Giấc mơ cà phê Việt trên đất Mỹ

Người Việt bốn phương - Ngày đăng : 06:10, 11/08/2013

(HNM) - Đó là kỳ vọng của doanh nhân Phạm Đình Nguyên - người Việt đầu tiên bỏ ra 900.000 USD để đấu giá mua lại thị trấn Buford (bang Wyoming, Mỹ) cách đây hơn một năm.

Ngày 29-7 vừa qua, thị trấn Buford đã chính thức mở cửa trở lại. Tân Thị trưởng Buford Phạm Đình Nguyên cho biết sẽ đổi tên thị trấn và thực hiện kế hoạch kinh doanh cà phê rang xay Việt Nam tại thị trấn này. Đây là bước đi đáng nhớ nhằm đưa cà phê an toàn, chất lượng của Việt Nam ra nước ngoài thông qua việc đổi tên một địa danh ở Mỹ.

Ông Phạm Đình Nguyên tại trạm xăng ở thị trấn do ông làm Thị trưởng.


Tháng 4-2012, Hãng đấu giá bất động sản Williams & Williams đã tổ chức buổi đấu giá thị trấn Buford tại Buford Trading Post. Ông Phạm Đình Nguyên, doanh nhân Việt Nam đã mua thị trấn này với giá 900.000 USD. Trong phiên đấu giá, số tiền để mua thị trấn đã tăng từ giá khởi điểm 100.000 USD lên 900.000 USD chỉ trong 15 phút. Buford là một thị trấn nhỏ, có diện tích khoảng 4 héc ta, gồm một trường học, một trạm xăng, một tháp phát sóng thông tin di động, vài căn nhà, một tiệm tạp hóa và khoảng 1.000-2.000 lượt người ghé qua mỗi ngày. Buford có mã số bưu điện độc lập và ở độ cao 2.438m so với mực nước biển, nằm trên đường nối từ thành phố New York đến vịnh San Francisco, nằm giữa Cheyenne, thủ phủ của bang Wyoming và thành phố Laramie. Sau thương vụ mua thị trấn được báo chí đăng tải, trong mắt dư luận, ông Nguyên được nhìn nhận là một người rất giàu có. Bản thân ông cũng là một doanh nhân có nhiều kinh nghiệm. Ông đã từng làm ở những tập đoàn có tên tuổi như Coca-Cola Việt Nam, Nokia Việt Nam, Tập đoàn Kinh Đô, Công ty cổ phần Hàng gia dụng quốc tế với các vị trí quan trọng. Hiện tại, ông đang là Tổng Giám đốc Công ty Dịch vụ phân phối tổng hợp quốc tế (IDS).

Dẫu vậy, lúc bấy giờ, phần đông dư luận băn khoăn không biết ông Nguyên sẽ làm gì ở một thị trấn hẻo lánh như Buford. Đáp lại tất cả những thắc mắc này, ông Nguyên tiết lộ rằng sẽ dùng Buford như là một bàn đạp tinh thần để giới thiệu các thương hiệu từ Việt Nam. Và trong lúc đi tìm một sản phẩm "quốc hồn quốc túy" của quê hương nhằm chen chân vào thị trường Mỹ, đồng thời lập kế hoạch cho Buford, ông nghĩ đến cà phê với phong cách uống phin đặc trưng của người Việt. Là nước xuất khẩu cà phê thứ hai trên thế giới nhưng vị thế của các thương hiệu cà phê Việt Nam thành phẩm còn rất khiêm tốn trong tâm trí nhiều người đam mê món quà tặng từ tự nhiên này. Ông tin rằng đây chính là cơ hội không thể bỏ lỡ cho Phin Deli trên con đường thiên lý của Bắc Mỹ. Dự kiến đầu tháng 9, ngay khi công bố đổi tên thị trấn Buford thành Phin Deli, Phạm Đình Nguyên sẽ khai trương quán cà phê phin có diện tích 200m2 tại thị trấn. Doanh nhân này giải thích, tên mới của thị trấn có nghĩa là "phin coffee delicious" - cà phê phin rất ngon! Ông Nguyên cũng đã bổ nhiệm ông Don Sammons, chủ cũ của thị trấn làm "đồng Thị trưởng", trực tiếp điều hành thị trấn.

Như vậy, trong tháng tới, bang Wyoming sẽ có điểm dừng chân mới với cà phê phin siêu sạch của Việt Nam miễn phí cho cộng đồng kiều bào, người Mỹ và bạn bè quốc tế khi ghé qua. Thị trưởng Buford thừa nhận, ông muốn địa danh có lịch sử 147 năm này làm "gia vị" cho câu chuyện về con đường tiến vào thị trường Mỹ của thương hiệu Việt. Ông chia sẻ: "Tôi kỳ vọng rằng sự xuất hiện của cà phê phin đúng gu và đậm đà hương vị Việt Nam tại thị trấn Phin Deli là thông điệp khẳng định vị thế cà phê Việt trên bản đồ thế giới".

Kim Phượng