Ngoại trưởng Mỹ thăm Nam Mỹ: Lấy lại niềm tin

Thế giới - Ngày đăng : 06:45, 14/08/2013

(HNM) - Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã có chuyến thăm Colombia và Brazil trong hai ngày 12 và 13-8.

Những tiết lộ về chương trình do thám bí mật của Mỹ đối với hầu hết các nước Mỹ Latinh mà "người thổi còi" công bố trước đó đã phủ bóng đen lên quan hệ giữa xứ Cờ hoa với khu vực quan trọng của nước Mỹ.

Ngoại trưởng Mỹ J.Kerry (phải) và người đồng cấp Colombia Maria Angela Holguin tại cuộc họp báo ở Bogota (Colombia) ngày 12-8.


Không chỉ với những quốc gia từng ngỏ ý sẽ cho Snowden tị nạn như Venezuela, Ecuador, Bolivia, Nicaragua, mối quan hệ giữa Mỹ và những đồng minh quân sự như Colombia hay đối tác kinh tế như Brazil đều bị thương tổn. Colombia đã gia tăng sức ép buộc Mỹ phải làm sáng tỏ vấn đề cũng như đánh giá xem liệu chương trình theo dõi có đi ngược lại những cam kết hợp tác giữa hai nước hay không. Trong khi đó, Tổng thống Brazil Dilma Rousseff tuyên bố, sự riêng tư của công dân Brazil và chủ quyền nước này không thể bị xâm phạm chỉ bởi chiêu bài an ninh. Bà cũng đề nghị Washington phải ngay lập tức chấm dứt chính sách do thám bí mật đối với cả các đồng minh. Do vậy, chuyến thăm của ông J.Kerry bên cạnh việc thảo luận với các nhà lãnh đạo Colombia và Brazil về việc thúc đẩy quan hệ thương mại, năng lượng… thì mục đích quan trọng hơn là xoa dịu sự bất bình của hai "chiến hữu" thân cận bậc nhất.

Để thể hiện thiện chí đó, trong điểm đến đầu tiên tại thủ đô Bogota (Colombia), Ngoại trưởng J.Kerry tuyên bố rằng, Mỹ ủng hộ mạnh mẽ các vòng đàm phán hòa bình giữa Chính phủ Colombia và Lực lượng vũ trang cách mạng Colombia (FARC) nhằm chấm dứt cuộc xung đột hơn nửa thế kỷ qua tại Colombia. Trên thực tế, chính quyền của Tổng thống Colombia Manuel Santos đang đối mặt với sức ép phải sớm kết thúc các cuộc đàm phán với FARC trước khi diễn ra bầu cử. Do vậy, việc Nhà Trắng thể hiện rõ lập trường sẵn sàng đóng vai trò trong việc thúc đẩy tiến trình hòa bình tại đất nước Nam Mỹ này trong tương lai có ý nghĩa quan trọng với Bogota.

Nghị trình tại Brazil cũng đậm chất "hàn gắn". Cuộc gặp của ông J.Kerry với Tổng thống Dilma Rousseff và quan chức nước này tập trung vào việc khôi phục lòng tin của Brasilia sau vụ Snowden. Nhiệm vụ này quả không dễ dàng khi ngay trước đó, báo chí Brazil đưa tin, nền kinh tế lớn nhất Nam Mỹ sẽ chưa đặt vấn đề mua máy bay chiến đấu F-18 của Mỹ với tổng trị giá lên tới 4 tỷ USD như dự kiến vì Brazil không thể nói chuyện "làm ăn" với một quốc gia không tin họ.

Rõ ràng, rạn nứt trong quan hệ giữa Mỹ với các đồng minh thân cận trong khu vực đã ảnh hưởng lớn đến những mối quan hệ thương mại của Mỹ. Sự việc này khiến Nhà Trắng càng phải nhanh chóng tìm giải pháp cải thiện hình ảnh tại khu vực được xem là sân sau chiến lược. Với nguồn tài nguyên phong phú và các cơ hội thương mại dồi dào, khu vực Mỹ Latinh và Caribe là khu vực tăng trưởng nhanh chóng, ổn định và ngày càng có vị thế quan trọng trên thế giới. Các chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Barack Obama và Phó Tổng thống Biden tới một loạt quốc gia ở khu vực này hồi tháng 5 vừa qua cho thấy, Washington luôn coi trọng việc xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với khu vực trọng yếu này.

Do đó, chuyến công du Mỹ Latinh của Ngoại trưởng J.Kerry trong giai đoạn hiện nay được nhìn nhận như quyết tâm giải tỏa căng thẳng nhằm cài đặt lại mối liên kết đang có sự xáo trộn với Nam Mỹ. Đây là mục tiêu sống còn nhằm thực hiện kế hoạch mở rộng ảnh hưởng của Mỹ tại khu vực đang là đích nhắm của nhiều nước. Tuy nhiên, cơn phẫn nộ trên diện rộng ở Nam Mỹ, đặc biệt từ ngay những "bạn bè" thân thiết nhất của Washington như Colombia, Mexico, Brazil từ bê bối do thám đã tạo ra những thách thức khiến chính quyền Tổng thống Barack Obama phải nỗ lực không ít mới có thể lấy lại niềm tin đã bị xói mòn.

Thùy Dương