Giàu mà vẫn khổ

Xã hội - Ngày đăng : 06:43, 18/08/2013

(HNM) - Phó Chủ tịch UBND xã Phùng Xá Nguyễn Tường Kha trầm ngâm: Có nghề phụ, dân ở đây rất giàu, nhưng có một nghịch lý là giàu nhưng chưa sướng.


Chúng tôi về Phùng Xá tận mắt chứng kiến làng nghề như một đại công trường tấp nập xe cộ ngược xuôi chở hàng, hai bên "phố làng" sầm uất với những ngôi nhà bề thế. Hỏi về sự giàu sang của làng, một người dân niềm nở cho biết, nếu không có "bão" tín dụng đen "lướt" cách đây khoảng 2 năm thì làng này tỷ phú nhiều lắm. Tuy vậy, đến nay nhiều công ty, doanh nghiệp đã vực dậy được sản xuất. Cứ nhìn vào cảnh sôi động bán buôn và quy mô sản xuất trong làng sẽ thấy. Dừng chân trước một ngôi biệt thự bề thế, chúng tôi được giới thiệu đã được xây cách đây mấy năm với giá tới 7 tỷ đồng, chủ nhân là anh Nguyễn Phú Trung, giàu có nhờ nghề cơ kim khí.

Một xưởng sản xuất cơ, kim khí ở xã Phùng Xá.


Ở Phùng Xá, nghề làm cơ kim khí tương truyền xưa nhờ cụ Trạng Bùng (Phùng Khắc Khoan) sau thời gian đi sứ Trung Quốc tìm tòi nghiên cứu học tập được kỹ thuật sản xuất cày bừa để về hướng dẫn lại cho dân làng. Từ đó đến nay, nghề được duy trì và mở rộng, trở thành "cẩm nang" làm giàu cho hàng trăm hộ dân. Anh Nguyễn Phú Trung tâm sự, cha mất sớm nên anh không được học nhiều. Nhưng nhờ được sinh ra ở làng nghề, tố chất của người thợ đã giúp anh mạnh dạn trong làm kinh tế. Hiện doanh nghiệp của anh Trung chuyên sản xuất cuốc, xẻng các loại cung cấp cho thị trường cả nước với công suất 1.000 - 2.000 sản phẩm/ngày. Ở thôn 6, những hộ có xưởng sản xuất như anh Trung không hiếm. Hộ thì làm cuốc, xẻng, hộ lại cán thép, làm các sản phẩm như: bản lề, cửa xếp, lưới thép, tôn lợp, dây thép buộc, dây thép gai… Chẳng thế mà xóm 10, thôn 6 trước đây vốn là bờ tre ao trại, nghèo nhất xã nhưng nay cũng đã trở nên sầm uất.

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Phùng Xá Nguyễn Tường Kha, hiện nay, toàn xã có 180 công ty TNHH và doanh nghiệp tư nhân; 540 cơ sở sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho gần 4.000 lao động trong và ngoài xã. Thu nhập của người lao động từ 3 triệu đồng trở lên. Nhờ sản xuất tập trung nên vấn đề việc làm và thu nhập đã không còn là điều mà người dân nơi đây phải lo lắng nhưng hàng trăm hộ dân lại có nỗi lo mới. Mấy năm gần đây, nước ngầm ngày càng cạn kiệt, có tới 600 hộ dân ở các thôn 1, 2, 9 và một số khu lẻ khác thiếu hoặc không có nước sinh hoạt. Trong đó, thôn 9 là thôn lớn nhất xã với 355 hộ dân luôn trong tình trạng thiếu nước trầm trọng. "Gần đây, trời có mưa nên giếng nhà mới có nước nhưng rất ít. Máy bơm chạy cả buổi sáng mới được khối nước, tiền điện đắt gấp mấy lần tiền nước, gia đình phải dùng hết sức tằn tiện. Thế vẫn còn đỡ chứ vào mùa đông mưa ít thì không có nước. Ở đây, có hộ đã phải khoan sâu tới 100m, thậm chí 200m vẫn không có nước" - anh Ngô Đình Mùi, người dân thôn 9 than phiền. Ông Nguyễn Văn Mai ở xóm Mới, thôn 9 cho biết thêm, gia đình ông và hơn 40 hộ dân xóm Mới quanh năm không có nước, kể cả khi có mưa. Gia đình dùng nước tiết kiệm lắm thì trung bình mỗi tháng cũng mất khoảng 500.000 - 700.000 đồng tiền nước.

Nhiều hộ dân Phùng Xá bức xúc cho biết, trạm cấp nước sạch tại xã đã được đầu tư xây dựng từ những năm 2005-2008. Thế nhưng, việc đầu tư theo kiểu dở dang nên không thể đi vào hoạt động. Do lâu ngày, những hạng mục đã bị hư hỏng. Cách đây khoảng 2 năm, thành phố đã có chủ trương cho tiếp tục đầu tư công trình, doanh nghiệp cũng đã xây mới các trang thiết bị và lắp đặt đường ống đến các hộ nhưng do vướng mắc về thủ tục hành chính nên dù đã có nước sạch nhưng vẫn chưa cấp cho dân. Người dân Phùng Xá đang mong nước sạch từng ngày để bảo đảm sức khỏe và đời sống, không phải chịu cảnh thiệt thòi tuy "giàu nhưng chưa hết khổ".

Nguyễn Mai