“Tôi ước có thêm thời gian để viết”

Văn hóa - Ngày đăng : 06:32, 18/08/2013

(HNM) - Vào nghề viết hơn 20 năm, nhưng chỉ hơn 10 năm trở lại đây, nhà văn, Thượng tá CAND Bùi Anh Tấn, hiện là Trưởng chi nhánh NXB CAND phía Nam, đã hoàn thành và xuất bản 14 tiểu thuyết, 3 tập truyện, 2 kịch bản phim truyền hình (đã chiếu) và chuẩn bị cho ra mắt một tiểu thuyết mới…

- Nghề viết nghiệt ngã lắm. Tất nhiên, những gì đang diễn ra trong cuộc sống hằng ngày luôn có tác động rất lớn đến người cầm bút, tất cả chúng tôi đều mở to mắt nhìn, suy nghĩ và viết, nhưng viết thế nào là tùy ở từng người.


- Viết về tôn giáo, về lịch sử thật sự là đề tài rất gai góc?

- Không hiểu với nhà văn khác như thế nào nhưng với tôi, viết về lịch sử và tôn giáo thì lao động cực nhọc gấp hàng chục lần so với đề tài hiện đại. Lý do là phải đọc, tìm tòi tư liệu rất, rất nhiều. Chúng ta không có quyền “đẻ” ra lịch sử, hư cấu cỡ nào cũng phải dựa trên sự thật lịch sử đã diễn ra. Tôi viết trên quan điểm kính trọng danh nhân, nhưng cũng không quên chú trọng phần “con” của danh nhân để trả họ về với cộng đồng. Đến thần thánh trên cao trong những chuyện thần tiên vẫn đầy sân - si đó thôi, huống hồ là con người chúng ta. Tuy nhiên, cũng xin nói thật, nếu người viết không khéo xử lý thì rất dễ thất bại.

Với tôi, hư cấu nhưng tôn trọng lịch sử và luôn kính trọng các tôn giáo mà mình viết về họ. Viết bằng lòng chân thành, không phê phán xiên xỏ, luôn tôn trọng niềm tin của mỗi người.

- Đề tài đương đại vừa khó vừa dễ. Dễ, vì nó đang diễn ra, nhiều thực tế, “nguyên vật liệu” ngồn ngộn. Khó là vì nhiều người viết về nó, luôn có sự so sánh giữa người viết với nhau, giữa tác phẩm với hiện thực…

- Tất cả phụ thuộc vào khả năng của người viết. Với nhà văn, cuộc sống không thừa mà cũng chẳng thiếu, vấn đề là anh thu nạp được những gì, xử lý như thế nào trên trang viết.

Tác phẩm thành công hay thất bại là do chính khả năng của nhà văn ấy.

- Dự án tiếp theo của anh trong năm 2014-2015 là một tiểu thuyết về chiến tranh Việt Nam thời kháng chiến chống Mỹ, dưới một góc nhìn khác trước?

- Chiến tranh đã lùi xa gần 40 năm rồi, đủ độ lùi cần thiết để người viết có thể chiêm nghiệm cuộc chiến một cách sâu sắc hơn, nhìn về chiến thắng với những mất mát đau thương phải trả giá, nhìn sâu hơn về thân phận con người trong thời chiến lẫn thời bình… Còn rất nhiều điều phải viết, tôi nghĩ thế. Nhưng, hình như, hiện nay người ta “lười” viết về chiến tranh. Một, tác phẩm in ra không bán được. Hai, người viết trẻ thiếu kiến thức và không mặn mà với đề tài này. Rất tiếc. Dự án của tôi đã đăng ký với Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh, đang trong thời gian đọc tài liệu. Số tài liệu đó mà chồng lên, có thể cao cả mét. Tôi chỉ ước có thêm thời gian để viết. Thêm một năm nữa thì có thể tác phẩm sẽ hoàn hảo hơn. Nhưng thời hạn cho tôi phải hoàn thành là trước ngày 30-4-2015, kỷ niệm 40 năm giải phóng Sài Gòn.

- Anh không chỉ viết, mà còn giữ trách nhiệm một “ông đỡ” ở NXB Công an nhân dân. Về công tác xuất bản, anh có điều gì trăn trở?

- Cần có chính sách đào tạo chiều sâu để nâng cao lòng yêu thích đọc sách của trẻ em từ khi còn chập chững. Cơ quan chức năng trợ giá cho việc in, phát hành sách, có chính sách thông thoáng cho ngành xuất bản, xem việc in lậu sách như là làm hàng giả để xử phạt thật thích đáng… Bản thân các NXB cũng phải năng động trong hoạt động của mình, sâu sát thị trường, nhạy bén với tâm lý bạn đọc …

- Vậy còn với người viết trẻ tuổi, anh sẽ nói gì với họ?

- Giữ trong tim một tình yêu vô điều kiện với văn chương. Đừng viết vì sự nổi tiếng, đừng nghĩ viết thì sẽ kiếm được nhiều tiền. Lòng kiên nhẫn trên trang viết là vô hạn, đọc thật nhiều, đi thật nhiều và hãy mở to mắt quan sát, suy nghĩ, chiêm nghiệm…

Bùi Anh Tấn viết khỏe, viết đều và đặc biệt đề tài của anh rất rộng, luôn thay đổi. Anh viết về lịch sử danh nhân: Nguyễn Trãi - “Ức Trai, tâm thượng quang khuê tảo”, vua Trần Nhân Tông - “Đàm đạo với Điều Ngự Giác Hoàng”. Anh viết về hai tôn giáo lớn ở Việt Nam là Phật giáo: “Không và Sắc”, Thiên Chúa giáo: “Tin mừng”. Anh viết tiểu thuyết về hậu chiến: “Kế hoạch Hậu chiến 72”, về đề tài hình sự, vụ án: “Hành trình của sói”… nhưng tiếp đó lại viết tiểu thuyết dã sử “Bức huyết thư”, “Bí mật hậu cung”. Anh gây ngạc nhiên khi viết tiểu thuyết về giới showbiz Việt: “Bước chân hoàn vũ”…. Và tác phẩm mới nhất anh ra mắt bạn đọc (8-2013) là tiểu thuyết rất thời thượng: “Thám tử yêu”.

Phương Nam