Quan hệ Nga - Mỹ: Bước lùi được báo trước

Thế giới - Ngày đăng : 06:24, 12/08/2013

(HNM) - Quyết định hủy cuộc gặp thượng đỉnh Nga - Mỹ vào tháng 9 tới của Tổng thống Barack Obama được Nhà Trắng khẳng định trong tuần qua là một bước lùi mới trong quan hệ song phương vốn nhiều trắc trở giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới.

Hành động của Mỹ được đưa ra sau khi xứ Bạch dương cấp quy chế tị nạn tạm thời cho cựu nhân viên Cục Tình báo trung ương Mỹ Edward Snowden. Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, vụ "tội đồ" Snowden chỉ là giọt nước tràn ly dẫn đến cú sốc mới trong quan hệ hai nước vốn đang bất đồng trên nhiều "hồ sơ", bất chấp nỗ lực hàn gắn từ cả hai bên. Theo Andrew Weiss, nguyên cố vấn các vấn đề về Nga thời Tổng thống Mỹ Bill Clinton thì "bầu không khí chính trị ở Washington về Mátxcơva đang vô cùng căng thẳng. Sự giận dữ với Nga đã âm ỉ từ lâu và Snowden chính là mồi lửa". Như vậy, mồi lửa vừa bùng lên đã đặt một dấu chấm quyết định. Và dường như Tổng thống B.Obama không thể tìm thấy niềm tin vào cuộc đối thoại trực tiếp với người đứng đầu Điện Kremli vào lúc này.

Cựu nhân viên Cục Tình báo trung ương Mỹ Edward Snowden là chất xúc tác khiến quan hệ Nga-Mỹ thêm sóng gió.



Nhìn lại quá khứ, bất đồng giữa Nga và Mỹ đã kéo dài nhiều năm qua. Đó là những mâu thuẫn từ hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ ở Châu Âu, mở rộng Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) sang phía Đông đến vụ Nga tố cáo Mỹ kích động biểu tình sau bầu cử Hạ viện Nga hồi năm 2011, cũng như quan điểm trái chiều về cuộc khủng hoảng Syria, chương trình hạt nhân của Iran… Gần đây nhất, Nga không cho phép người Mỹ nhận con nuôi; đáp lại, Mỹ đưa một số công dân Nga vào "danh sách đen" về quyền con người… Từng có niềm lạc quan rằng sau hơn hai thập kỷ kết thúc Chiến tranh lạnh, quan hệ Washington - Mátxcơva đang dần được cải thiện. Thế nhưng, những vụ việc liên tiếp xảy ra thời gian qua cho thấy mối quan hệ giữa hai siêu cường chưa bao giờ ngớt sóng gió. Nước Mỹ dưới thời Tổng thống B.Obama từng thừa nhận một thế giới đa cực, nhưng trên thực tế Washington chưa bao giờ từ bỏ quyền "lãnh đạo" thế giới. Và cuộc tìm kiếm ảnh hưởng Mỹ tại không gian hậu Xô Viết cũng như sự trỗi dậy của Nga đã gây va chạm lớn là "tai nạn" khó tránh. Thêm vào đó, sự ám ảnh về khác biệt ý thức hệ và chế độ chính trị, độ cân bằng chiến lược và thực lực quân sự giữa hai cường quốc... vẫn còn đó và chưa được hóa giải. Vì thế, cho dù cả Kremli lẫn Nhà Trắng thời gian qua đều thể hiện mong muốn hợp tác, nhưng hành động thực tế vẫn chỉ giới hạn bên những khoảng cách khó vượt. Nói cách khác, cuộc khỏa lấp hố sâu nghi kị giữa hai cường quốc với những cạnh tranh về tầm ảnh hưởng và mâu thuẫn lợi ích đang tiếp diễn là không dễ dàng. Vì thế, vụ việc Snowden chỉ là một trong số nhiều nguyên nhân lý giải quan hệ Nga - Mỹ sau nhiều năm kết thúc Chiến tranh lạnh vẫn luôn trong tình cảnh "cơm không lành, canh chẳng ngọt".

Tuy nhiên, qua lịch sử quan hệ Nga - Mỹ rất dễ để nhận thấy rằng, tuy hai nước có những thời điểm dường như đã ở vào thế đối đầu và dễ bùng nổ nhưng vẫn luôn nằm trong tầm kiểm soát. Và lúc này đây, điều đó vẫn được thể hiện. Mỹ vừa khẳng định sẽ không đóng cánh cửa hợp tác với Nga và cho biết cuộc họp 2+2 giữa bộ trưởng quốc phòng và ngoại giao hai nước đã diễn ra như kế hoạch tại thủ đô Washington cuối tuần qua. Còn trong cuộc họp báo ngày 9-8, người đứng đầu Nhà trắng B.Obama đã tìm cách để tránh làm chệch hướng mối quan hệ đang xuống thấp với Mátxcơva khi tỏ ý Mỹ mong muốn hợp tác với Nga trong mọi lĩnh vực tiềm năng; đồng thời tìm cách làm rõ các vấn đề mà hai bên đang bất đồng. Tổng thống B.Obama hy vọng Tổng thống V.Putin "nghĩ về tương lai thay vì quá khứ" trong các mối quan hệ với Mỹ và rằng, đây là thời điểm thích hợp để đánh giá lại quan hệ hai nước. Trong khi đó, Nga cho rằng quyết định hủy cuộc gặp thượng đỉnh của Mỹ thể hiện họ chưa sẵn sàng thiết lập quan hệ với Nga "trên cơ sở bình đẳng" và khẳng định Kremli vẫn giữ lời mời Tổng thống B.Obama thăm Nga...

Rõ ràng, quan hệ giữa hai siêu cường Nga - Mỹ dù có thế nào đi nữa vẫn luôn cần có nhau vì lợi ích của cả hai bên. Nếu rơi vào trạng thái "đóng băng" hoặc "đối đầu", hợp tác song phương giữa hai cường quốc trên tất cả các múi giờ thế giới sẽ bị ngưng trệ. Điều này sẽ bất lợi không chỉ cho cả hai bên, mà còn gây hệ lụy trên phạm vi toàn cầu. Dẫu vậy, để hai cường quốc hàng đầu thế giới quan hệ nồng ấm trở lại sẽ là cả một chặng đường dài ở phía trước.

Thùy Dương