnh - Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin thị xã Sơn Tây - đơn vị được giao trực tiếp biên soạn đề án chia sẻ rất thật: "Chúng tôi vừa làm dự thảo đề án vừa run! Theo quan điểm của cá nhân tôi, đây là một công việc quá lớn, vượt khỏi tầm của một thị xã, thậm chí một tỉnh thành, nó phải là đề án cấp quốc gia. Nếu ai đó hiểu văn hóa chỉ là áo xanh, áo đỏ, hát hò, nhảy múa trên sân khấu thì nhầm. Văn hóa là một khái niệm rộng lớn bao gồm mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, khái niệm văn hóa xứ Đoài càng khó xác định vì phạm vi xứ Đoài xưa rất rộng, Sơn Tây chỉ là một phần, chưa hẳn là phần lõi. Xác định được thì mới bảo tồn, phát huy được. Việc này rất cần sự vào cuộc của các nhà văn hóa, người nghiên cứu lịch sử, cần tổ chức hội thảo để lấy ý kiến của các chuyên gia, chỉ mình chúng tôi thì không đủ khả năng…".
Theo sách Dư địa chí Sơn Tây, xứ Đoài xưa là một vùng đất rộng lớn bao gồm 54 phủ, 24 huyện (gồm 7 huyện phía tây Hà Nội, toàn bộ tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ, huyện Sơn Dương thuộc tỉnh Tuyên Quang). Nhà sử học Phan Huy Chú trong Lịch triều hiến chương loại chí cũng khẳng định: "Trấn Đoài về phía tây, núi cao, sông dài và sâu… nhiều đời đây là phên dậu của đất kinh kỳ". Trấn Đoài (đoài có nghĩa là tây) là một trong bốn trọng trấn ở Bắc kỳ là bốn thành trì bảo vệ kinh thành Thăng Long xưa. Tuy vậy, phạm vi đề án chỉ tiến hành nghiên cứu các giá trị đặc trưng của văn hóa xứ Đoài tại thị xã Sơn Tây là chưa đầy đủ, nhất là chưa có tài liệu nào khẳng định Sơn Tây là phần "lõi" của văn hóa xứ Đoài. Bên cạnh đó, thị xã Sơn Tây chưa tổ chức một cuộc hội thảo nào để lấy ý kiến đóng góp, đánh giá của các nhà nghiên cứu về văn hóa xứ Đoài thì đề án trên cũng chưa thể có cái nhìn tổng quan, toàn diện về vùng văn hóa đặc sắc này.