Khai trương "điểm hẹn" của các nhà khoa học
Giáo dục - Ngày đăng : 17:28, 12/08/2013
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân tặng GS Trần Thanh Vân bức ảnh "Bác Hồ với giới trí thức Thủ đô Hà Nội". Ảnh: VGP |
Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Nguyễn Văn Thiện, GS. Trần Thanh Vân, GS. Ngô Bảo Châu, nhiều nhà khoa học hàng đầu Việt Nam cùng 4 GS đoạt giải Nobel Vật Lý đến dự.
Trung tâm ICISE có diện tích hơn 20ha, tọa lạc tại khu vực Ghềnh Ráng, TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định.
Mở cơ hội hợp tác khoa học đỉnh cao
ICISE là công trình do cá nhân GS. Trần Thanh Vân đầu tư với mong muốn hình thành một điểm hẹn khoa học mang tầm vóc quốc tế dành cho giới nghiên cứu hàng đầu thế giới đến giao lưu và làm việc ở Việt Nam.
Được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, sự hỗ trợ tối đa của lãnh đạo tỉnh Bình Định, ICISE bắt đầu khởi công từ tháng 12/2011. Từ đó, GS. Trần Thanh Vân đã cụ thể hóa được ý tưởng mà ông ấp ủ cách đây 20 năm với mong muốn phục vụ các hoạt động của chương trình “Gặp gỡ Việt Nam” hoạt động ổn định lâu dài và đi vào chiều sâu.
Tính từ năm 1993 đến năm 2013 đã có 9 hội nghị “Gặp gỡ Việt Nam” và 19 khoá học nâng cao của lớp Vật lý quốc tế do GS. Trần Thanh Vân tham gia.
Xuất phát từ chủ đề “Vật lý hạt cơ bản”, đến nay các hội nghị đã mở rộng sang lĩnh vực vũ trụ học, vật liệu học, sinh vật học và một số môn khoa học liên ngành khác.
Đây là những hội nghị và các đợt tập huấn chất lượng cao, có sự góp mặt của nhiều nhà khoa học hàng đầu thế giới với những nội dung cập nhật về các thành tựu nghiên cứu khoa học hiện đại và tiên phong trên thế giới.
Ở Việt Nam trước đây và cả trong khu vực ASEAN cũng rất ít thấy những sinh hoạt khoa học hàn lâm đỉnh cao một cách có hệ thống như vậy. Trong 20 năm qua, nhiều nghiên cứu viên trẻ của Việt Nam được khích lệ từ không khí học thuật của các cuộc “Gặp gỡ Việt Nam” đã quyết tâm theo đuổi sự nghiệp nghiên cứu khoa học.
ICISE sẽ trở thành một địa chỉ khoa học hàn lâm độc đáo nhất ở châu Á, thu hút những nhà bác học hàng đầu thế giới thường xuyên đến làm việc và hội thảo với các đồng nghiệp và học trò của họ trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Dấu mốc về nỗ lực của cộng đồng khoa học
Phát biểu chào mừng ICISE đi vào hoạt động, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đánh giá sự kiện này và Hội nghị quốc tế với chủ đề “Cửa sổ nhìn ra vũ trụ” tại Quy Nhơn đã đặt thêm một dấu mốc quan trọng về nỗ lực của cộng đồng các nhà khoa học quốc tế và Việt Nam, của lãnh đạo các ngành, địa phương và của cá nhân vợ chồng GS Trần Thanh Vân trong việc hỗ trợ đắc lực và cụ thể cho các nhà khoa học Việt Nam nói chung và cho các nhà khoa học trẻ nói riêng.
Phó Thủ tướng nêu rõ sự có mặt của đông đảo các nhà khoa học, trong đó có sự hiện diện của nhiều nhà khoa học danh tiếng quốc tế hàng đầu càng tô đậm ý nghĩa đặc biệt của sự kiện này. Đó thực sự là niềm vinh dự, tự hào cho giới khoa học Việt Nam.
Phó Thủ tướng tin rằng, sự kiện này đồng thời là một thông điệp có ý nghĩa gửi tới các bạn bè, các nhà khoa học trên thế giới về một đất nước Việt Nam yêu hòa bình và say mê học tập, nghiên cứu khoa học.
Nhân dịp này, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cảm ơn sự giúp đỡ, sự hợp tác có hiệu quả của các Chính phủ và các cơ quan khoa học của các quốc gia đối tác, các nhà khoa học quốc tế, các nhà khoa học người Việt Nam ở nước ngoài đã dành cho các nhà khoa học trẻ Việt Nam trong nhiều năm qua, góp phần vào sự phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam.
Trong thời gian này, tại ICISE đã diễn ra Hội nghị Khoa học quốc tế về Vật lý với chủ đề: “Cửa sổ nhìn ra vũ trụ” cùng các hội nghị khoa học vật lý đỉnh cao: Vũ trụ học trong kỷ nguyên Planck; Thuyết tương đối rộng và lực hấp dẫn; Vật lý na-nô: Từ cơ bản đến ứng dụng; Các cửa sổ nhìn ra vũ trụ; hai lớp học chuyên đề (Vật lý Việt Nam lần thứ 19: Vật lý chất đặc lý thuyết và tính toán; Vật lý thiên văn lần I: Vật lý thiên văn và vũ trụ học); cuộc hội thảo và tập huấn "Bàn tay nặn bột".