DN bảo hiểm cạnh tranh không lành mạnh: “Tham bát, bỏ mâm”!

Kinh tế - Ngày đăng : 06:06, 18/08/2013

(HNM) - Các DNBH đua nhau hạ phí, giành giật khách hàng, về lý thuyết, khách hàng sẽ hưởng lợi. Song dưới góc nhìn của các chuyên gia, hạ phí chính là



Trong khi khối BH nhân thọ vẫn phát triển thì DNBH phi nhân thọ (PNT) lại phải đối đầu với tình trạng sụt giảm doanh thu. Các DNBH đua nhau hạ phí, giành giật khách hàng, về lý thuyết, khách hàng sẽ hưởng lợi. Song dưới góc nhìn của các chuyên gia, hạ phí chính là "con dao hai lưỡi" khiến cả khách mua BH và DN thiệt hại lớn về kinh tế.

Giới thiệu với khách hàng các thủ tục đăng ký bảo hiểm tại Tổng Công ty Bảo hiểm Bảo Việt. Ảnh: Việt Linh


Đua hạ phí, doanh nghiệp điêu đứng

Số liệu do Hiệp hội BH Việt Nam (AVI) công bố tại Hội nghị lãnh đạo (CEO) PNT lần thứ 11 tổ chức tại Gia Lai hồi đầu tháng 7 vừa qua cho thấy, những khó khăn của nền kinh tế đã khiến nhu cầu BH tài sản mới đầu tư, mở rộng SXKD giảm rõ rệt. Những tháng đầu năm 2013, doanh thu trên thị trường đã giảm 5% so với cùng kỳ năm 2012. Để duy trì đà tăng trưởng, không ít DN đã sử dụng những chiêu cạnh tranh thiếu lành mạnh, đua nhau hạ phí BH để giành giật khách hàng của DN khác.

Đại diện Tổng Công ty Bảo hiểm BIDV (BIC) cho biết, trong khi khối DNBH nhân thọ đa phần là công ty 100% vốn nước ngoài, sử dụng chương trình định phí BH theo chuẩn quốc tế thì 19/28 DNBH PNT hoạt động trên thị trường là DN Việt Nam, phát triển tương đối tự phát và chưa có tiêu chuẩn nhất định để định phí. Việc chào phí BH cho các dịch vụ thường dựa trên kinh nghiệm và chiến lược của từng DN để chiếm lĩnh thị phần khiến cạnh tranh trên thị trường BH PNT Việt Nam ngày càng gay gắt, khó kiểm soát. Một số DN nhỏ mới ra đời giành khách hàng bằng cách hạ phí đến mức phi kỹ thuật, gây khó khăn cho DN khác, đồng thời ảnh hưởng tiêu cực đến chính khách hàng. Bởi mức phí BH thấp không đồng nghĩa với chất lượng dịch vụ tốt, chương trình tái BH an toàn để có thể bảo đảm khả năng thanh toán của DNBH trong trường hợp xảy ra tổn thất lớn. Thực tế, tỷ lệ phí BH cho nghiệp vụ xây dựng lắp đặt đã giảm khoảng 20-30% so với mức phí áp dụng cách đây 5 năm. Phí áp dụng cho sản phẩm BH rủi ro tài sản, BH xe cơ giới và tai nạn cá nhân cũng giảm khoảng 30-40%, thấp hơn khoảng 50% so với mức phí bình quân tại các nước trong khu vực.

Nhận xét về tình trạng DNBH đua nhau hạ phí, đại diện Tổng Công ty BH Bảo Việt, DN hiện dẫn đầu thị trường BH PNT cho biết, việc DN nhỏ hạ phí, giành khách khiến nhiều DN mất đi một lượng khách hàng không nhỏ, vốn coi mức phí BH thấp là tiêu chí hàng đầu khi tham gia BH. Hình thức cạnh tranh thiếu lành mạnh này cũng khiến các DN khó khai thác hợp đồng mới do khách hàng hay so sánh mức phí. Các nhà môi giới BH cũng nhân sự kiện này gây áp lực lên DN, đòi giảm phí. Trước thực tế này, trong một số trường hợp đặc biệt, Bảo Việt phải giảm phí để giữ khách hàng. Hậu quả là quyền lợi BH của khách hàng không bảo đảm và đồng nghĩa với việc uy tín nhiều DN giảm sút. Nguy hại hơn, tình cảnh thị trường BH bị cuốn vào "dòng xoáy" giảm phí đã khiến không ít DNBH PNT rơi vào tình trạng thua lỗ lớn.

Tìm đáp số để phát triển bền vững

Tại Hội nghị CEO PNT lần thứ 11, ông Phùng Đắc Lộc, Tổng Thư ký AVI cho rằng, nếu DNBH cố tình giành giật khách hàng bằng thủ đoạn hạ phí đến mức phi kỹ thuật, thấp hơn xác suất rủi ro bồi thường cho phép sẽ khiến thị trường rơi vào tình trạng nguy hiểm, bởi rủi ro tăng cao. Trong bối cảnh đầu tư tài chính bằng vốn chủ sở hữu, vốn dự phòng nghiệp vụ có tỷ suất sinh lời không cao, việc giảm giá đầu tư sẽ không thể gánh lỗ từ nghiệp vụ BH và gây khó khăn tài chính cho các DN. Một số nghiệp vụ BH đã thua lỗ nhiều năm liền, trong đó, BH tàu biển lỗ liên tiếp 12 năm, xây dựng lắp đặt và BH xe cơ giới 4 năm, BH tai nạn và sức khỏe con người 5 năm. Để khắc phục, bên cạnh việc xử lý nghiêm các cán bộ hạ phí BH trái quy định, DN có thể căn cứ vào điều 40 nghị định về kinh doanh BH: khi sản phẩm có nhiều năm thua lỗ ảnh hưởng đến quyền lợi khách hàng và an toàn tài chính của DN thì trình Bộ Tài chính phê chuẩn lại quy tắc, điều khoản và biểu phí BH.

Mặc dù tình trạng cạnh tranh hạ phí đã khiến không ít DNBH PNT gặp khó khăn song nhiều DN đã tìm ra những chiến lược phát triển lành mạnh. Đại diện Tổng Công ty BH Bảo Việt cho biết, để giữ vững uy tín, thu hút khách hàng, Bảo Việt luôn đặt mục tiêu bảo đảm quyền lợi cao nhất cho khách hàng bằng những sản phẩm BH có tính bảo vệ cao. Khi nhận BH theo mức độ rủi ro cao, DN sẽ thu phí cao và ngược lại chứ kiên quyết không cạnh tranh, thông qua việc giảm phí BH.

Đại diện Tổng Công ty BH BIDV (BIC) cho rằng, tình trạng cạnh tranh bằng việc hạ phí sẽ không thể tồn tại lâu dài và không phải là hướng cạnh tranh hiệu quả. Bên cạnh nỗ lực củng cố chuyên môn, nghiệp vụ, đa dạng hóa sản phẩm và kênh phân phối, BIC đang tích cực chuẩn bị tái cấu trúc thông qua việc tăng cường năng lực quản trị rủi ro, nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng, sàng lọc các sản phẩm hiệu quả. BIC đang lựa chọn đối tác chiến lược nước ngoài để có thể bổ trợ trong các vấn đề về tài chính, nghiệp vụ.

Theo nhận định của các chuyên gia tài chính, hiện tỷ lệ phí BH trên thị trường đã giảm đến mức phi kỹ thuật và các DNBH khó có thể chấp nhận mức phí thấp hơn do đặc thù rủi ro của thị trường. Thay vì cạnh tranh hạ phí, DNBH nên tập trung đưa ra các dịch vụ tốt, bồi thường kịp thời, đầy đủ cho khách hàng… qua đó khẳng định uy tín của DN và thu hút thêm nhiều khách hàng tham gia BH.

Hương Ly