Sau hai tuần áp dụng giá dịch vụ y tế mới ở Hà Nội: Nảy sinh nhiều vướng mắc

Sức khỏe - Ngày đăng : 05:54, 19/08/2013

(HNM) - Có khá nhiều điểm đáng lưu ý sau khi thành phố đồng loạt đổi giá đối với 819 dịch vụ y tế, lạc quan có mà băn khoăn cũng có.

Chỉ 35 người/bàn khám/ngày

Đây là yêu cầu của Bộ Y tế khi ban hành quy định mới về viện phí vào đầu năm 2012. Tuy nhiên, cho đến nay, đây vẫn là một mục tiêu khó thực hiện đối với hầu hết bệnh viện tuyến trung ương, Bệnh viện ở TP Hồ Chí Minh… Tại Hà Nội, trong cuộc giao ban vào cuối tuần qua giữa lãnh đạo ngành y tế với lãnh đạo các bệnh viện và cơ sở y tế ở 29 quận, huyện, thị xã, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền đã yêu cầu bố trí nhân lực phòng khám, bảo đảm 35 lượt bệnh nhân/bàn khám/ngày. Theo đại diện của Bảo hiểm xã hội Hà Nội, nếu số lượng bệnh nhân vượt quá mức 35 người/bàn khám/ngày thì các bệnh viện có thể mở thêm bàn khám để phục vụ. Nếu trong một quý, đơn vị nào không thực hiện được thì phải báo cáo để Sở Y tế và Bảo hiểm xã hội có hướng giải quyết.

Thực hiện viện phí mới là điều kiện để các cơ sở y tế nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh. Ảnh: Tuấn Vũ


Tại buổi giao ban nói trên, đa số ý kiến đánh giá việc đổi mới viện phí là cơ hội để các cơ sở y tế đổi mới chất lượng dịch vụ khám - chữa bệnh. Theo ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), trong đợt giám sát của Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội tại Bệnh viện Thanh Nhàn - Hà Nội vào tháng 7 vừa qua, có thể thấy những khó khăn mà bệnh viện này phải đối mặt khi mức giá viện phí được duy trì ở mức thấp. Điều quan trọng nhất là bệnh viện không có đủ kinh phí để đầu tư nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ.

Mức giá viện phí cũ không chỉ gây khó khăn cho Bệnh viện Thanh Nhàn trong việc thực hiện mục tiêu chung là nâng cao chất lượng khám - chữa bệnh, đáp ứng nhu cầu thụ hưởng chất lượng chăm sóc sức khỏe chính đáng của người dân. Đó là khó khăn chung của đa số bệnh viện ở Hà Nội. Nay, khi giá dịch vụ y tế đã được điều chỉnh, các cơ sở y tế không còn "phao" để biện bạch khi bị kêu ca về chất lượng dịch vụ nữa. Theo ông Nguyễn Khắc Hiền, kể từ khi áp dụng mức viện phí mới, 100% bệnh viện ở Hà Nội đã kê thêm ghế ngồi, lắp quạt mát, cung cấp nước uống… cho người bệnh. Các quy định về y đức, về quyền và nghĩa vụ của bệnh nhân và người nhà bệnh nhân đã được niêm yết đầy đủ. Hệ thống phát số tự động đã đi vào hoạt động và phát huy hiệu quả, giúp rút ngắn thời gian chờ khám bệnh của người bệnh; hiệu suất làm việc của nhân viên bệnh viện được nâng lên, bảo đảm sự công bằng, giảm ùn tắc tại khoa khám bệnh. Nhiều đơn vị đã làm tốt việc phục vụ bệnh nhân trong hai tuần qua, như Bệnh viện Hà Đông, Quốc Oai, Phụ sản Hà Nội, Mắt Hà Nội, Thanh Nhàn.

Điều chỉnh cho phù hợp thực tế

Tuy nhiên, trong hai tuần qua, việc áp dụng mức giá dịch vụ y tế mới theo NQ13 cũng đặt ra những vấn đề cần xem xét, bổ sung hoặc điều chỉnh.

Theo ông Nguyễn Văn Trung, GĐ Bệnh viện Đa khoa Đan Phượng, sau 10 ngày áp dụng viện phí mới, doanh thu của bệnh viện này "hao hụt" 20% so với trước. Lý do, theo ông Nguyễn Văn Trung là có nhiều danh mục trùng nhau nhưng giá khác nhau, hiện đã phải thống nhất thu theo giá thấp nhất. "Tại sao giảm thu 20%? Có thể kể ra nhiều ví dụ. Như gói đẻ thường có khâu tầng sinh môn thì mức thu như vậy là thấp, vì chỉ mấy cuộn chỉ là đã bằng mức thu cho cả gói dịch vụ rồi, vật tư tiêu hao khác thì tính vào đâu? Đó là chưa kể cách hiểu văn bản giữa bệnh viện và Bảo hiểm xã hội có sự khác nhau, chẳng hạn như sau đẻ mà sản phụ bị băng huyết, có truyền máu thì tính thế nào?" - ông Nguyễn Văn Trung nói.

Hai tuần qua, thực tế cho thấy một số kỹ thuật hiện có giá chưa hợp lý, như đặt nội khí quản thông thường đã có mức giá là 320.000 đồng, nhưng đặt nội khí quản khó thì giá phải khác. Cách xác định giá ở một số dịch vụ có vẻ khá cứng nhắc và điều đó làm nảy sinh chuyện ngược đời, như người trong ngành nhận định là "giá thủ thuật cao hơn giá phẫu thuật". Theo quy định chung, các bệnh viện hạng 2 nhưng là chuyên khoa đầu ngành của Hà Nội thì được thanh toán ở mức như đang áp dụng cho bệnh viện hạng 1. Tuy thế, tại NQ13, do chưa có căn cứ nên HĐND thành phố Hà Nội không quy định nội dung này…

Theo Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền, giải pháp tới đây là đề xuất các cấp có thẩm quyền phê duyệt danh mục kỹ thuật vượt tuyến theo quy định, đồng thời có kế hoạch xây dựng đề án nâng hạng bệnh viện. Đối với những vấn đề khúc mắc kể trên, chẳng hạn như cách hiểu khác nhau về việc định giá kỹ thuật - dịch vụ khó, các bên bàn bạc tiếp nhằm tìm cách tháo gỡ. Trong thời gian tới, ngành y tế Hà Nội sẽ kiểm tra, giám sát theo chuyên đề để nâng cao chất lượng khám - chữa bệnh, đề ra giải pháp khắc phục hạn chế hiện nay.

Hải Hà