Khủng hoảng chính trị tại Cộng hòa Séc: Chưa đến hồi kết

Thế giới - Ngày đăng : 06:53, 10/08/2013

(HNM) - Đúng với dự đoán của các nhà phân tích, nội các mới do Tổng thống Séc Milos Zeman chỉ định cách đây tròn 1 tháng đã thất bại...

Thất bại trong bỏ phiếu tín nhiệm đồng nghĩa với việc Thủ tướng Jiri Rusnok sẽ phải từ chức dù mới được bổ nhiệm có vài tuần. Tuy nhiên, người đứng đầu nội các được Tổng thống M.Zeman chỉ định sẽ tiếp tục điều hành chính phủ cho tới khi nội các mới được thành lập hoặc bầu cử trước thời hạn được tổ chức.

Nội các của Thủ tướng J.Rusnok đã thất bại trong cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tối 7-8.



Nguyên nhân khiến nội các mới của Séc phải nhận thất bại bẽ bàng trong cuộc bỏ phiếu là những bất đồng bùng phát ngay từ khi Tổng thống M. Zeman thành lập bộ máy chính phủ mới nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng chính trị liên quan đến vụ bê bối tham nhũng và gián điệp dẫn tới sự ra đi của cựu Thủ tướng Petr Necas hồi đầu tháng 6 vừa qua.

Với thành phần nội các đa số là các đồng minh chính trị, Tổng thống M.Zeman đã vấp phải phản ứng giận dữ từ đảng TOP09 trong liên minh cầm quyền khi cho rằng, Tổng thống đương nhiệm đã lạm quyền. Trên thực tế, cơn thịnh nộ tập trung chủ yếu nhằm vào vị trí Thủ tướng dành cho ông J.Rusnok. Trong khi đó, TOP09 cho rằng Chủ tịch Quốc hội Miroslava Nemcova mới là lựa chọn xứng đáng cho vị trí đứng đầu Chính phủ.

Là một trong 7 quốc gia có tỷ lệ nợ công thấp nhất Khu vực đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone) với mức 39,8% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), tức là chỉ bằng một nửa so với mức nợ công trung bình của các nước Liên minh Châu Âu (EU), thế nhưng, thâm hụt ngân sách của Séc đang có chiều hướng gia tăng. Giống như phần lớn các nước thành viên EU khác, ngoài những khó khăn kinh tế, người dân Séc đang phải đối mặt với khủng hoảng niềm tin. Mối lo ngại ngày càng gia tăng khi Séc rơi vào tình trạng suy thoái được coi là dài nhất và tồi tệ nhất trong vòng 2 thập kỷ qua. Năm ngoái, GDP nước này đã giảm 1,2% so với mức tăng trưởng 1,9% của năm 2011. Quý đầu năm nay, GDP của nước này tiếp tục giảm 0,8%. Nhiều nhà tài chính đã cảnh báo, suy thoái kinh tế Séc vẫn chưa chạm đáy nên tình hình sẽ còn trầm trọng hơn. Do đó, bất ổn chính trị có nguy cơ làm tê liệt những chính sách cải cách đang triển khai; đồng thời khiến các nhà đầu tư xa lánh dẫn đến yếu kém về kinh tế thêm trầm trọng.

Hiện tại, bất ổn trên chính trường tạm thời chưa ảnh hưởng nặng nề tới thị trường tài chính Séc, lâu nay vẫn tự hào là quốc gia có chi phí đi vay thấp nhất trong các nước láng giềng Trung Âu. Nhưng, bế tắc chính trị đang diễn ra sẽ khiến lộ trình xây dựng kế hoạch ngân sách năm 2014 bị đình trệ, trong khi quốc gia vốn được coi là "trái tim Châu Âu" này cần một chính phủ ổn định để triển khai những chính sách ưu tiên thúc đẩy kinh tế tăng trưởng sau 2 năm liên tiếp rơi vào suy thoái.

Theo nguồn tin địa phương ngày 9-8, các đảng phái nước này đang tiến gần tới thỏa thuận giải tán Quốc hội vào ngày 16-8 để tiến hành bầu cử trước thời hạn vào tháng 10 tới. Trong bối cảnh hiện nay, nhiều khả năng đảng Dân chủ Xã hội (SD) trung tả sẽ giành chiến thắng cách biệt tới 2 con số so với đảng về nhì. Sở dĩ SD được dự báo nhận được nhiều ủng hộ của các cử tri là do đảng này cam kết sẽ thay đổi một số chính sách liên quan tới chế độ hưu trí, thuế và ngân hàng đang được liên minh cầm quyền triển khai khiến dư luận bất bình vì ảnh hưởng nặng nề tới chế độ phúc lợi xã hội.

Tuy nhiên, nếu SD không giành được kết quả đa số phiếu để tự đứng ra thành lập chính phủ và phải liên minh với đảng khác, nhiều khả năng cuộc khủng hoảng chính trị tại Séc sẽ lại rơi vào vòng xoáy mới khó dự đoán.

Phương Quỳnh