Cần xây dựng nhãn hiệu rau an toàn Hà Nội
Xã hội - Ngày đăng : 06:14, 14/08/2013
Nhiều nơi phát triển RAT đã góp phần tích cực trong việc hoàn thiện nhiều tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới (NTM) như tạo việc làm, tăng thu nhập. Tuy nhiên, để đề án RAT Hà Nội phát triển hiệu quả, ngành nông nghiệp cần kiểm soát tốt chất lượng, tìm thị trường tiêu thụ cho nông dân.
Chăm sóc rau sạch tại Văn Đức. Ảnh: Khánh Nguyên |
Xã Văn Đức, huyện Gia Lâm từ lâu đã trở thành vùng sản xuất RAT có tiếng của Hà Nội. Phó Chủ nhiệm HTX Văn Đức, Nguyễn Văn Minh cho biết, trước đây nông dân Văn Đức chỉ trồng rau màu thuần túy, thu nhập thấp. Khi chương trình sản xuất RAT được triển khai, đa số hộ nông dân đã đăng ký tham gia. Nếu năm 2006, toàn xã chỉ có 6ha sản xuất rau thì đến nay đã hình thành vùng RAT tới 250ha. Sản xuất RAT không những đạt hiệu quả kinh tế cao mà còn giúp địa phương hoàn thành nhiều tiêu chí trong xây dựng NTM như: tiêu chí thu nhập, chuyển dịch cơ cấu, lao động… Hiện sản phẩm rau của Văn Đức không chỉ bán cho các nhà hàng, siêu thị… mà còn cung cấp mang bán đi nhiều tỉnh, thành. Tuy nhiên, người trồng RAT Văn Đức cũng đang gặp nhiều khó khăn trong tiêu thụ. Thực tế, chi phí và quy trình sản xuất RAT cao hơn và đòi hỏi nghiêm ngặt hơn so với rau thường nhưng giá bán lại không cao hơn nhiều. Đặc biệt, vào thời điểm này, nhiều loại rau có nguồn gốc từ Trung Quốc có giá bán rất rẻ cũng tạo áp lực cho tiêu thụ RAT Hà Nội. Anh Nguyễn Đức Thành, hộ sản xuất ở Văn Đức cho biết, nếu các tiểu thương mua RAT tại ruộng thì giá bán RAT chỉ cao hơn 200 đồng/mớ so với rau thường, nhưng đến siêu thị, giá RAT tăng lên từ 500 - 1.000 đồng/mớ. RAT không những chịu cạnh tranh với rau thường, rau Trung Quốc mà còn mất một phần lợi nhuận cho thương lái. Chính những yếu tố này đang cản trở mô hình sản xuất RAT tại nhiều địa phương.
Không riêng vùng RAT Văn Đức mà hầu hết người sản xuất RAT đang gặp khó khăn trong tiêu thụ. Đặc biệt, đây đang là thời điểm mùa mưa bão, những trận mưa liên tiếp những ngày trước kia đã làm ngập úng nhiều vùng RAT. Trong khi giá rau sau mưa bão thường tăng cao nhưng nông dân lại không có rau để bán. Để giúp nông dân yên tâm sản xuất, thành phố cần có chính sách hỗ trợ người sản xuất RAT và tạo thị trường tiêu thụ ổn định. Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Hoàng Thanh Vân, để kiểm soát tốt quy trình sản xuất, sở giao Chi cục BVTV thường xuyên cử cán bộ xuống giám sát, in các tài liệu, tờ rơi và tập huấn cho nông dân tại các vùng RAT về kỹ thuật sản xuất, danh mục thuốc BVTV được sử dụng trên rau, sổ ghi chép VietGap… Ngoài ra, Sở NN&PTNT cũng đang tiến hành thủ tục xin đăng ký bảo hộ và xây dựng nhãn hiệu "Rau an toàn Hà Nội". Đây sẽ là tiền đề giúp ổn định đầu ra cho RAT Hà Nội, hướng tới chủ động cung ứng rau sạch cho nhân dân Thủ đô và xuất bán sang các tỉnh, thành lân cận. Đặc biệt, Sở NN&PTNT đang phối hợp với các địa phương triển khai gắn nhãn, dán tem nhận diện nguồn gốc xuất xứ sản phẩm RAT, sản lượng RAT được gắn tem nhãn bán buôn và bán lẻ ước đạt 32-35 tấn/ngày.
Hiện tại, Chi cục BVTV đã phối hợp với các quận, huyện rà soát, định vị được 4.500ha RAT phân bố ở 116 xã trọng điểm chuyên rau. Trong đó, có 3.800ha RAT đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, 700ha sẽ tiến hành cấp giấy chứng nhận trong quý III năm nay. Đặc biệt, Chi cục BVTV đã phối hợp với các địa phương tiếp tục duy trì tốt công tác quản lý, chỉ đạo hai vùng sản xuất RAT tập trung từ khâu sản xuất đến tiêu thụ. Đó là vùng RAT xã Duyên Hà, huyện Thanh Trì với quy mô 57ha và vùng RAT Thanh Đa, huyện Phúc Thọ với quy mô 50ha. Sở NN&PTNT Hà Nội đã tổ chức gắn nhãn nhận diện nguồn gốc tại các vùng rau này. Ngoài diện tích sản xuất RAT, đến nay đã hình thành được 18 vùng sản xuất rau theo VietGap với tổng diện tích 150ha; 11 nhóm sản xuất rau hữu cơ với diện tích khoảng 12ha chủ yếu ở xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn. Chi cục trưởng Chi cục BVTV Hà Nội Nguyễn Duy Hồng cho biết, để giúp các địa phương chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang sản xuất RAT, Sở NN&PTNT Hà Nội đã giao chi cục rà soát thực trạng và đánh giá nhanh điều kiện sản xuất rau ở các vùng, đặc biệt là ở các vùng sản xuất rau không thuộc quy hoạch, đất phi nông nghiệp, đất xen kẹt… để đưa vào sản xuất RAT giúp nông dân tăng thu nhập. Sở NN&PTNT tiếp tục giới thiệu, quảng bá các cơ sở sản xuất RAT trên sàn giao dịch rau, quả an toàn Hà Nội, hỗ trợ tiếp thị, kết nối các đơn vị tham gia sàn với khách hàng tiêu thụ…