Người làm công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật Đảng cần phải đức sáng, tâm trong
Xã hội - Ngày đăng : 05:51, 11/08/2013
Từ năm 2008 đến nay, Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Thành ủy đã thực hiện những nhiệm vụ này khá chủ động, tham mưu giúp Thành ủy tiến hành nhiều cuộc kiểm tra, giám sát chuyên đề đối với 222 tổ chức Đảng là cấp ủy trực thuộc và cấp ủy của Đảng bộ cơ sở trong thực hiện triển khai các nghị quyết của Trung ương và thành phố, góp phần quan trọng vào công tác xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn Thủ đô. Hướng tới kỷ niệm 65 năm truyền thống ngành Kiểm tra Đảng (1948-2013), Chủ nhiệm UBKT Thành ủy Hà Nội Trần Trọng Dực đã có cuộc trao đổi về vấn đề này.
Ngăn chặn thất thoát đất đai, tài sản
- Trong công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật Đảng, chắc chắn có những vụ việc nổi trội mà ông khó quên?
- Vâng! Cũng có vài vụ việc cụ thể. Khoảng năm 2009-2010, rất nhiều DN đổ về Hà Nội để lập dự án theo hình thức hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao). Việc thành phố mở rộng đầu tư theo hình thức hợp đồng BT là nhằm thu hút các nhà đầu tư có tiềm lực về vốn, vật tư, nhân lực, công nghệ và kinh nghiệm để giúp cho sự phát triển của Hà Nội. Tuy nhiên, việc các DN về Hà Nội lập dự án theo hình thức hợp đồng BT đang có một số vấn đề đặt ra. Khi chúng tôi nghiên cứu thì thấy nhà đầu tư vừa lập, vừa thẩm định, vừa phê duyệt, vừa triển khai thi công, vừa giám sát, vừa nghiệm thu, vừa quyết toán công trình theo chu kỳ khép kín, nên nhà đầu tư lợi dụng cơ chế, chính sách đó nâng giá thành của dự án. Đồng thời, khi được nhận dự án đối ứng về đất, họ muốn tăng diện tích đất đối ứng lên, còn định giá đất họ muốn hạ đến giá tối thiểu theo nghị quyết của HĐND TP ban hành. Nếu để tình trạng này xảy ra thì thất thoát về đất đai, tài sản rất lớn.
Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội Trần Trọng Dực. |
- Vậy UBKT Thành ủy đã làm gì để ngăn chặn thất thoát xảy ra?
- Từ dư luận của cán bộ, nhân dân và qua khảo sát tình hình thực tế, chúng tôi quyết định tham mưu với Thành ủy tiến hành kiểm tra về thực hành tiết kiệm chống lãng phí trong đầu tư một số dự án trọng điểm và việc chấp thuận phê duyệt các dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BT.
- Ông có thể nói cụ thể một dự án mà UBKT đã kiểm tra?
- Chẳng hạn như dự án đường Lê Văn Lương do một tập đoàn kinh tế lớn làm chủ đầu tư. Đây là một dự án BT, tổng mức đầu tư 667 tỷ đồng. Cuộc kiểm tra này do đồng chí Phó Bí thư Thành ủy làm Trưởng đoàn, tôi làm Phó trưởng đoàn. Trong quá trình kiểm tra, chúng tôi phát hiện nhà đầu tư đã không tuân thủ các quy định của Nhà nước. Họ đã nâng khống khối lượng và nâng giá thành vật tư, vật liệu đưa vào thi công để quyết toán với thành phố. Trong kết luận kiểm tra, chúng tôi đề nghị Ban Thường vụ (BTV) Thành ủy chỉ đạo UBND TP giảm trừ quyết toán 46 tỷ đồng.
- Đó là con số sai phạm không nhỏ đối với một dự án?
- Đúng vậy, số tiền này có thể xây dựng được 3 trường học khang trang, hiện đại, giải quyết nơi học hành, vui chơi cho học sinh.
- Nhưng không thể một mình nhà đầu tư làm trót lọt hết các công đoạn sai phạm?
- Khi chúng tôi kiểm tra trình tự, thủ tục, chấp thuận phê duyệt các dự án đầu tư theo hình thức BT thì phát hiện một số sở, ngành của thành phố không tuân thủ các quy định của pháp luật mà chủ yếu chạy theo đề xuất của nhà đầu tư nên đề xuất với UBND TP chấp thuận phê duyệt một số dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BT. Một số sở, ngành là cơ quan tham mưu giúp thành phố nhưng không đưa ra được các danh mục đầu tư theo hình thức hợp đồng BT để công bố công khai trên báo chí, trên mạng thông tin giúp các DN vào lập dự án để có sự cạnh tranh. ngược lại, họ chỉ “đi ngầm” với nhau, không tuân thủ các quy định của Chính phủ và hướng dẫn của các bộ, ngành.
- Kết quả kiểm tra vụ việc này nói riêng và các vụ việc khác nói chung ra sao, thưa ông?
- Kết thúc cuộc kiểm tra, BTV Thành ủy đã chỉ đạo kiểm điểm nghiêm khắc đối với một số đồng chí lãnh đạo của các sở, ngành này. Sau khi có kết luận kiểm tra, BTV Thành ủy yêu cầu Ban cán sự đảng UBND TP phải rà soát lại tất cả các dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BT trên địa bàn Hà Nội để báo cáo BTV. Kết quả, Ban cán sự Đảng UBND TP đã rà soát 152 dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BT, đối chiếu với nghị định và quy định của Chính phủ thì có tới 71 dự án không đúng, nên phải loại ra. Trong 81 dự án, có 4 dự án đã hoàn thành đang làm công tác quyết toán và đưa vào khai thác sử dụng, 11 dự án BTV Thành ủy quyết định phải giãn tiến độ đến ngoài năm 2020 mới được tổ chức triển khai, còn lại 65 dự án cho tiếp tục triển khai. Đáng lưu ý, có 19 dự án là ao hồ không nằm trong danh mục được đầu tư theo hình thức hợp đồng BT nhưng các sở, ngành của thành phố vẫn đưa vào danh mục đầu tư BT, đã bị BTV Thành ủy loại ra. Ngay trong 152 dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BT mà các nhà đầu tư đề xuất với diện tích đất đối ứng là 24.000ha, sau khi BTV Thành ủy rà soát lại và loại 71 dự án, tính toán lại quỹ đất đối ứng cho từng dự án thì diện tích đất đối ứng chỉ còn 2.400 ha, có nghĩa là giảm đến 10 lần.
- Thái độ của các cá nhân, đơn vị được kiểm tra thế nào, họ có hợp tác với UBKT không, thưa ông?
- Đối với các đối tượng được kiểm tra, chắc chắn họ không muốn, họ không đồng tình, họ phản đối. Nhưng đối với lãnh đạo Thành ủy thì các đồng chí rất ủng hộ, rất quyết liệt chỉ đạo vì thông qua đó giúp lãnh đạo thành phố quản lý tốt các dự án đầu tư, phục vụ đầu tư phát triển thành phố.
- Phải có cán bộ chuyên sâu, giỏi về vấn đề này mới kiểm tra, giám sát được?
- UBKT Thành ủy đã đào tạo được đội ngũ cán bộ đáp ứng trên các lĩnh vực, có nghiệp vụ chuyên sâu về xây dựng, đầu tư, đất đai, tài chính, công tác xây dựng Đảng, nên cuộc kiểm tra nào, cơ quan kiểm tra chúng tôi cũng đủ lực lượng và đủ khả năng hoàn thành tốt nhiệm vụ, không cần phải trưng tập cán bộ các ngành khác.
Đặt mình là người trong cuộc để giải quyết công việc
- Có trường hợp nào sau khi UBKT vào cuộc mà dư luận vẫn chưa “êm”?
- Năm 2007, tôi chủ trì hội nghị để giải quyết tố cáo ở Đảng ủy Trường ĐH Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội. khi phát biểu ý kiến, một số đồng chí ủy viên UBKT nói rằng, chắc chắn sau khi UBKT Thành ủy kết luận xong thì lại tiếp tục có đơn thư, chưa chấm dứt được đơn thư tố cáo, khiếu nại ở đây. Quả đúng như vậy, 2 tuần sau lại tiếp tục có đơn thư. Vì thế, không có cách nào khác là phải khảo sát toàn diện hoạt động của Đảng bộ trường ĐH có gần 1.000 sinh viên này. Kết quả thẩm tra, xác minh cho thấy: Đảng ủy nhà trường trong quá trình hoạt động vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ dẫn đến Đảng ủy và Ban Giám hiệu mất đoàn kết nội bộ nghiêm trọng, không hoàn thành nhiệm vụ chính trị, đồng thời thiếu quan tâm đến công tác xây dựng Đảng. Có đến 2 đảng viên dự bị là sinh viên của trường (một đồng chí được kết nạp từ năm 2001, một đồng chí từ năm 2004) nhưng đến tháng 12-2007 vẫn chưa được chuyển Đảng chính thức. Có 7 quần chúng ưu tú làm hồ sơ đề nghị kết nạp đảng mà cả nhiệm kỳ không kết nạp được đảng viên nào…
- Cách thức xử lý trường hợp này thế nào, tình hình sau đó có ổn không, thưa ông?
- Kết luận kiểm tra dấu hiệu vi phạm kể trên được BTV Thành ủy chấp nhận, sau đó ra quyết định kỷ luật cảnh cáo đối với tập thể Đảng ủy nhà trường. Và theo phân cấp, UBKT Thành ủy quyết định kỷ luật cảnh cáo đối với đồng chí Bí thư, khiển trách đồng chí quyền Hiệu trưởng và Phó hiệu trưởng là cấp ủy viên. Không dừng lại ở việc xem xét xử lý kỷ luật tổ chức đảng và đảng viên, muốn ổn định nhà trường thì phải kiện toàn nhân sự Đảng ủy và Ban Giám hiệu. Vì vậy, chúng tôi báo cáo BTV Thành ủy phối hợp với Ban cán sự Đảng Bộ GD-ĐT chỉ đạo tổ chức Đại hội bất thường đối với đảng bộ này, bầu ra cấp ủy mới để ổn định tình hình. Đồng chí Bí thư và 2 đồng chí Phó hiệu trưởng đang bị kỷ luật không được tham gia cấp ủy. Với nhân sự đảng ủy và Ban Giám hiệu mới được thành lập, nhà trường đi vào hoạt động ổn định, năm 2007-2008 là Đảng bộ yếu kém thì năm 2009-2010 vươn lên là Đảng bộ hoàn thành nhiệm vụ, đến 2010-2011 là Đảng bộ trong sạch vững mạnh.
- Nguyên tắc làm việc của các cán bộ UBKT thế nào để đưa ra các kết luận chính xác, khách quan?
- Khi xem xét giải quyết khiếu nại, kỷ luật của đảng viên thì bản thân cơ quan là cấp ủy hay UBKT phải nghiên cứu thật kỹ đơn, phải nghiên cứu thật kỹ từng tình tiết mà đảng viên khiếu nại để từ đó xem xét một cách rất thận trọng, khách quan, để quyết định là giữ nguyên, nâng mức, hạ mức hay xóa kỷ luật. Tránh tư tưởng xác minh qua loa, chiếu lệ, dựa vào kết quả xử lý của tổ chức đảng trước đó để làm căn cứ giải quyết khiếu nại, ảnh hưởng đến quyền lợi của đảng viên. Như vậy, sẽ không bảo đảm dân chủ trong Đảng và không bảo đảm quyền lợi của đảng viên. Đặc biệt, khi giải quyết khiếu nại kỷ luật Đảng, mình phải đức sáng, tâm trong, đặt mình vào điều kiện của người khiếu nại để giải quyết, phải chấp nhận lao vào khó khăn để bảo đảm công minh - chính xác.
Giữ vững kỷ cương, kỷ luật của Đảng
- Việc triển khai thực hiện Nghị quyết TƯ 4 “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” của Hà Nội được tiến hành ra sao?
- Chúng tôi đã phối hợp chặt chẽ với các ban Đảng của Thành ủy xây dựng hướng dẫn để thực hiện Nghị quyết TƯ 4, đồng thời tham gia tổng hợp ý kiến góp ý của các tổ chức đảng và các đồng chí nguyên là Thành ủy viên và lãnh đạo thành phố qua các thời kỳ đối với tập thể BTV Thành ủy và các đồng chí ủy viên. Thông qua công tác nắm tình hình và công tác kiểm tra chuyên đề, chúng tôi đã đề xuất với BTV Thành ủy gợi ý kiểm điểm sâu đối với 7 đồng chí là ủy viên BTV Thành ủy; gợi ý kiểm điểm sâu đối với 35 tổ chức Đảng trong đó có 23 tổ chức Đảng là đảng bộ trực thuộc thành phố và 12 đảng bộ các sở, ngành. Chúng tôi cũng được BTV rất tin tưởng giao làm trưởng đoàn, phó trưởng đoàn để dự, chỉ đạo kiểm điểm sâu đối với một số đảng bộ được gợi ý kiểm điểm sâu hoặc có dư luận về nhũng nhiễu, tiêu cực trong quá trình thực thi công vụ.
- Ông có thể chia sẻ kết quả bước đầu của công tác này?
- Khi được BTV Thành ủy giao, chúng tôi làm hết sức nghiêm túc. Đảng bộ đó phải báo cáo kiểm điểm, phải nhận rõ được khuyết điểm của mình, tìm ra được nguyên nhân và xác định được trách nhiệm của tập thể, cá nhân thì mới cho tổ chức kiểm điểm. Còn nếu làm không nghiêm túc thì phải làm lại. Sự nghiêm túc đó đã góp phần rất quan trọng vào thành công bước đầu trong thực hiện Nghị quyết TƯ 4 của Đảng bộ thành phố.
- Thời gian tới, công tác kiểm tra, giám sát Đảng của Hà Nội sẽ tập trung vào nội dung gì, thưa ông?
- Chúng tôi tiếp tục tham mưu cho Thành ủy tiến hành kiểm tra, giám sát đối với các đảng bộ được gợi ý kiểm điểm sâu về việc khắc phục những tồn tại hạn chế, khuyết điểm đã được chỉ ra trong đợt kiểm điểm Nghị quyết TƯ 4. Chúng tôi cũng sẽ tiến hành kiểm tra, giám sát chuyên đề để giúp các tổ chức đảng và các đảng viên khắc phục tồn tại khuyết điểm, phấn đấu vươn lên góp phần phòng ngừa sai phạm, đồng thời cũng tiến hành kiểm tra dấu hiệu vi phạm đối với tổ chức Đảng và đảng viên thuộc diện BTV Thành ủy quản lý. Những tổ chức Đảng và đảng viên vi phạm đến mức phải kỷ luật thì chúng tôi đề xuất và theo thẩm quyền của mình sẽ kỷ luật một cách nghiêm khắc để giữ vững kỷ cương, kỷ luật của Đảng. Lĩnh vực mà chúng tôi quan tâm là công tác cán bộ, cải cách hành chính, quản lý đất đai, đầu tư xây dựng, mua sắm tài sản công!...
- Cảm ơn ông về những nội dung trao đổi!