Sẽ “xử” chủ đầu tư yếu năng lực
Xã hội - Ngày đăng : 06:34, 16/08/2013
Các sở, ngành phải bám sát công việc để giải quyết đúng thời gian, quy trình, nâng cao kỷ cương hành chính. Chính quyền các địa phương cần quyết liệt tăng tốc cho công tác giải phóng mặt bằng (GPMB)… Hàng loạt yêu cầu đã được Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đặt ra cho các đơn vị liên quan nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án, công trình trọng điểm của Thủ đô.
Nhiều dự án chậm tiến độ
Giai đoạn 2011-2015, danh mục các công trình, cụm công trình trọng điểm của TP Hà Nội gồm có 40 dự án sử dụng vốn ngân sách, 12 dự án theo hình thức BT và 3 dự án triển khai theo phương thức xã hội hóa. Theo đánh giá của Sở Kế hoạch và Đầu tư, tình hình triển khai các dự án đang rất chậm. Trong số 40 dự án, sử dụng vốn ngân sách, đến nay mới chỉ có 5 dự án xây dựng cầu vượt đã hoàn thành, đưa vào khai thác. Cụ thể, cầu vượt tại nút giao Nam Hồng, nút giao Nguyễn Chí Thanh - Láng, nút giao Lê Văn Lương - Láng, nút giao Láng Hạ - Thái Hà, nút giao Chùa Bộc - Thái Hà. Trong năm 2013, dự kiến hoàn thành cầu vượt tại nút giao Đại Cồ Việt - Trần Khát Chân, cầu vượt Nguyễn Chí Thanh - Kim Mã, xây dựng đường Vành đai I đoạn Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu. Một số dự án khác đang được triển khai gồm GPMB đường Vành đai I đoạn Ô Đống Mác - đê Nguyễn Khoái; GPMB 2 tuyến Vành đai II (đoạn Ngã tư Sở - Ngã tư Vọng và đoạn Vĩnh Tuy - Chợ Mơ - Ngã tư Vọng). Xây dựng và cải tạo Bệnh viện Đa khoa Đức Giang; đường 5 kéo dài (Cầu Chui - Đông Trù - Phương Trạch - Bắc Thăng Long); mở rộng Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn (giai đoạn 2)… Qua rà soát, 22/40 dự án sử dụng vốn ngân sách, 12/12 dự án BT và 3/3 dự án xã hội hóa đều bị chậm tiến độ. Các dự án có khối lượng GPMB trong nội đô đều chưa triển khai được do chưa xác định được giá đền bù. Để tháo gỡ vấn đề này, tháng 7-2013 vừa qua, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 27/2013/QĐ-UBND quy định chi tiết việc xác định giá đất ở, giá bán nhà tái định cư làm căn cứ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có phương án nào được thực hiện theo quyết định này.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, các dự án bị chậm tiến độ do nhiều lý do, như GPMB gặp khó khăn do chính sách thay đổi. Việc xác định giá đền bù sát giá thị trường gặp nhiều vướng mắc. Các dự án sử dụng nguồn vốn ODA chậm do phải xin ý kiến chỉ đạo của Chính phủ và thẩm định của các bộ, ngành để điều chỉnh tổng mức đầu tư. Các dự án BT chậm do thị trường bất động sản trầm lắng, nhà đầu tư gặp nhiều khó khăn trong việc huy động vốn triển khai. Bên cạnh đó, một số quy hoạch phân khu chưa được phê duyệt hoặc phải điều chỉnh theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô dẫn đến phương án xác định quỹ đất đối ứng bị ảnh hưởng…
Thiếu vốn, khó mặt bằng
Thừa nhận các dự án đang bị chậm tiến độ, song đại diện các chủ đầu tư cho rằng, vướng mắc trong GPMB và thiếu vốn vẫn là những "nút thắt" chính ảnh hưởng đến dự án. Ông Nguyễn Thế Bình, Giám đốc Ban QLDA hạ tầng Tả ngạn cho biết, 6-7 tháng nay, dự án đường Vành đai I (đoạn Ô Đống Mác - Nguyễn Khoái) không GPMB được mét vuông nào. Ban đã phải xin lùi thời hạn hoàn thành dự án tới tháng 10-2014 vì vướng GPMB. Tương tự, tại dự án đường 5 kéo dài, Ban QLDA Hạ tầng Tả ngạn cũng chỉ có thể hoàn thành trong năm 2014 nếu các huyện liên quan cam kết GPMB dứt điểm trong năm 2013. Ông Nguyễn Sỹ Bảo, Giám đốc Ban quản lý các dự án trọng điểm phát triển đô thị Hà Nội cho biết, tại dự án Vành đai II (Ngã Tư Sở - Ngã Tư Vọng), tổng nhu cầu vốn năm 2013 là 430 tỷ đồng, song hiện còn thiếu tới 425 tỷ đồng. Chủ đầu tư đã báo cáo Sở Kế hoạch và Đầu tư trình UBND thành phố xem xét phân bố từ nguồn kế hoạch vốn trái phiếu xây dựng Thủ đô đợt 2 năm 2013.
Tại buổi họp kiểm điểm tiến độ các công trình, cụm công trình trọng điểm được tổ chức mới đây, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thế Thảo nhấn mạnh, dự báo trong thời gian tới, hoạt động xây dựng cơ bản vẫn sẽ còn gặp nhiều khó khăn do GPMB và nguồn vốn chưa đáp ứng đủ. Tuy nhiên, cần phải khẳng định, các chủ đầu tư còn chưa bám sát, chưa tích cực tháo gỡ khó khăn. Bên cạnh đó, các sở, ngành liên quan khi tham gia phối hợp vẫn bộc lộ sự trì trệ, thiếu cải cách hành chính, chưa làm hết trách nhiệm. Các quận, huyện chưa quyết liệt trong công tác GPMB, giải quyết đơn, thư khiếu nại… Trong thời gian tới, các chủ đầu tư phải phát huy hết vai trò trách nhiệm, đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng. Các sở, ngành bám sát công việc để giải quyết đúng thời gian, quy trình. UBND thành phố giao Sở Nội vụ thường xuyên giám sát, thực kiện kiểm tra công vụ nhằm nâng cao kỷ cương hành chính. Các Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính rà soát lại các dự án, công trình. Nếu công trình nào chưa cấp thiết thì giãn tiến độ. Cân đối lại cơ cấu nguồn vốn, ưu tiên tập trung nguồn vốn cho các dự án cấp bách… Đặc biệt, phải rà soát năng lực của chủ đầu tư, kiến nghị thành phố chuyển đổi chủ đầu tư, tránh tình trạng yếu năng lực nhưng vẫn ôm việc.