Bài 1: "Vấn nạn" thiếu trường lớp, quá tải bệnh viện

Xã hội - Ngày đăng : 06:08, 15/08/2013

LTS: Gần đây, TP Hà Nội đã rà soát việc sử dụng đất, đề xuất thu hồi hàng nghìn mét vuông để phục vụ cho việc xây dựng trường học.

LTS: Gần đây, TP Hà Nội đã rà soát việc sử dụng đất, đề xuất thu hồi hàng nghìn mét vuông để phục vụ cho việc xây dựng trường học. Tuy thế, con số nói trên quá nhỏ bé so với nhu cầu thực tế và vấn đề là Thủ đô không chỉ thiếu đất xây trường học, ngành y tế cũng đang đối diện với bài toán tạo nguồn đất xây bệnh viện, cơ sở y khoa. "Điểm nghẽn" đất đai dành cho y tế, giáo dục đã lâu không tháo gỡ được, trong bối cảnh đất cấp cho nhiều dự án thương mại đang bị bỏ hoang, tất yếu đặt ra câu hỏi về tính hợp lý trong việc cấp - sử dụng đất. Hệ quả của việc thiếu trường lớp và bệnh viện ra sao, giải pháp có thể là gì?

Bài 1: "Vấn nạn" thiếu trường lớp, quá tải bệnh viện

Chủ trương thu hồi hàng chục nghìn mét vuông "đất vàng" nội đô để xây dựng trường công lập là tin vui, thể hiện sự quan tâm của lãnh đạo thành phố đối với việc bổ sung các công trình hạ tầng xã hội, gồm trường học và bệnh viện (BV), phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân. Tuy nhiên, dù có định hướng đúng, Hà Nội vẫn đang phải đối mặt với "vấn nạn" quá tải BV, thiếu trường, thiếu lớp.

Khu đất của Nhà máy Rượu Hà Nội tại 94, phố Lò Đúc, sẽ được thu hồi để xây dựng trường học. Ảnh: Minh Quân


Nháo nhào vì thiếu trường công

Chủ trương thu hồi đất để xây trường học nằm trong số nhiệm vụ trọng tâm, cũng là giải pháp trong lộ trình triển khai Quy hoạch mạng lưới trường học đến năm 2020, tầm nhìn 2030 đã được HĐND TP thông qua tại kỳ họp thứ tư, khóa XIV (4-2012). Mục tiêu của việc thực hiện quy hoạch là giải quyết tình trạng thiếu trường, thiếu lớp, góp phần đáp ứng tốt hơn nhu cầu học tập của học sinh (HS).

Tính đến hết năm học 2012-2013, Hà Nội có gần 2.500 trường học, cơ bản đáp ứng chỗ học cho hơn 1,5 triệu HS các cấp. Theo tiêu chí mỗi xã/phường/thị trấn có ít nhất một hệ thống trường công lập gồm 3 cấp mầm non, tiểu học, THCS, Hà Nội còn thiếu khoảng 40 trường công lập, tập trung ở một số quận lõi nội thành. Trong số 28 phường hiện chưa có trường THCS, có tới 10 phường thuộc quận Hoàn Kiếm, 6 phường của Đống Đa; ở cấp tiểu học, Hoàn Kiếm có 5 phường/tổng số 12 phường chưa có trường.

Tình trạng thiếu trường công lập dẫn đến nhiều hệ lụy. Có đơn vị không thể hoàn thành chỉ tiêu xây dựng trường chuẩn quốc gia hằng năm vì không thể mở rộng khuôn viên; một số quận đã phải xin cơ chế đặc thù để được nâng tầng trường học. Sĩ số HS/lớp ở các cấp học luôn trong tình trạng báo động, nhất là mầm non - phổ biến ở mức trên 50 trẻ/lớp. Ở cấp tiểu học, có khoảng 60% số trường nội thành có sĩ số vượt quá quy định 35 HS/lớp của Bộ GD-ĐT (Đống Đa có 13/20 trường, Ba Đình có 11/17 trường). Còn ở cấp THCS, bình quân số HS một lớp tại một số trường nội thành lên tới trên 50 em.

Tình trạng thiếu trường làm tăng áp lực tuyển sinh đầu cấp. Đã có tình trạng phụ huynh xô đổ cổng trường, xếp hàng xin học cho con từ đêm, chưa kể dư luận về chuyện "chạy" trường… Hà Nội đã phải áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp - cả lâu dài và tình thế, trong đó mầm non phải sử dụng hình thức bốc thăm để vào trường; cấp tiểu học, THCS liên tục điều chỉnh tuyến tuyển sinh hằng năm để đáp ứng nhu cầu về chỗ học…

Xoay đủ cách thế mà cứ trước năm học mới là tất cả lại nháo nhào cả lên.

Quá tải, bệnh viện thành… "bệnh nhân"?

Tình trạng quá tải xảy ra ở tất cả BV của Hà Nội nhưng tập trung ở các BV Xanh Pôn, Đống Đa, Đức Giang, Sóc Sơn, Mê Linh, Thạch Thất, Phụ sản, Tim, Ung bướu, Y học cổ truyền Hà Nội. Công suất sử dụng giường bệnh kế hoạch tại các đơn vị này đều trên mức 100%, cá biệt lên tới hơn 200% như Khoa Nhi - BV Xanh Pôn (223,8%), Khoa Nhi - BV Đức Giang (227%), Khoa Đẻ A2 - BV Phụ sản Hà Nội (261%)...

Nguyên nhân đầu tiên dẫn đến tình trạng quá tải là cơ sở vật chất của ngành y còn thiếu thốn, số giường bệnh tăng ít hơn so với sự gia tăng dân số, chưa kể nhu cầu chăm sóc y tế cao hơn khi đời sống người dân được nâng lên. Đến "điểm nóng" Xanh Pôn, lúc nào cũng có thể chứng kiến "sức nóng" quá tải. Khoa Nội 1 được giao chỉ tiêu 25 giường bệnh nhưng lượng bệnh nhân nội trú lúc nào cũng từ 60 đến 70, vào mùa dịch bệnh có thể lên tới hàng trăm người. Để có thêm 15 giường cho 30 bệnh nhân, khoa này kê thêm giường ở hành lang, lối đi, thậm chí là ở cửa nhà vệ sinh, chân cầu thang - chỉ nghe chuyện đã thấy "cái khó bó cái khôn" đến mức nào.

Việc bố trí nằm ghép 2-3 bệnh nhân/giường bệnh xảy ra thường xuyên. Bệnh nhân phải nằm ghép, làm tăng nguy cơ lây nhiễm chéo, có thể khiến bệnh nặng hơn, kéo dài thời gian điều trị, chi phí điều trị tăng cao, tạo gánh nặng cho người bệnh. Kết quả điều tra đối với 561 bệnh nhân tại 24 BV ở Hà Nội cho thấy còn nhiều bệnh nhân chưa hài lòng với chất lượng phục vụ của BV, như thiếu nước sinh hoạt, phải nằm ghép, quần áo không vừa, không sạch, rách..

Tình trạng quá tải không chỉ làm khổ bệnh nhân vì phải chờ đợi, chất lượng khám, chữa bệnh và chăm sóc kém hơn mà nhân viên y tế cũng phải chịu tổn hại về sức khỏe tâm thần, giảm khả năng chẩn đoán và điều trị, giảm sự tận tình trách nhiệm và ảnh hưởng đến chất lượng y đức.

Nguyên nhân đầu tiên - Thiếu đất

Cách đây 2 năm, tại hội nghị giao ban Thường trực Thành ủy - HĐND - UBND TP với các quận, huyện, thị xã, từ việc rà soát thực trạng, các đại biểu đã xác định các nguyên nhân gây ra tình trạng thiếu trường, trong đó nguyên nhân chính được xác định là thiếu quỹ đất. Hội nghị này cũng xác định giải pháp trọng tâm đến năm 2015 là thu hồi những khu đất sử dụng sai mục đích hoặc sử dụng không hiệu quả để ưu tiên cho việc xây dựng công trình hạ tầng xã hội, trong đó có trường học. So với quy chuẩn thiết kế xây dựng trường học, Hà Nội hiện còn thiếu khoảng 7 triệu mét vuông đất, trong đó riêng cấp mầm non là 2,3 triệu mét vuông. Theo Quy hoạch mạng lưới trường học đến năm 2020, tầm nhìn tới năm 2030, Hà Nội sẽ cần 17,9 triệu mét vuông đất để xây dựng 1.215 trường học, bảo đảm mục tiêu giảm sĩ số trẻ mầm non bằng 50% so với hiện nay…

Để giảm tải BV, theo dự thảo đề án "Giảm quá tải các BV TP Hà Nội giai đoạn 2012-2020" đang được xây dựng thì cần xây mới 25 BV trên tổng diện tích khoảng 94 héc ta; nâng cấp 14 BV và mở rộng 6 BV tại các cơ sở y tế hiện có, để đến hết năm 2020 đưa vào sử dụng thêm 5.220 giường bệnh. Còn theo Quy hoạch tổng thể phát triển KTXH của Thủ đô đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó phấn đấu đến năm 2015 đạt tỷ lệ 20 giường bệnh/10.000 dân (tính cả bệnh viện tuyến trung ương là 34-35 giường bệnh/10.000 dân) và khoảng 25 giường bệnh/10.000 dân vào năm 2020 (tính cả BV tuyến trung ương là 41-42 giường bệnh/10.000 dân) thì đến năm 2020, với dân số khoảng 8 triệu dân, Hà Nội cần có khoảng 20.000 giường bệnh. Trong số này, số giường bệnh công lập là 16.400 giường và số giường bệnh tư nhân từ 4.000 đến 6.000 giường bệnh.

Đây là thách thức không nhỏ đối với Hà Nội, nhất là ở trong khu vực nội thành bởi quỹ đất ngày càng hạn hẹp. Theo bà Phạm Thị Hồng Nga, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, chủ trương ưu tiên dành quỹ đất xây dựng trường, BV của thành phố là đúng đắn, thể hiện sự chăm lo thiết thực cho cuộc sống của nhân dân, được dư luận xã hội hoan nghênh và ủng hộ.

Tuy nhiên, có được chủ trương đúng là một chuyện, hiệu quả triển khai thực hiện là một chuyện khác. "Vấn nạn" thiếu đất xây công trình y tế, giáo dục kéo dài trong thời gian qua có nguyên nhân từ đâu, giải pháp khắc phục có thể là gì?

Vân Anh - Hồng Hạnh