Hại này… biết tỏ cùng ai?
Văn hóa - Ngày đăng : 06:15, 11/08/2013
Ở góc độ nhà quản lý, những lý do này luôn chỉ dừng ở mức độ chung chung, khái quát và không thể cụ thể như ý kiến của các nhà lý luận, phê bình. Xin không đề cập tới chuyện đúng - sai trong những quyết định hành chính mà không phải lúc nào cũng dễ dàng và thấu đáo này. Ở đây, chỉ bàn tới hệ lụy của việc xác định số phận của các tác phẩm mà không làm tới nơi tới chốn.
Trước hết, đây là câu chuyện mà các nhà phê bình văn học cần lên tiếng. Không phải chỉ "Đại gia", nhiều tác phẩm văn học khác vấp phản ứng của địa phương, của cơ quan quản lý, của bạn đọc cũng ít nhiều từng phải nằm giữa khoảng trống mênh mông do thiếu vắng giới phê bình. Rõ ràng, trong mọi trường hợp, bạn đọc luôn cần được định hướng bởi những ý kiến có chất lượng cao về chuyên môn. Không phải ngẫu nhiên mà Hội nghị Phê bình văn học toàn quốc vừa diễn ra đầu tháng 6 đã tự nhận thấy phê bình nhiều khi chưa chạm tới những vấn đề mới, những hiện tượng nóng của đời sống văn học đương đại. Điều này dẫn đến việc trên các diễn đàn, người nói thì nhiều mà người hiểu thì ít, vấn đề của tác phẩm, bản chất của sự việc bị biến dạng khiến cái đúng đắn không được lan tỏa, mà cái làm nhiễu thông tin lại lấn át.
Cũng phải nói thêm, trong khi Hội đồng thẩm định chưa có ý kiến, trong khi giới phê bình chưa kịp đọc sách thì dân làm sách lậu đã sẵn sàng vào cuộc. Sách đình chỉ phát hành ư, sách cấm ư? - Càng dễ tiêu thụ. Ngay ở giữa phố sách Hà Nội (Đinh Lễ, Nguyễn Xí) chỉ cần khách hàng tỏ ra quan tâm là ngay lập tức sẽ được tiếp thị một loạt sách cấm…
Thẩm định một tác phẩm văn học mà thiếu nhà phê bình cũng như việc cấm mà không làm tới nơi tới chốn (để sách lậu hoành hành) vô hình trung sẽ làm nhiễu chính bầu không khí lành mạnh của văn hóa đọc và sự tự do trao đổi.
Hại này, ai cũng biết nhưng biết… tỏ cùng ai?!