Hà Nội căng sức chống úng

Đời sống - Ngày đăng : 07:07, 10/08/2013

(HNM) - Hai ngày qua, hoàn lưu bão số 6 đã trút mưa lớn xuống Hà Nội và khắp các tỉnh Bắc bộ. Lượng mưa dồn dập trong ngày 8-8 và rạng sáng 9-8 đã gây ngập úng nhiều quận, huyện trên địa bàn thành phố.

Ở nội thành, nhiều khu phố đã bị ngập, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc đi lại của nhân dân. Còn ngoại thành, do áp lực nước lớn, đê sông Nhuệ, sông Bùi và hệ thống kênh tiêu nhiều đoạn bị đe dọa, tràn bờ. Tại các địa phương, lực lượng vũ trang, công nhân đơn vị thủy lợi và nhân dân đã nỗ lực hết sức để tiêu úng vùng trũng; gia cố đê điều....

Hàng trăm chiến sĩ (Bộ Tư lệnh Thủ đô) được huy động đến ứng cứu đoạn đê xung yếu trên địa phận huyện Từ Liêm. Ảnh: Quang Phong


Nỗ lực bảo vệ đê

Điểm "nóng" nhất trong ngày 9-8 là trên hệ thống sông Nhuệ. Ngay từ sáng sớm, mực nước ở con sông có vai trò là kênh tiêu thoát chính cho toàn bộ lưu vực phía tây thành phố đã lên trên báo động II, nhiều đoạn bị tràn bờ, trong đó điểm Cầu Ngà, trên sông Cầu Ngà qua đường 70 ở tình trạng đe dọa vỡ đê. Theo ghi nhận của PV tại hiện trường, toàn bộ dải đê gần khu vực Cầu Ngà đã bị tràn, lở khoảng 50-60m. Trước tình hình này, lực lượng bộ đội, dân quân và nhân dân xã Tây Mỗ, Xuân Phương đã sử dụng cọc tre, rọ thép, bao tải cát để gia cố. Đến gần trưa, mực nước vẫn dâng cao, Cầu Ngà đã không chịu được sức nước, bục vỡ, gây nguy hiểm. Lực lượng CSGT, Thanh tra GTVT đã phải cấm đường, cùng với đó, lực lượng hộ đê phải đắp chặn hai đầu không để nước chảy vào khu dân cư. Ngoài khu vực Cầu Ngà, trên hệ thống sông Nhuệ đã bị tràn, vỡ nhỏ tại các điểm khác như: Kênh liên tỉnh cống Đồng Tép (Tây Mỗ), tràn toàn bộ tuyến đê từ Cầu Sắt tới Cầu Ngà (Tây Mỗ) 500m, tràn và vỡ lở nhỏ trên sông Pheo (Tây Tựu). Ông Lê Văn Thư - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Từ Liêm cho biết, để khắc phục sự cố, huyện Từ Liêm đã huy động lực lượng bộ đội, công an, dân quân địa phương cùng nhân dân tham gia đắp đê, ứng phó sự cố, bảo đảm an toàn. Theo Thượng tá Nguyễn Hữu Linh - Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Ban Chỉ huy quân sự huyện Từ Liêm, từ 3h ngày 9-8, Ban Chỉ huy quân sự huyện đã huy động 150 chiến sĩ của Tiểu đoàn thiết giáp 47, 20 cán bộ thuộc Ban Chỉ huy quân sự huyện, 30 chiến sĩ thuộc K83, chiến sĩ thuộc C1 vận tải cùng lực lượng các ban, ngành, dân quân, tự vệ trên địa bàn xã Xuân Phương và Tây Mỗ ứng cứu sự cố. Thượng tá Nguyễn Hữu Linh cho biết, đến khoảng 10h ngày 9-8, cơ bản các điểm tràn, vỡ đã được gia cố xong bằng cọc và bao tải cát. Trước tình hình mưa lũ diễn biến phức tạp, Ban chỉ huy PCLB huyện Từ Liêm vẫn duy trì 130 dân quân, tự vệ chốt trực tại những điểm xung yếu.

Tại huyện Chương Mỹ, nước sông Bùi lên trên báo động II cũng đã đe dọa đến hệ thống đê Bùi dài khoảng 15km. Sáng 9-8, phía đê hữu Bùi, nhiều đoạn nước đã mấp mé mặt đê. Ở xã Tốt Động, Hoàng Văn Thụ, nhiều đoạn nước tràn qua đê vào nội đồng. Trước tình hình này, các xã đã huy động khoảng 200 người dùng bao tải cát để đắp chống tràn. Ông Bùi Văn Dũng - Phó Chủ tịch UBND xã Tốt Động cho biết, công việc được triển khai khẩn trương từ 5h sáng và đến khoảng 11h cùng ngày thì cơ bản hoàn thành. "Đáng tiếc nhất là đê bối sông Bùi ở cánh đồng Bạt, xã Tốt Động đã bị vỡ, hơn 12ha lúa ngoài đê Bùi không cứu được" - ông Dũng cho hay. Theo lãnh đạo huyện Chương Mỹ, các xã dọc sông Bùi đã huy động lực lượng canh gác đê 24/24 giờ để bảo đảm xử lý kịp thời tình huống khẩn cấp, tránh thiệt hại. Ngoài các sự cố nêu trên, theo Ban Chỉ huy PCLB thành phố, trên hệ thống đê Hà Nội cũng đã xuất hiện các sự cố nhỏ như trên bờ hữu Nhuệ qua xã Thụy Phương (Từ Liêm) xuất hiện cung lún sâu 30cm, rộng 10m và đoạn K1+900 sạt lún 10m… Cống tiêu Trạm bơm Văn Trai (Phú Xuyên) bị sạt mang cống; nổ cầu chì trạm biến áp Trạm bơm Khai Thái…

Cố gắng bơm tiêu cứu lúa

Tối 9-8, hầu khắp các huyện ngoại thành Hà Nội vẫn còn bị ngập nhiều nơi. Theo Chi cục Thủy lợi Hà Nội, hiện vẫn còn hơn 19.000ha lúa, hoa màu bị ngập sâu, trong đó huyện Thanh Oai có diện tích lớn nhất (4.385ha), tiếp đến là Ứng Hòa (2.773ha), Sóc Sơn (1.671ha), Phú Xuyên (1.565ha), Thường Tín (1.551ha), Chương Mỹ (1.482ha), Mỹ Đức (786ha), Hoài Đức (717ha)... Trong ngày 9-8, các đơn vị thủy lợi đã vận hành 235 trạm bơm, 1.163 máy bơm, với tổng lưu lượng 2,8 triệu mét khối/giờ để cứu lúa, hoa màu. Tại Đông Anh, Công ty Thủy lợi Hà Nội đã vận hành tối đa 9 trạm bơm tiêu, khẩn trương tiêu úng cho khoảng 1.000ha, trong đó có 600ha bị ngập sâu. Đại diện Công ty Thủy lợi Hà Nội cho biết, nếu trời không còn mưa, đến chiều nay (10-8), diện tích bị ngập úng cơ bản sẽ được tiêu nước. Cũng trong ngày 9-8, các thành viên Ban Chỉ huy PCLB thành phố Hà Nội đã đi kiểm tra công tác chống úng, cứu hộ đê ở các địa phương. Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Xuân Việt đã có mặt tại các điểm xung yếu nhất ở huyện Từ Liêm, Thanh Oai, Chương Mỹ, Quốc Oai và Đông Anh để trực tiếp chỉ đạo công tác cứu hộ đê và chống úng. Phó Chủ tịch UBND thành phố đã yêu cầu các địa phương và đơn vị thủy lợi trực 24/24giờ, xử lý kịp thời các tình huống phát sinh.

Do nước sông Nhuệ tiếp tục lên cao, đe dọa đến hệ thống đê, vào hồi 14h ngày 9-8, Ban Chỉ huy PCLB TP Hà Nội đã quyết định mở đập Thanh Liệt, đưa nước vào sông Tô Lịch, rồi bơm qua trạm bơm Yên Sở ra sông Hồng. Trước lo ngại về việc có thể nước chảy ngược vào nội thành, gây ngập úng, Chánh văn phòng Ban Chỉ huy PCLB Hà Nội Đỗ Đức Thịnh cho biết, chỉ mở 20% đập Thanh Liệt; hơn nữa, lượng nước đưa từ sông Nhuệ vào sông Tô Lịch đã được tính toán và điều tiết, vì vậy, không có khả năng gây ngập cho nội thành. Đến chiều tối 9-8, mực nước sông Nhuệ tại Hà Đông đang xuống chậm và ở mức khoảng 5,7m.

Hiện mực nước trên các sông Cà Lồ, sông Nhuệ, sông Đáy, sông Tích, sông Bùi vẫn dao động từ báo động I đến báo động II, Ban Chỉ huy PCLB thành phố yêu cầu các địa phương theo dõi sát tình hình, chủ động xử lý các tình huống xảy ra. Ông Lê Thanh Hải - Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV trung ương cho biết, khu vực Hà Nội chỉ còn mưa rào vào đêm 9-8, đến sáng 10-8, dự báo không mưa, trời có thể hửng nắng. Do đó, chắc chắn không tái diễn cảnh ngập lụt như năm 2008.

(HNM) - Đến sáng 9-8, nhiều tuyến đường trên địa bàn thành phố vẫn bị ngập sau những đợt mưa từ nửa đêm đến sáng sớm. Theo Công ty TNHH một thành viên Thoát nước Hà Nội, tổng lượng mưa đo được đến 6h ngày 9-8 tại Vân Hồ là 253mm, Hồ Tây 290mm, Long Biên 297mm. Riêng lượng mưa từ 0h30 đến 6h ngày 9-8 đo được tại Vân Hồ là 60mm, Hồ Tây 73mm, Long Biên 62mm… Do các hồ điều hòa đầy nước và mực nước trên hệ thống vẫn cao sau đợt mưa ngày 8-8 nên các điểm úng ngập tại Phạm Hùng, Thái Hà, Thái Thịnh, Quan Nhân, Vũ Trọng Phụng… nước chậm tiêu thoát.

* Chiều 9-8, Thanh tra Sở GTVT Hà Nội cho biết, do ảnh hưởng của cơn bão số 6, nhiều khu vực trên địa bàn Thủ đô vẫn đang bị úng ngập cục bộ với độ sâu 0,5-0,8m. Nhằm bảo đảm an toàn cho người và phương tiện, lực lượng Thanh tra đã huy động lực lượng bố trí chốt trực, phân luồng giao thông, kịp thời khắc phục các sự cố. Đặc biệt, tại khu Bệnh viện 103, Cầu Ngà, Thanh tra Sở đã phải huy động xe cứu hộ để giúp dân di chuyển qua vùng úng ngập.

Gia Khánh - Tuấn Lương

Chí Kiên