Tăng cường công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng trong các cơ quan tư pháp
Chính trị - Ngày đăng : 13:01, 13/08/2013
Bà Lê Thị Thu Ba, UVTƯ Đảng, Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng, Phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương; bà Ngô Thị Doãn Thanh, UVTƯ Đảng, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội tới dự.
Thực hiện Nghị quyết số 49-NQ-TW, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Đề án số 06/ĐA/TU ngày 22-5-2006 với 6 nhiệm vụ, giải pháp trong tâm; UBND TP ban hành kế hoạch số 27/KH-UBND ngày 24-5-2006; Ban chỉ đạo cải cách tư pháp Thành ủy xây dựng và ban hành các chương trình công tác theo từng năm, từng giai đoạn (trong đó có Chương trình 02-CTr/TU ngày 16-5-2012 về “Trọng tâm công tác tư pháp giai đoạn 2012-2016”). Nhìn chung, những năm qua, các ngành tư pháp, các quận, huyện, thị xã đã tập trung chỉ đạo thực hiện nghiêm túc; nhận thức của cấp ủy đảng, chính quyền, nhất là đội ngũ cán bộ tư pháp về vị trí, vai trò của hoạt động tư pháp trong đời sống xã hội được nâng cao.
Theo đánh giá của Thành ủy Hà Nội, bên cạnh những lợi thế về địa lý, văn hóa, kinh tế, chính trị, Hà Nội cũng là địa bàn trọng điểm mà các thế lực thù địch, các tổ chức, các đối tượng phản động, bất mãn tập trung chống phá. Những năm gần đây, tình hình khủng hoảng, suy thoái kinh tế thế giới và trong nước thời gian qua đã tác động đến nhiều mặt của đời sống kinh tế, xã hội, phát sinh nhiều tranh chấp về dân sự, kinh tế, lao động, hành chính với tính chất vụ việc phức tạp. Sau hợp nhất, tốc độ đô thị hóa của Hà Nội nhanh đã tiềm ẩn những yếu tố phức tạp về tranh chấp đất đai, thực hiện các chính sách thu hồi đất triển khai thực hiện một số dự án trọng điểm, vấn đề ô nhiễm môi trường; tình hình vi phạm, tội phạm có chiều hướng gia tăng với nhiều phương thức, thủ đoạn mới, đặc biệt gần đây xuất hiện một số băng nhóm theo kiểu “xã hội đen”, đòi nợ thuê, bắt giữ người trái pháp luật; vi phạm, tội phạm trên các lĩnh vực ngân hàng, tài chính, tội phạm về ma túy, tệ nạn xã hội gia tăng với thủ đoạn ngày càng tinh vi, diễn biến phức tạp. Với địa bàn rộng, dân số đông, số lượng án phải giải quyết tăng từng năm (số lượng vụ án đứng thứ hai và số lượng bị can nhiều nhất toàn quốc), tính chất vụ án ngày càng phức tạp, đòi hỏi cần tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng và sự nỗ lực cố gắng của các ngành nội chính Thủ đô, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ trong tình hình mới.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Công Soái trao Bằng khen của Thành ủy cho các tập thể đạt thành tích xuất sắc trong thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW |
Trong quá trình thực hiện Nghị quyết 49-NQ/TW, hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ có nhiều đổi mới, chất lượng các mặt công tác có những chuyển biến tích cực, trong đó chất lượng công tác điều tra, truy tố, xét xử được nâng cao rõ rệt; tỷ lệ án oan sai đã giảm mạnh so với những năm trước; công tác thi hành án dân sự đã được nâng lên một bước, nhiều vụ việc tồn đọng, phức tạp được giải quyết. Đặc biệt, sau hợp nhất, các cơ quan tiến hành tố tụng (công an, kiểm soát, tòa án) đã tích cực sửa đổi, ban hành quy chế, quy định hoạt động về nghiệp vụ (đơn ngành, liên ngành) nhằm tạo sự thống nhất trong công tác chỉ đạo cũng như thực hiện để đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp. Công tác cán bộ được quan tâm, củng cố, kiện toàn ngày càng lớn mạnh về số lượng, chất lượng; công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển cán bộ được thực hiện tốt.
Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện cải cách tư pháp thời gian qua của TP Hà Nội còn bộ lộ những hạn chế, tồn tại. Trước hết, công tác tiếp nhận, xử lý tố giác, tin báo về tội phạm, sự phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng ở một số vụ án còn thiếu chặt chẽ, thời hạn giải quyết còn chậm. Công tác quản lý giam giữ bị can, bị cáo bộc lộ nhiều bất cập, như: còn để phạm nhân bỏ trốn khỏi nơi giam giữ; phạm nhân chết trong các trại tạm giam, nhà tạm giữ. Chất lượng điều tra, thực hành quyền công tố và xét xử một số vụ án còn những hạn chế. Tỷ lệ giải quyết án dân sự, hành chính chưa cao, án bị hủy do lỗi chủ quan còn chưa giảm, vẫn còn án quá thời hạn giải quyết. Công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp mới chỉ ở những biện pháp thanh tra, kiểm tra; một số tổ chức, cá nhân hành nghề luật sư, công chứng trong thực hiện nghiệp vụ, vi phạm đạo đức nghề nghiệp, cá biệt còn có luật sư, công chứng viên vi phạm pháp luật chưa được phát hiện, xử lý kịp thời.
Lực lượng cán bộ tư pháp của TP tuy đã có sự chuyển biến, tiến bộ về năng lực, trình độ, khả năng thực thi công vụ nhưng vẫn còn thiếu so với biên chế quy định và yêu cầu công việc. Trình độ chuyên môn nhiệp vụ của một bộ phận cán bộ còn hạn chế. Ngoài ra, cơ sở vật chất, điều kiện làm việc của các cơ quan tư pháp TP chưa đáp ứng yêu cầu của cải cách tư pháp theo tinh thần Nghị quyết số 49-NQ/TW và Đề án số 06-ĐA/TU, như: hệ thống kho vật chứng, kho tạm giữ tang vật hành chính của ngành công an, kho tang vật của thi hành án dân sự TP còn thiếu...
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Công Soái cho rằng, thời gian qua, vẫn còn một số cấp ủy Đảng trên địa bàn TP chưa quan tâm đúng mức đến công tác cải cách tư pháp, nhận thức chưa đầy đủ về tầm quan trọng của hoạt động tư pháp trong phát triển kinh tế, xã hội. Phó Bí thư Thường trực Thành ủy nhấn mạnh, trong thời gian tới, cần tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiệm túc và có hiệu quả những nội dung cơ bản, trọng tâm Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị; Đề án 06-ĐA/TU của Thành ủy... Bên cạnh đó, tiếp tục tăng cường công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng trong các cơ quan tư pháp theo Nghị quyết Trung ương 6 (khóa X); chương trình 01-CTr/TU ngày 18-8-2011 của Thành ủy Hà Nội; triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”; tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong các cơ quan tư pháp. Các cơ quan tư pháp cần tăng cường và phối hợp chặt chẽ, hiệu quả hơn nữa trong hoạt động. Thời gian tới, TP cần tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho các cơ quan tư pháp, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động tư pháp trên địa bàn Thủ đô Hà Nội.
Nhân dịp này, Thành ủy Hà Nội đã trao tặng Bằng khen cho 16 tập thể có thành tích xuất sắc trong thực hiện Nghị quyết 49-NQ/TW của Bộ Chính trị.