Tăng kinh phí, ràng buộc trách nhiệm

Chính trị - Ngày đăng : 07:13, 10/08/2013

(HNM) - Nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn về giai cấp công nhân và hoạt động công đoàn là một trong những nhiệm vụ quan trọng của các cấp CĐ thực hiện Nghị quyết TƯ 6 khóa X của Đảng...

Đại hội CĐ XI vừa qua tiếp tục xác định nghiên cứu khoa học (NCKH) trong hệ thống CĐ nhằm giải đáp những vấn đề của thực tiễn về xu hướng phát triển của GCCN, hoạt động CĐ trong nền kinh tế thị trường và các loại hình DN…

Cần có sự đầu tư cho nghiên cứu khoa học về giai cấp công nhân. Ảnh: Lê Tuấn



Bỏ phí nhiều tiềm năng NCKH

5 năm qua, công tác NCKH trong hệ thống CĐ đạt được kết quả bước đầu. Các cấp CĐ, viện nghiên cứu, các trường trong hệ thống CĐ đã thực hiện, tham gia thực hiện 12 đề tài, dự án cấp nhà nước, 38 đề tài cấp bộ, 300 đề tài cấp cơ sở, biên soạn nhiều đầu sách. Trong số đó, nhiều đề tài có giá trị khoa học cao, có tầm vĩ mô về lâu dài, giúp Tổng Liên đoàn bổ sung lý luận từ thực tiễn để tham gia xây dựng chính sách pháp luật, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ và xây dựng Dự thảo Chiến lược xây dựng GCCN đến năm 2020.

Có thể kể đến một số đề tài cấp nhà nước như "Xây dựng GCCN Việt Nam giai đoạn 2011-2020", "Nghiên cứu mối quan hệ ba bên giữa Nhà nước, người sử dụng lao động với NLĐ trong điều kiện kinh tế thị trường"; "Mô hình tổ chức và hoạt động CĐ trong tập đoàn kinh tế ở Việt Nam hiện nay". Đây là những đề tài do các giáo sư, tiến sĩ đầu ngành và nhóm chuyên gia Viện Công nhân CĐ nghiên cứu. Trong đó có kết quả khảo sát tình hình công nhân, lao động và hoạt động CĐ trong các DN, nghiên cứu sâu các vấn đề liên quan đến quan hệ lao động trong DN và trong xã hội, thực trạng tổ chức và hoạt động CĐ trong tập đoàn kinh tế, giải pháp giải quyết các vấn đề đặt ra về công tác tổ chức, hoạt động của phong trào công nhân, CĐ.

CĐ các địa phương và CĐ ngành cả nước đã tổ chức nghiên cứu 24 đề tài, đề án NCKH về các vấn đề: Phát triển đoàn viên, xây dựng CĐCS; giải quyết việc làm, đời sống, nhà ở và quan hệ lao động trong DN; tư vấn pháp luật cho công nhân; các biện pháp giải quyết tranh chấp lao động và đình công; tổng kết lịch sử phong trào công nhân CĐ…

Tuy nhiên, Tiến sĩ Lê Thanh Hà, Phó Viện trưởng Viện Công nhân - CĐ cho biết, các hoạt động NCKH trong hệ thống CĐ còn chắp vá, chưa đồng bộ, chưa thống nhất từ TƯ đến cơ sở, mới chỉ được quan tâm thực hiện ở một số ban, đơn vị trực thuộc Tổng Liên đoàn và số ít CĐ ngành, LĐLĐ địa phương. Nguyên nhân do nhiều cán bộ CĐ cho rằng, đây là việc của các viện nghiên cứu lý luận. Theo Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Thái Bình Mai Anh, do không có định hướng cụ thể và cơ chế phù hợp cho công tác này nên đã bỏ phí nhiều tiềm năng về NCKH trong cán bộ CĐ. Ông Vương Văn Bằng, LĐLĐ tỉnh Yên Bái phàn nàn, đội ngũ cán bộ CĐ đủ khả năng làm NCKH về CĐ còn ít do họ chủ yếu kiêm nhiệm, chưa có kiến thức chuyên sâu về CĐ. Hiệu trưởng Trường Trung cấp CĐ Hà Nội Trần Huy Vị cho biết, vừa qua trường có bước đột phá về công tác đào tạo cán bộ CĐ, đó là đa dạng phương thức dạy và học, nâng cao chất lượng đào tạo từ chất lượng giáo viên, giúp cán bộ CĐ có chuyên môn nghiệp vụ sâu về CĐ, có thể tham gia NCKH CĐ. Song Hiệu trưởng Trần Huy Vị cũng nêu một số khó khăn về sự biến động đội ngũ cán bộ CĐ, sau mỗi kỳ đại hội, cán bộ CĐCS thay mới tới 60%; thời gian, địa điểm tổ chức lớp học; thiết bị, công cụ dạy học…

Đổi mới cơ chế để tăng hiệu quả

Tiến sĩ Hoàng Ngọc Thanh, nguyên Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết, trong số 31 đề tài, đề án khoa học đã và đang được triển khai nghiên cứu với tổng kinh phí hơn 8,8 tỷ đồng, chủ yếu là nguồn từ sự nghiệp khoa học của Nhà nước cấp (6,9 tỷ đồng), thông qua tuyển chọn các đề tài độc lập cấp nhà nước và kinh phí sự nghiệp khoa học từ các Sở Khoa học - Công nghệ các tỉnh, thành phố cấp; ngân sách CĐ chỉ có 1,9 tỷ đồng (chiếm 21%). Trong khi đó, 80% đề tài do CĐ chủ trì, nên kinh phí hạn hẹp gây khó khăn cho NCKH.

Tiến sĩ Lê Thanh Hà, Phó Viện trưởng Viện Công nhân - CĐ phân tích, cán bộ NCKH tối thiểu phải đóng góp 10% khối lượng công việc cho việc này. Thông thường một đề tài có thời gian thực hiện là 24 tháng, nhưng chỉ một số ít cán bộ có trình độ thuộc các cơ quan chuyên trách được phân công thực hiện đề tài có điều kiện dành nhiều thời gian công tác cho NCKH, còn những cán bộ thông thường chỉ dành được 50% thời gian theo yêu cầu, vì họ còn phải lo việc chuyên môn. Nhiều chuyên gia, lãnh đạo CĐ các tỉnh, thành phố, CĐ ngành cho rằng cần tăng cơ chế ràng buộc trách nhiệm, có chính sách cụ thể, tăng kinh phí, đồng thời kiến nghị các giải pháp nâng cao chất lượng công tác này.

Linh Nhi