Quan hệ Ấn Độ - Pakistan: Những dấu hiệu tụt dốc

Thế giới - Ngày đăng : 06:17, 13/08/2013

(HNM) - Những ngày qua, căng thẳng mới lại nảy sinh trong mối quan hệ giữa hai quốc gia láng giềng Ấn Độ và Pakistan.

Bất chấp những nỗ lực của chính quyền mới ở Islamabad muốn cải thiện và khôi phục đối thoại chính thức với New Delhi, các cuộc tấn công, vi phạm lệnh ngừng bắn tại ranh giới kiểm soát (LoC) ở khu vực Kashmir đã làm cho mối quan hệ vốn không mấy ấm nồng giữa hai quốc gia Nam Á có dấu hiệu tụt dốc trở lại.

Căng thẳng mới lại nảy sinh trong quan hệ giữa Ấn Độ và Pakistan sau những xung đột ở khu vực Kashmir.



Vài ngày gần đây, Ấn Độ đã liên tiếp cáo buộc Pakistan vi phạm lệnh ngừng bắn dẫn tới vụ đọ súng lớn giữa hai bên. Theo Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Ấn Độ, binh sĩ Pakistan đã bắn 7.000 loạt đạn hạng nặng và đạn cối trong vòng 7 giờ vào các vị trí đóng quân của Ấn Độ dọc LoC ở huyện Poonch, thuộc khu vực Kashmir do Ấn Độ kiểm soát. Đáp lại, Ấn Độ cũng đã bắn trả bằng 4.595 loạt đạn súng máy hạng trung và súng trường, 111 quả đạn súng phóng lựu, 11 quả rocket và 18 quả đạn cối 81mm sang phía Pakistan. Cùng thời gian này, New Delhi đã ban bố thêm lệnh giới nghiêm tại các quận Udhampur, Samba và Kathua thuộc khu vực Jammu ở bang Jammu (Kashmir). Trước đó, quận Kishtwar và Rajouri cũng được đặt trong cảnh báo tương tự. Vụ việc xảy ra 4 ngày sau khi 5 lính Ấn Độ được cho là bị lực lượng đặc nhiệm của quân đội Pakistan bắn chết tại LoC.

Về phần mình, chính quyền Pakistan đã phủ nhận mọi cáo buộc của Ấn Độ. Ngay khi trở về sau chuyến thăm Saudi Arabia, Thủ tướng Pakistan Nawaz Sharif đã triệu tập cuộc họp khẩn cấp với các tướng lĩnh cấp cao nhằm thảo luận biện pháp đối phó căng thẳng với nước láng giềng. Theo quan điểm của tân Thủ tướng N.Sharif, điều quan trọng là cả Ấn Độ lẫn Pakistan cần khẩn trương khôi phục thỏa thuận ngừng bắn tại khu vực biên giới tranh chấp Kashmir.

Thực ra, đây không phải là lần đầu tiên quan hệ giữa hai quốc gia láng giềng ở Nam Á này nảy sinh căng thẳng. Mấu chốt chính khiến mối bang giao giữa New Delhi và Islamabad không ít lần gặp sóng gió là vùng đất Kashmir, thuộc dãy Himalaya, khu vực mà Ấn Độ và Pakistan đều tuyên bố chủ quyền. Đây là nguyên nhân dẫn tới những cuộc đụng độ giữa hai nước kể từ năm 1947. Trên thực tế, hai bên từng có hai cuộc chiến tranh quy mô lớn vào năm 1965 và 1999 để giành quyền kiểm soát khu vực nêu trên. Căng thẳng leo thang nghiêm trọng tại Kashmir năm 1999 với các cuộc đụng độ làm hơn 1.000 binh sĩ hai bên thiệt mạng. Kể từ năm 2003, New Delhi và Islamabad đã thực thi ngừng bắn ở LoC phân chia ranh giới giữa hai nước. Song, suốt thời gian qua, hai bên vẫn thường tố cáo nhau vi phạm lệnh ngừng bắn. Theo thống kê của phía Ấn Độ, trong năm 2012 đã xảy ra 71 vụ nổ súng dọc LoC làm ít nhất 4 binh sĩ Ấn Độ, 2 dân thường và một đối tượng bị cho là xâm nhập từ Pakistan thiệt mạng.

Tuy nhiên, dư luận cho rằng, các vụ giao tranh mới nhất ở Kashmir ít có khả năng biến thành một cuộc đối đầu quân sự quy mô lớn giữa hai nước. Pakistan vừa đề xuất nối lại đàm phán song phương với Ấn Độ trong khi cả hai bên cho đến thời điểm này vẫn khẳng định cam kết tuân thủ thỏa thuận ngừng bắn năm 2003, coi đây là giải pháp sống còn để xây dựng lòng tin, hướng tới nối lại tiến trình đối thoại giữa hai nước. Nhiều kỳ vọng đang được đặt vào cuộc gặp bên lề khóa họp Đại hội đồng Liên hợp quốc giữa Thủ tướng N.Sharif và người đồng cấp Ấn Độ Manmohan Singh. Tuyên bố khẳng định, nhiệm vụ của ban lãnh đạo hai nước là không để tình hình đi chệch hướng và phải tiến hành các biện pháp nhằm cải thiện tình hình và làm dịu bớt những lo ngại vừa dấy lên từ căng thẳng mới.

Trải qua nhiều thăng trầm với cả chiến tranh, đụng độ, tấn công… cả Ấn Độ và Pakistan nhận thấy rằng con đường xây dựng một môi trường ổn định tại Nam Á chắc chắn không có lựa chọn khác ngoài thương lượng, đàm phán hòa bình. Do đó, những vụ đụng độ biên giới sẽ chỉ làm cho vết thương chưa lành thêm trầm trọng. Tuy nhiên, vụ việc mới nhất tại Kashmir cũng cho thấy rằng vùng đất trên nóc nhà thế giới này sẽ tiếp tục là chiếc gai nhọn, thỉnh thoảng gây nhức nhối cho mối quan hệ vốn đã đầy trắc trở giữa hai cường quốc hạt nhân tại Nam Á. Và cũng chưa biết đến bao giờ, ngòi nổ tiềm tàng này sẽ bị vô hiệu hóa vĩnh viễn.

Trung Hiếu