Hóa chất không rõ nguồn gốc: Khó quản vì chồng chéo

Xã hội - Ngày đăng : 05:44, 09/08/2013

(HNM) - UBND TP Hồ Chí Minh lại một lần nữa chỉ đạo các ngành chức năng siết chặt quản lý đối với các mặt hàng hóa chất, kiên quyết đóng cửa những cơ sở kinh doanh hóa chất không có giấy chứng nhận.

Các quầy bán hóa chất ở chợ Kim Biên.


Hiện nay, sản xuất hóa chất trong nước tập trung chủ yếu ở TP Hồ Chí Minh, Bình Dương và Đồng Nai. Không chỉ là nơi sản xuất, mà TP Hồ Chí Minh còn là nơi bày bán, tiêu thụ hóa chất công nghiệp và phụ gia thực phẩm lớn. Ghi nhận tại chợ Kim Biên (quận 5), khoảng 20 sạp sát nhau, bày bán đủ thứ hóa chất từ hương, nước cốt cà phê, hàn the, chất tạo bọt, tạo dẻo đến chất tạo mùi trong chế biến xà phòng, phẩm màu, chất tẩy rửa, chống mốc, chất làm mềm vải… Quan sát khoảng 30 phút tại quầy Thuận Trí (số 40 Kim Biên), gần 20 khách vào mua các loại hóa chất phụ gia đủ màu sắc và được người bán hàng đong cho khách ngang nhiên giữa chợ. Một người bán hàng gần quầy hóa chất Thuận Trí cho biết, người mua đa số là các chủ cửa hàng bán nước giải khát, thức ăn đường phố... Họ đến mua thường xuyên.

Trước thông tin về việc bún, bánh canh có chất tinopal thời gian qua và cũng chưa có kết quả công bố sản phẩm của cơ sở nào bị nhiễm chất độc hại, ngày 7-8, Ủy ban MTTQ TP Hồ Chí Minh đã phối hợp với Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật thành phố (HUSTA) tổ chức hội nghị chuyên đề về tình hình an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) và những giải pháp. Tại đây, giáo sư Chu Phạm Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch HUSTA khẳng định, chất tinopal chỉ dùng trong sản xuất giấy và bột giặt, rất độc hại khi dùng trong sản xuất thực phẩm. Vấn đề ở đây là vai trò của các cơ quan chức năng trong kiểm soát các cơ sở sản xuất và sản phẩm tung ra thị trường chưa nghiêm. Tuy vậy, trao đổi về sự quản lý, đại diện Sở Công thương TP Hồ Chí Minh phàn nàn, hiện còn có sự chồng chéo quản lý về ATVSTP ở 3 cơ quan gồm: Công thương, Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nên trách nhiệm vẫn mang tính "đa ngành".

Theo giáo sư Chu Phạm Ngọc Sơn, UBND thành phố cần chỉ đạo các cơ quan chức năng đẩy nhanh việc kiểm tra các loại hóa chất không tên, hóa chất có tên nhưng không rõ nguồn gốc; phân loại, dán nhãn chính xác hóa chất; quản lý riêng hóa chất công nghiệp và phụ gia thực phẩm, không để mua bán tự do và lẫn lộn hai loại hóa chất cùng một nơi. Ngoài ra, TP Hồ Chí Minh cũng nên có chương trình điều tra các loại hóa chất đang có trên thị trường, hướng dẫn sử dụng trong sản xuất và đời sống; đồng thời rà soát mức độ tiêu thụ để có thể dự đoán địa chỉ sử dụng. Sở Công thương cần xây dựng và quản lý an toàn thực phẩm theo chuỗi "từ trang trại đến bàn ăn". Nghĩa là từ giai đoạn tạo nguồn nguyên liệu đến giai đoạn chế biến, sử dụng và thải bỏ, góp phần bảo vệ môi trường. Về lâu dài, nhiều chuyên gia cũng đề xuất với UBND TP Hồ Chí Minh nên đầu tư xây dựng một trung tâm kiểm nghiệm độc lập, không làm dịch vụ kiểm nghiệm, chỉ thực hiện các nhiệm vụ do Nhà nước giao. Đó là, đào tạo nhân lực về kiểm nghiệm cho thành phố và khu vực; thường xuyên theo dõi tình hình buôn bán hóa chất trên địa bàn; đánh giá khả năng sử dụng; theo dõi các sản phẩm hàng hóa và thực phẩm lưu hành trên thị trường.

Việt Tuấn