Tháng Tám trên đất Võng La anh hùng
Đời sống - Ngày đăng : 07:12, 17/08/2013
Vang mãi bài ca cách mạng
Tự hào về truyền thống lịch sử của quê hương, Phó Trưởng thôn Võng La Vũ Duy Khánh vừa dẫn khách đi thăm nhà truyền thống của xã vừa chia sẻ: Thời kỳ 1941-1945, Võng La là một trong những cơ sở cách mạng hoạt động tích cực ở An toàn khu Đông Anh. Cả xã có 12 gia đình là cơ sở cách mạng nuôi giấu và bảo vệ các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng thời kỳ hoạt động bí mật. Đó là các đồng chí: Trường Chinh, Hoàng Văn Thụ, Hoàng Quốc Việt, Nguyễn Lương Bằng. Các cơ sở cách mạng trên cũng là nơi an toàn tổ chức nhiều hội nghị quan trọng quyết định đến vận mệnh của dân tộc và đất nước. Xã Võng La cũng vinh dự là nơi thành lập chi bộ Đảng đầu tiên của huyện Đông Anh do đồng chí Hoàng Văn Thụ trực tiếp tổ chức và rèn luyện. Nơi đây có nhiều gia đình góp của cải giúp bộ đội mua lương thực, thuốc men, súng đạn, có những gia đình đã hy sinh đến người cuối cùng cho sự bình yên hôm nay.
Các thế hệ con cháu cụ Lý Lờ cùng nhau ôn lại truyền thống gia đình. |
Có thể kể đến những tấm gương bất chấp hy sinh, gian khổ, một lòng vì cách mạng như cụ Lý Lờ (tức cụ Hoàng Thị Cốc), người đầu tiên trong làng Võng La nuôi giấu cán bộ cách mạng. Cụ Nguyễn Thị Oánh là giao thông liên lạc của Trung ương ở an toàn khu đã không quản ngại nguy hiểm luôn hoàn thành nhiệm vụ trao đổi thư từ, sách báo từ Hà Nội về an toàn khu và ngược lại. Cụ Nguyễn Đình Ân là người chuyên chở đò đưa đón cán bộ trung ương qua bờ nam sông Hồng vào nội thành Hà Nội… Các cơ sở cách mạng năm nào mãi là niềm tự hào, là biểu tượng sáng ngời của truyền thống yêu nước, yêu quê hương của người dân nơi đây. Năm 2005, xã Võng La đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ chống Pháp.
Chuyển mình đi lên
68 năm sau ngày Cách mạng tháng Tám thành công, các chiến sỹ cách mạng năm xưa đều không còn nữa nhưng thế hệ sau của họ vẫn luôn trân trọng, gìn giữ những đóng góp của cha ông đi trước để giáo dục truyền thống cho con cháu. Anh Trần Quốc Thái, chắt nội của cụ Lý Lờ tâm sự: "Để giáo dục truyền thống gia đình, tôi đã ra Bảo tàng cách mạng để xin chụp lại ảnh của các đồng chí cán bộ mà cụ chúng tôi từng nuôi giấu về treo trang trọng tại phòng khách. Hằng ngày, con cháu tôi nhìn vào ảnh cụ và ảnh cán bộ cách mạng năm xưa đã từng sinh sống và hoạt động tại nhà mình mà noi gương, học tập làm những việc tốt, tránh xa việc xấu. Kỷ niệm Cách mạng tháng Tám hằng năm chúng tôi đều họp mặt con cháu trong nhà để ôn lại truyền thống yêu nước của thế hệ cha ông mình".
Không riêng gia đình cụ Lý Lờ mà tất cả 11 gia đình còn lại từng là cơ sở cách mạng ở Võng La đều có cách riêng để gìn giữ truyền thống của gia đình cho thế hệ trẻ hôm nay. Ghi nhận những đóng góp của cán bộ, nhân dân xã Võng La trong thời kỳ kháng chiến, năm 2012, thành phố đã đầu tư xây dựng lại bia và nhà truyền thống của xã. Hằng năm, vào mỗi dịp kỷ niệm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2-9, lãnh đạo thành phố và huyện đều về thăm động viên nhân dân…
Tiếp nối truyền thống của vùng quê cách mạng, Võng La đã vượt qua những khó khăn, khai thác thế mạnh địa phương để tạo những bứt phá nhằm xây dựng một diện mạo mới tươi sáng. Khu công nghiệp Bắc Thăng Long nằm ngay trên địa bàn xã đang thu hút nhiều doanh nghiệp, góp phần giải quyết việc làm cho người lao động, nâng mức thu nhập trung bình lên 20 triệu đồng/người/ năm. Năng động làm kinh tế, 85% số hộ ở đây đã có nhà ở kiên cố, 100% dân được dùng nước máy, trạm y tế xã đã đạt chuẩn... Từ chi bộ đầu tiên năm 1942 với 3 đảng viên, đến nay Đảng bộ xã Võng La đã có 8 chi bộ với 222 đảng viên.
Bí thư Đảng ủy xã Võng La Nguyễn Trọng Hào cho biết: Là vùng đất bãi nằm ven đê sông Hồng, Võng La vẫn nằm trong diện những xã còn khó khăn của huyện Đông Anh, nông nghiệp vẫn chiếm 80% cơ cấu kinh tế. Trong những năm qua, xã tập trung chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng tăng tỷ lệ lao động phi nông nghiệp lên 25%; phát triển mạnh trang trại chăn nuôi, dịch vụ bán buôn, bán lẻ và phấn đấu đến năm 2018 sẽ hoàn thành 19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới... Cùng với việc phát huy nội lực, lãnh đạo và nhân dân địa phương nơi đây mong muốn cấp trên sớm tạo điều kiện cho địa phương xây dựng, triển khai các dự án thuộc lĩnh vực nông nghiệp và nhân cấy nghề để tạo việc làm, tăng thu nhập cho nhân dân.
Trên quê hương cách mạng đang vọng vang những âm thanh mới. Bên dòng sông Hồng, nhà truyền thống của xã vẫn mở cửa đón khách tham quan và là điểm đến cho các cháu học sinh, thanh niên trong xã. Dẫu còn khó khăn phía trước nhưng với bản tính chăm chỉ, năng động của người Võng La, tin rằng một tương lai xán lạn đang đón chờ họ.