Cá nhân vay nợ, cả trường vạ lây

Giới trẻ - Ngày đăng : 05:56, 14/08/2013

(HNM) - Hành vi của một nhóm người tụ tập trước cổng Trường THPT dân lập Phương Nam căng biểu ngữ, băng rôn, dùng loa phóng thanh

Chủ nợ căng băng rôn đòi nợ trước cổng Trường THPT dân lập Phương Nam.


Không để xáo trộn việc dạy và học

Liên tiếp trong nhiều ngày qua, tại khu vực cổng Trường THPT dân lập Phương Nam (địa chỉ tại lô 18, Khu đô thị mới Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội) xuất hiện một đám đông người giăng biểu ngữ, treo băng rôn và dùng loa tố cáo bà Trương Thị Hải Yến, Phó Hiệu trưởng kiêm Chủ tịch HĐQT nhà trường vay nợ 268 tỷ và 16 quyển sổ đỏ… để xây dựng trường đến nay chưa trả. Việc làm này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sư phạm và tâm lý học sinh đang theo học nơi đây. Dù vụ việc chưa ngã ngũ nhưng hành vi dùng những lời lẽ mang tính thóa mạ xảy ra trước cổng trường là điều không thể chấp nhận. Ông Nguyễn Công Hiệp, Chủ tịch UBND phường Định Công thẳng thắn nói: “Việc tập trung đông người trước cổng trường với băng rôn, thậm chí dùng loa phóng thanh để chửi bới là hành động đáng phê phán”.

Để bảo đảm ANTT, ngăn chặn hành vi quá khích của các chủ nợ, sáng 13-8, UBND phường Định Công đã tổ chức họp với sự tham dự của đại diện chính quyền phường, Công an (CA) quận Hoàng Mai, Ban Giám hiệu Trường THPT dân lập Phương Nam, bà Trương Thị Hải Yến cùng một số chủ nợ. Tại buổi làm việc, Trung tá Nguyễn Văn Thăng, Trưởng CA phường Định Công yêu cầu các bên giữ hòa khí, cùng đàm phán phương hướng giải quyết theo đúng trình tự pháp luật, tránh gây ảnh hưởng đến việc dạy và học của thầy trò Trường THPT dân lập Phương Nam. Nếu xét thấy có dấu hiệu lừa đảo, chủ nợ có thể gửi đơn lên CA phường đề nghị điều tra, xử lý, chấm dứt ngay việc tụ tập dùng băng rôn và loa với lời lẽ thiếu văn hóa.

Bà Phan Thị Thanh Thuận, Phó Hiệu trưởng Trường THPT dân lập Phương Nam cũng bày tỏ quan điểm: “Việc vay nợ cá nhân của Chủ tịch HĐQT đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường giáo dục. Thế hệ tương lai nghĩ gì khi hàng ngày, hàng giờ các em phải nghe những lời tục tĩu phát ra từ phía cổng trường. Tập thể giáo viên chúng tôi tha thiết đề nghị cơ quan chức năng sớm vào cuộc chấm dứt tình trạng trên”. Cũng theo bà Thuận, việc làm của một số người xưng là “chủ nợ” của Chủ tịch HĐQT nhà trường Trương Thị Hải Yến đã gây hoang mang, ảnh hưởng lớn đến tâm lý của giáo viên và học sinh. Nhiều phụ huynh đến trường nộp đơn xin học cho con đã thay đổi ý định khi chứng kiến cảnh này, giáo viên thì liên tục bị tra tấn bởi tiếng loa từ cổng trường rọi vào với từ ngữ xưng hô thiếu văn hóa như “con nọ”, “con kia”… Vừa nói, vừa khóc, Phó Hiệu trưởng Phan Thị Bích Thuận kể, nói ra thì xấu hổ vì trong số chủ nợ này có người từng là học sinh cũ của trường...

Để giữ gìn ANTT tại khu vực, ngay khi đám đông tụ tập treo biểu ngữ và dùng loa đòi nợ, CA phường Định Công đã cử cán bộ xuống yêu cầu giải tán, về cơ bản trật tự quanh khu vực trường đã ổn định.

Chủ nợ bắc loa lăng mạ Phó Hiệu trưởng Trường THPT dân lập Phương Nam.


Vay nợ là việc cá nhân

Theo đơn tố cáo của 18 cá nhân, tổng số tiền mà họ cho bà Trương Thị Hải Yến, Phó Hiệu trưởng, Chủ tịch HĐQT Trường THPT dân lập Phương Nam vay là trên 268 tỷ và 16 quyển sổ đỏ. Sau nhiều năm lỗi hẹn, bà Yến vẫn chưa hoàn trả cho các khổ chủ. Vì việc này mà liên tục nhiều ngày qua có hàng chục người xưng là “nạn nhân” của bà Yến đến tụ tập bên ngoài cổng trường, căng băng rôn, dùng loa kể tội và đòi nợ bà Yến. Theo danh sách “chủ nợ” cung cấp, người cho bà Yến vay ít nhất là 700 triệu đồng, cao nhất lên tới 140 tỷ đồng, người thì nói đã giao sổ đỏ cho bà Yến… Bà Ngô Thị Anh Thư (địa chỉ tại B29, lô 20, Khu đô thị mới Định Công) được coi là chủ nợ lớn nhất của bà Phó Hiệu trưởng với số tiền tổng cộng hơn 140 tỷ đồng. Vốn là bạn thân của nhau trong một thời gian dài, bà Thư được bà Yến tạo điều kiện cho thuê dãy căng tin của trường để kinh doanh. Năm 2008, khi bà Yến nói đang có nhu cầu lớn về vốn để đầu tư kinh doanh và hứa trả lãi cao (6%/tháng), vì cả tin, hám lợi, bà Thư đã bán nhà, bán đất và đi gom thêm tiền của người thân quen cho bà Yến vay. Việc vay mượn có giấy viết tay mang bút tích của bà Yến và dấu đỏ của nhà trường. Theo bà Thư, có thời điểm gia đình bà có đến 5 căn nhà, biệt thự tại Hà Nội và 200m2 đất ở khu vực Hồ Tây, cùng 2 xe ô tô, nhưng rồi tất cả đều “đội nón ra đi” vì bà Yến khất lần, trốn nợ. Hiện giờ, bà Thư còn nợ hơn 60 tỷ từ việc huy động vốn của người thân và các mối quan hệ xã hội bên ngoài. Từ một khách Vip của các ngân hàng, giờ đây bà Thư phải đi thuê nhà ở vì tất cả tài sản đã giao “bạn thân” vay để xây dựng trường.

Chị Nguyễn Thị Lan Dương (36 tuổi) ở Khâm Thiên, Đống Đa có một lưng vốn đang muốn mở rộng làm ăn. Qua giới thiệu, chị đã đưa sổ đỏ nhờ bà Yến vay tiền hộ ở ngân hàng. Vì thấy cơ sở trường học khang trang, bà Yến lại giới thiệu là Phó Hiệu trưởng, Chủ tịch HĐQT nên hoàn toàn tin tưởng và làm giấy ủy quyền để bà Yến cầm sổ đỏ đi vay tiền hộ. “Trong bản cam kết có công chứng đóng dấu, gia đình tôi chỉ ủy quyền đi vay ngân hàng, không được sang tên cho người thứ ba. Tuy nhiên, bà Yến không làm theo hợp đồng cam kết, mang sổ đỏ của gia đình tôi sang tên cho ông Nguyễn Tri Phương ở phố Đặng Dung” - chị Dương cho biết. Trong một bản cam kết ghi ngày 16-10-2011, bà Yến viết: “Tên tôi là Trương Thị Yến, chức danh Chủ tịch HĐQT kiêm Phó Hiệu trưởng Trường THPT dân lập Phương Nam. Tôi viết giấy này xin cam kết với bà Thư, bà Oanh, tôi sẽ trả số tiền là: 2 tỷ vào ngày thứ năm tuần tới và số còn lại là 25 tỷ, hẹn thanh toán dần đến ngày 15-11-2011 sẽ trả hết.

Nếu sai tôi sẽ đồng ý để bà Thư, bà Oanh đóng cổng trường và không có ý kiến gì. Kế hoạch cụ thể sẽ sang tuần. Nếu sai tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật”. Dưới giấy cam kết có tên, chữ ký của bà Yến và con dấu của Trường THPT dân lập Phương Nam. Theo các chủ nợ “sau cái hẹn này, bà Yến không trả được một đồng nào…”.

Để có thông tin đa chiều, phóng viên Báo Hànộimới đã trao đổi với bà Trương Thị Hải Yến ngay tại trụ sở UBND phường Định Công. Bà Yến khẳng định những giấy tờ vay nợ viết tay có bút tích của bà và dấu đỏ của nhà trường là do bà cả tin và muốn giúp người. Còn việc bà có vay nợ của một số cá nhân trong việc xây dựng Trường Phương Nam dẫn đến những lình xình vừa qua là do bà bị vu oan và vấn đề này sẽ được giải quyết tại tòa án.

Theo CA phường sở tại, bà Yến sinh sống tại nhà A4, lô 20, Khu đô thị Định Công. Khi phóng viên đến tìm hiểu tại khu phố trên được biết, ngôi nhà này đã bị một ngân hàng siết nợ, hiện bà Yến phải sống tạm trong khuôn viên Trường THPT dân lập Phương Nam.

Cũng trong chiều qua (13-8), Sở GD -ĐT Hà Nội cũng có buổi làm việc với bà Trương Thị Hải Yến và Ban Giám hiệu Trường THPT dân lập Phương Nam để kịp thời có biện pháp nhằm không gây xáo trộn việc dạy và học của giáo viên, học sinh. Theo báo cáo của Ban Giám hiệu nhà trường, hiện trường có 450 học sinh theo học và trong ngày 13-8, việc dạy và học vẫn diễn ra bình thường. Với trách nhiệm là cơ quan quản lý về giáo dục đào tạo trên địa bàn, Sở GD-ĐT yêu cầu Trường THPT Phương Nam, trong bất kỳ tình huống nào cũng phải duy trì việc dạy và học, bảo đảm trả lương đầy đủ cho giáo viên. Nếu tiếp tục thấy có những hành vi gây rối bên ngoài trường học, nhà trường cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của quận Hoàng Mai giải quyết, bảo đảm ANTT khu vực và môi trường sư phạm của trường. Sở GD-ĐT cũng yêu cầu nhà trường sớm kiện toàn bộ máy tổ chức, đặc biệt là đội ngũ cán bộ quản lý, sau khi đã có quyết định chuyển đổi từ trường dân lập sang trường tư thục, nhằm chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cho năm học mới 2013-2014.

Nhóm PV Phóng sự Điều tra