Sữa ngoại “mất giá”, sữa nội “lên ngôi”
Kinh tế - Ngày đăng : 06:46, 16/08/2013
Theo các chủ cửa hàng sữa, không chỉ các nhãn sữa có các lô hàng nghi bị nhiễm vi khuẩn Clostridium Botulinum bị người tiêu dùng từ chối mà các nhãn hàng sữa không liên quan cũng bị "soi" rất kỹ. Mặt khác, người tiêu dùng cũng đã dần bỏ thói quen tâm lý "sữa ngoại là tốt".
"Gặp ai cũng hỏi"
"Gặp ai cũng hỏi" là tình trạng của chị Thanh Thủy (quận 7). Đứng lần lữa trước quầy sữa tại siêu thị Coo.opmart Phú Mỹ Hưng gần cả tiếng đồng hồ mà người mẹ trẻ này vẫn không chọn được loại sữa nào cho con. Chị cho biết, trước đây bé trai (hiện 9 tháng tuổi) của chị uống sữa Dumex Gold bước 2 vẫn phát triển tốt, khỏe mạnh lanh lợi. Khi sự cố nhiễm khuẩn xảy ra, dù hộp sữa bé uống không thuộc lô bị thu hồi nhưng chị vẫn rất lo lắng và quyết định đổi loại sữa. Tuy nhiên, cần đổi loại sữa nào thì chính chị cũng không biết, vì vậy gặp ai có cùng mối quan tâm chị cũng níu lại hỏi han để tham khảo.
Đáng chú ý là sau khi có thông tin Văn phòng đại diện hãng sữa Abbott tại Việt Nam vừa thông báo thu hồi thêm hai lô sữa Abbott nghi nhiễm khuẩn chéo từ các thiết bị đóng gói càng khiến người tiêu dùng lo lắng hơn. Chị Ngọc Xuân (quận 3), vừa cảm thấy "hơi yên tâm" khi Cục An toàn thực phẩm thông báo là "thu hồi hoàn tất" các lô sữa nghi nhiễm khuẩn thì thông tin thu hồi thêm hai lô sữa Abbott nghi nhiễm khuẩn chéo từ các thiết bị đóng gói lại khiến chị tiếp tục lo lắng. Bởi, dù được Abbott "trấn an" rằng nguy cơ nhiễm chéo là nhỏ và thu hồi chỉ là "sự thận trọng cao nhất và trách nhiệm với khách hàng", thế nhưng tình trạng nay phát hiện chất này, mai phát hiện chất kia liên tục xảy ra trong thực phẩm và sữa khiến chị Xuân băn khoăn không biết có loại sữa nào không an toàn mà chưa bị "lộ" không.
Sự lo lắng của người tiêu dùng khiến doanh thu của các cửa hàng sữa giảm mạnh. Chủ cửa hàng Nguyễn Mười trên đường Nguyễn Thông (quận 3) cho biết, khách hàng không chỉ dừng mua các loại sữa có lô hàng bị nhiễm khuẩn, mà những loại sữa khác của Abbott và Dumex cũng bị giảm doanh thu rất mạnh. Thậm chí, các loại sữa khác không hề liên quan cũng bị "vạ lây" khi người tiêu dùng "soi" rất kỹ, và chỉ mua "cầm chừng" những lon sữa nhỏ chứ không mua nhiều như trước. Ngay chính các chủ cửa hàng sữa cũng đang nghe ngóng thông tin, không dám nhập hàng nhiều như trước.
Quan tâm sữa nội
Theo ông Mười, sau hàng loạt sự cố về sữa thì thói quen mua sữa của người tiêu dùng đã thay đổi, rõ nhất là "niềm tin sữa ngoại" đã giảm bớt và người tiêu dùng đã quan tâm đến sữa nội nhiều hơn. Còn theo nhiều người tiêu dùng, "niềm tin sữa ngoại" mất đi không chỉ vì sự cố nhiễm khuẩn mà trước đó họ đã "chao đảo" trước thông tin rằng hầu hết các loại sữa ngoại được bán ra thị trường với giá gấp 3-4 lần giá nhập, và chi phí đắt đỏ mà các bà mẹ phải bỏ ra để mua sữa ngoại hòng tìm kiếm những dưỡng chất tốt nhất cho con phần lớn chảy vào các tầng nấc trung gian và chi cho hoa hồng, quảng cáo.
Tâm lý sữa ngoại tốt hơn sữa nội của nhiều người tiêu dùng Việt Nam xuất phát từ ngành công nghiệp sữa thế giới có kinh nghiệm hàng trăm năm trong khi ngành này ở Việt Nam còn quá non trẻ. Trên thực tế, khi các hãng sữa nội ngày càng đầu tư nhiều và hoàn thiện quy trình sản xuất để có những sản phẩm không thua kém về chất lượng, thậm chí là còn hơn sữa ngoại; và nhất là sau hàng loạt sự cố của sữa ngoại thời gian gần đây đã khiến nhiều người tiêu dùng bắt đầu thay đổi thói quen chọn sữa, thể hiện rõ nhất qua doanh thu ngày càng cao và thị phần ngày càng mở rộng của các nhãn sữa nội. Đơn cử như doanh thu năm 2012 của Công ty cổ phần Sữa Việt Nam - Vinamilk đạt hơn 27.300 tỷ đồng, trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt gần 180 triệu USD. Đặc biệt, ngành hàng sữa bột từ chỗ nhập ngoại 100% đến nay sản phẩm của Vinamilk đã chiếm được 30% thị phần. Vị thế của Vinamilk cũng được bảo đảm bằng các hợp đồng xuất khẩu đến hơn 26 nước trên thế giới; đến thời điểm này Vinamilk đã ký xong hợp đồng xuất khẩu cho năm 2013 là 230 triệu USD. Trong khi đó, Giám đốc đối ngoại của Công ty cổ phần Thực phẩm dinh dưỡng Nutifood, ông Trần Hữu Đức cũng cho biết, doanh thu của Nutifood cũng tăng liên tục theo thời gian, từ 503 tỷ đồng năm 2009 đến gần 1.200 tỷ đồng năm 2011 và năm 2012 là 1.600 tỷ đồng. Giá trị xuất khẩu năm 2012 của hàng sữa này đạt hơn 5 triệu USD...
Những con số trên đã cho thấy người tiêu dùng ngày càng đặt niềm tin nhiều hơn vào sữa nội, hơn thế còn khẳng định sữa nội không thua kém sữa ngoại khi đã xuất khẩu sang những thị trường khó tính.