Vị ngọt từ “Quả hạnh phúc”
Sách - Ngày đăng : 06:27, 15/08/2013
Lâu nay, truyện cực ngắn không phải là hiếm trong làng văn Việt Nam, có điều chúng chỉ xuất hiện rải rác, như một thứ gia vị cho văn chương. Rất ít người theo đuổi kiểu viết vốn đòi hỏi người viết phải có vốn sống và sự trải nghiệm sâu sắc, nắm chắc ngôn ngữ và biết viết sao cho "ý tại, ngôn ngoại". Vậy mà nhà văn trẻ (hội viên Hội nhà văn TP Hồ Chí Minh) Trần Hoàng Trúc dám "dấn thân" vào thể loại này một cách rất "ngọt". Cái "ngọt" của người biết quan sát tỉ mỉ những gì xảy ra xung quanh mình. Cái "ngọt" của người không chỉ tỉnh táo trước sự việc, mà còn thấu hiểu để buông lời khúc chiết. Đó còn là cái "ngọt" của người biết yêu biết ghét với những gì diễn ra trong đời sống một cách rõ ràng, minh bạch.
101 truyện cực ngắn - chưa tới 100 chữ - của Trần Hoàng Trúc không có gì xa lạ với bạn đọc, như chuyện thường xảy ra hằng ngày với nhiều cung bậc cảm xúc, đủ cả hỉ - nộ - ái - ố, có thể rưng rưng hay cay đắng xót xa, có thể cười nhẹ tênh như thể không có chuyện gì nhưng cũng lại như ngấm vào gan ruột. Có chuyện thoạt tưởng không quan trọng, "chơi chơi" thôi, đọc rồi mới thấy không nhỏ chút nào, có cả sự đảo lộn chuẩn mực truyền thống trong cuộc sống đương đại. Đằng sau nhiều truyện cực ngắn về cuộc sống gia đình và những gì diễn ra ngoài xã hội là sự giằng co về giá trị xưa - nay, cũ - mới…
"Quả hạnh phúc" của Trần Hoàng Trúc có thể xem như là một tập hợp những câu chuyện ngụ ngôn thời đại. Mỗi câu chuyện, dù được chuyển tải ngắn gọn, tác giả rất kiệm chữ nhưng đều có một thông điệp rõ ràng về cuộc sống, về tình yêu, tình bạn, tình thân trong gia đình, tình người trong nhân gian, về hành vi, cách cư xử giữa con người với con người dưới tác động của vật chất, tham vọng… Như "Phong bì và Máy tính" trong "Quả hạnh phúc" vỏn vẹn thế này: "Tình cờ gặp nhau trong cuộc họp, Phong bì trách Máy tính: - Sự ra đời của ngươi khiến ta không còn được chuyên chở những bức thư tình lãng mạn, được gìn giữ những ký ức đẹp của đời người. - Bây giờ ngươi toàn được giữ tiền, còn đòi gì nữa? Phong bì thở dài não nuột: - Thư tình luôn thơm phức. Khi nhận được, ai cũng trân trọng, nâng niu. Có khi còn hôn ta. Còn tiền thì chứa đủ mùi đời. Mỗi khi lấy tiền xong, con người lại vứt ta vào sọt rác".
Không cố tạo ra cách chơi chữ hay "phức tạp hóa" ngôn ngữ thể hiện, cũng không "bình dân" trong cách tạo đối thoại ngay cả khi nhân vật rõ tính "đường phố", "Quả hạnh phúc" với lối viết tường thuật chứa đựng những "biến tấu" nho nhỏ trong cách thể hiện đã khiến người đọc dừng lâu hơn ở mỗi câu chuyện, cho dù là truyện rất ngắn. Nó khiến độc giả phải suy ngẫm và tự hỏi mình sẽ ứng xử như thế nào nếu rơi vào tình huống đó. Và đó chính là chút vị ngọt dâng đời trong "Quả hạnh phúc" của Trần Hoàng Trúc.