Kiến nghị không xây dựng sân bay quốc tế Long Thành
Kinh tế - Ngày đăng : 15:18, 16/08/2013
Văn phòng Chính phủ vừa có công văn (do Phó chủ nhiệm Nguyễn Hữu Vũ ký) truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng gửi Bộ Giao thông Vận tải, yêu cầu Bộ này nghiên cứu và báo cáo Chính phủ về kiến nghị của ông Mai Trọng Tuấn (cựu phi công, người từng gây xôn xao dư luận vào năm 2009 với ý tưởng “đường bay vàng") và ông Lê Trọng Sành (nguyên Trưởng phòng quản lý sân bay Tân Sơn Nhất, TP HCM) về việc không nên xây sân bay quốc tế Long Thành.
Phối cảnh sân bay quốc tế Long Thành (Đồng Nai). |
Trước đó, giữa tháng 7, cùng chung quan điểm "Việt Nam còn nghèo, đầu tư một khoản tiền lớn gần 8 tỷ USD để xây sân bay Long Thành như dự toán là không cần thiết", ông Tuấn và ông Sành đã gửi thư đến Thủ tướng kiến nghị không nên xây sân bay quốc tế Long Thành. "Nếu dốc sức, cố xây dựng cho bằng được sân bay Long Thành, ta sẽ đánh mất một 'hội điểm vàng' cả về 'thiên thời, địa lợi, một thương hiệu quý, có giá trị lịch sử' không chỉ của nước ta, mà còn đối với khu vực và thế giới, đó là sân bay Tân Sơn Nhất", văn bản kiến nghị cho biết.
Cũng theo 2 vị này, vừa qua sân bay Tân Sơn Nhất đã được đầu tư mở rộng và nâng cấp, năng lực đã cải thiện nhiều. Nếu có nhu cầu lớn hơn, nhà nước chỉ cần mở rộng sân bay này về phía Bắc (nơi đang làm sân golf Gò Vấp) để đảm nhiệm chức năng quốc tế, còn phía Nam sẽ dành cho nội địa. Khi đó, sân bay Tân Sơn Nhất sẽ có diện tích lớn gấp đôi sân bay Changi của Singapore (một sân bay lớn ở khu vực Châu Á). Và nếu như trong tương lai nhu cầu đi lại bằng hàng không "bùng nổ" thì ta vẫn có thể dùng thêm sân bay Biên Hòa (Đồng Nai), một sân bay quân sự cấp I, kề sát TP HCM.
Bên cạnh đó, TP HCM và Biên Hòa hiện đã có sẵn 2 xa lộ, cộng lại có tới 10 làn xe, các cầu qua sông đều là cầu đôi lớn và TP HCM hiện còn triển khai xây dựng tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) giáp Biên Hòa. Khi đó, hai thành phố, hai sân bay kề cận nhau có "tam lộ đồng trục Đông Tây" chắc chắn sẽ tốt hơn là làm một sân bay quốc tế tại Long Thành, chơi vơi giáp với Bà Rịa - Vũng Tàu.
Một lý do nữa được những người giàu kinh nghiệm trong ngành hàng không nêu ra là, 20 năm qua, TP HCM đã mở rộng, chuyển dịch về phía Nam và phía Đông. Như vậy, mặc nhiên sân bay Tân Sơn Nhất sẽ ở bìa ngoài phía Bắc của thành phố nên việc mở rộng sân bay không làm ảnh hưởng đến khu vực trung tâm thành phố như nhiều người lo ngại.
Mặt khác, nếu cho rằng xây dựng sân bay Long Thành là để làm chức năng quốc tế, còn Tân Sơn Nhất phục vụ cho nhu cầu quốc nội thì điều đó sẽ gây trở ngại và bất tiện cho hành khách và hàng hóa quá cảnh.
"Ngoài ra, trường hợp cần có sân bay Biên Hòa làm căn cứ bảo vệ vùng trời, vùng biển phía dưới vĩ tuyến 12 của Tổ quốc, chúng ta chỉ cần xây dựng tại Long Thành một sân bay quân sự cấp I để đồn trú cho 1 sư đoàn không quân tiêm kích, 1 trung đoàn không quân vận tải, 1 trung đoàn trực thăng là quá đủ", bản kiến nghị nêu và cho rằng như vậy, chi phí đầu tư ít, thi công cũng nhanh hơn, thực hiện được một sự ‘‘hoán đổi’’ lợi cả đôi đường cho kinh tế và quốc phòng…
"Tuy nhiên, đây chỉ là điều lo xa vì dưới vĩ tuyến 12 còn có sân bay quân sự cấp I Phan Rang, gần với quần đảo Trường Sa hơn Biên Hòa tới 1 kinh độ", ông Mai Trọng Tuấn cho biết.
Dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành được Thủ tướng phê duyệt vào năm 2005, nằm trên diện tích khoảng 25.000 hecta thuộc địa bàn 6 xã tỉnh Đồng Nai. Theo quy hoạch, quá trình xây dựng sẽ chia làm 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 (2014 - 2020), Long Thành sẽ có công suất 25 triệu khách mỗi năm với 2 đường cất, hạ cánh. Giai đoạn 2 (2020 - 2030) sẽ có công suất 50 triệu hành khách và giai đoạn 3 (sau năm 2030) sẽ lên đến 100 triệu hành khách mỗi năm với 4 đường bay. Dự án dự kiến có tổng số vốn đầu tư khoảng 8 tỷ USD, riêng giai đoạn 1 là gần 6 tỷ USD. Theo chủ đầu tư, so sánh dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành với phương án mở rộng Tân Sơn Nhất (dự báo sẽ quá tải sau năm 2020) hoặc căn cứ không quân Biên Hoà, chi phí cho Long Thành chỉ khoảng 7,8 tỷ USD (bao gồm cả chi phí thu hồi đất). Trong khi đó, việc mở rộng Tân Sơn Nhất cần hơn 9,1 tỷ USD và Biên Hòa cần 7,5 tỷ USD, nhưng nơi này lại bị nhiễm độc dioxin. Theo kế hoạch được công bố trước đây, dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành sẽ được khởi công vào năm 2015. Dự kiến, để xây dựng dự án cần khoảng 24.000 lao động thi công. Để chuẩn bị cho dự án, mới đây tỉnh Đồng Nai đã kiến nghị Chính phủ ưu tiên bố trí 4.100 tỉ đồng để xây các khu tái định cư và gần 4.200 tỉ đồng để giải phóng mặt bằng giai đoạn 1. Tỉnh này cũng đề nghị chủ đầu tư xác định nhu cầu sử dụng lao động và phối hợp với tỉnh để đào tạo nghề cho hơn 10.000 người dân bị thu hồi đất. |