Đầu tư 127 tỷ đồng thí điểm hệ thống quản lý GT thông minh

Xã hội - Ngày đăng : 14:43, 15/08/2013

(HNMO) – Chiều 15/8, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Khôi đã nghe các sở, ngành báo cáo về Đề án thí điểm hệ thống quản lý giao thông thông minh trên Đại lộ Thăng Long.

Theo Sở Giao thông Vận tải (đơn vị chủ đầu tư) và Công ty CP tư vấn đầu tư và hỗ trợ phát triển công nghệ IVT (đơn vị tư vấn): Quản lý hệ thống giao thông thông minh đã được nhiều nước trên thế giới và trong khu vực triển khai. Tại Hà Nội, Đại lộ Thăng Long là tuyến đường cao tốc hiện đại, là trục giao thông chính nối liền Thủ đô Hà Nội với các huyện cửa ngõ phía Tây Thủ đô cũng như kết nối Thủ đô với các tỉnh Tây Bắc; phục vụ phát triển kinh tế xã hội các địa phương nơi tuyến đường đi qua.

Đây là tuyến đường cao tốc hiện đại, cho phép các phương tiện chạy với tốc độ cao, do đó việc quản lý, vận hành khai thác cũng như xử lý vi phạm, xử lý các sự cố đòi hỏi các trang thiết bị chuyên dụng, đồng bộ, ứng dụng công nghệ hiện đại.



Bên cạnh đó, một số tuyến đường cao tốc trên địa bàn TP như Hà Nội – Hải Phòng, Nhật Tân- Nội Bài… đang được đầu tư xây dựng và sẽ hoàn thành, khai thác sử dụng. Việc quản lý, khai thác đồng bộ các tuyến đường theo mạng nhằm đảm bảo an toàn giao thông, giảm ùn tắc giao thông, đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân trên địa bàn Thủ đô và cả nước là rất cần thiết.

Theo đó, Đề án thí điểm đưa ra việc xây dựng mô hình quản lý Đại lộ Thăng Long với sự hình thành của Trung tâm quản lý đường cao tốc Hà Nội. Trung tâm này sẽ quản lý an toàn giao thông, tiếp cận xử lý tai nạn giao thông và các biện pháp phòng ngừa; Quản lý hệ thống thông tin; Thực hiện công tác bảo hành, sửa chữa… Đáng chú ý, Trung tâm sẽ ứng dụng các công nghệ thông tin hiện đại trong quản lý như: đếm, phân loại phương tiện giao thông tự động; hệ thống camera giám sát; hệ thống bảng thông báo điện tử; kiểm soát xe quá tải, quá khổ…

Do đây là mô hình quản lý mới nên phía đơn vị tư vấn cũng đề xuất Hà Nội cần tuyển dụng, đạo tạo kỹ nguồn nhân lực mới có thể làm chủ công nghệ, khai thác, quản lý.

Đáng chú ý, trong đề án lần này cũng đề xuất giải pháp thu phí cho Đại lộ Thăng Long (thu theo loại xe và thực tế quãng đường đi).

Tổng kinh phí đầu tư thực hiện đề án (không bao gồm kinh phí đầu tư hệ thống trạm thu phí) vào khoảng trên 127 tỷ đồng. Sở Kế hoạch Đầu tư và Sở Giao thông Vận tải sẽ lập và trình phê duyệt danh mục các dự án đầu tư giai đoạn 2003- 2015 để kêu gọi thu hút xã hội hóa đầu tư (BT, BOT, PPP…) đối với dự án này… Bên cạnh đó, ngân sách TP cũng bố trí vốn đầu tư một số hạng mục.

Sau quá trình chuẩn bị đầu tư, dự kiến đến năm 2015 sẽ vận hành chính thức công tác quản lý giao thông thông minh và đến năm 2016 sẽ triển khai toàn bộ hệ thống thu phí.

Phát biểu kết luận tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Khôi cơ bản thống nhất với những nội dung đề án thí điểm đã đề xuất. Mục tiêu của đề án này là áp dụng công nghệ hiện đại để quản lý Đại lộ Thăng Long; xây dựng hệ thống thu phí. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch đề nghị Sở Giao thông Vận tải làm rõ hơn cơ chế huy động các nguồn vốn, nhất là phần vốn xã hội hóa (để giảm vốn đầu tư từ ngân sách), quy định trách nhiệm và quyền lợi của đơn vị tham gia đầu tư.

Về mô hình, Phó Chủ tịch cũng thống nhất về việc xây dựng Trung tâm quản lý đường cao tốc Hà Nội, trực thuộc Sở Giao thông Vận tải. Xác định việc thu phí để bảo trì tuyến đường, tổ chức bộ máy hoạt động…; ứng dụng thẻ từ để đi lại nhiều lần, hạn chế bán vé rời; thu phí trên km và tải trọng của xe. Mặt khác, Phó Chủ tịch cũng yêu cầu phải ứng dụng công nghệ hiện đại, tiên tiến để quản lý tuyến đường. Riêng về tiến độ thực hiện, dự thảo đề án phải xây dựng lại, để đến năm 2016 mới thu phí là quá muộn.

Lan Hương