Người nghèo trong “vòng xoáy” tăng giá

Đời sống - Ngày đăng : 05:42, 09/08/2013

(HNM) - Sau hàng loạt động thái tăng giá các mặt hàng thiết yếu như xăng, dầu, điện, nước… giá cả nhiều mặt hàng ở thị trường đang đồng loạt nhích lên. Dù mỗi ngành đều cho rằng mức tăng của ngành mình không đủ để tác động đến giá cả thị trường,

Những ngày qua, giá hầu hết các loại thực phẩm ở các chợ trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đều có xu hướng tăng. Tại các chợ Nguyễn Văn Trỗi, Vườn Chuối (quận 3), Phạm Văn Hai (quận Tân Bình), giá các loại rau tăng từ 2.000 đến 5.000 đồng/kg. Cải ngọt đang có giá khoảng 15.000 đồng/kg, xà lách búp 50.000 đồng, cà chua, khổ qua khoảng 15.000 đồng. Thịt lợn, thịt bò cũng tăng khoảng 5.000 - 10.000 đồng/kg. Thịt lợn đùi giá khoảng 80.000 đồng/kg, ba chỉ rút sườn khoảng 120.000 đồng/kg, sườn non 120.000 đồng/kg, sườn già 110.000 đồng/kg; thịt bò bít tết 250.000 đồng/kg, bò thăn 280.000 - 300.000 đồng/kg… Tăng giá nhiều hơn là các loại thủy, hải sản với mức từ 10.000 đến 20.000 đồng/kg so với trước. Theo tiểu thương ở các chợ này, giá tăng là do thời tiết mưa nhiều và chi phí vận chuyển tăng vì giá xăng dầu tăng.

Bữa ăn đạm bạc của công nhân nghèo khi giá cả tăng cao.



Không tăng mạnh như chợ lẻ nhưng giá cả ở các chợ đầu mối cũng đang nhích lên. Tại chợ đầu mối Bình Điền (quận 8), giá thủy, hải sản cũng tăng 10.000 - 20.000 đồng/kg. Cá điêu hồng, bạc má khoảng 60.000 đồng/kg; cá nục 70.000 đồng/kg; cá ngân 40.000 đồng/kg; cá chim 90.000 đồng/kg; mực các loại từ 180.000 đến 200.000 đồng/kg; tôm sú 300.000 đồng/kg… Thịt lợn móc hàm cũng tăng khoảng 5.000 đồng lên 60.000 đồng/kg. Tại chợ đầu mối nông sản Hóc Môn (huyện Hóc Môn), giá các mặt hàng rau củ cũng tăng 3.000 - 5.000 đồng/kg…

Giá cả ổn định hơn các chợ, tuy nhiên các siêu thị trên địa bàn cũng đã nhận được đề nghị tăng giá một số mặt hàng tiêu dùng, thực phẩm từ các nhà cung cấp. Lý do tăng giá được đưa ra là do chi phí đầu vào tăng, trong đó có chi phí vận chuyển tăng do giá xăng dầu tăng và chi phí sản xuất tăng do giá điện tăng. Theo đại diện hệ thống siêu thị CoopMart, hiện sức mua đang yếu, siêu thị còn phải liên tục tổ chức các chương trình khuyến mãi để kích cầu nên hiện tại chưa thể đồng ý với đề nghị tăng giá của các nhà cung cấp.

…Đến chỗ ở

Không chỉ "đau đầu" với cái ăn cái mặc, khi giá tăng thì người nghèo - nhất là những người ở trọ còn phải khổ sở với chỗ ở. Lấy lý do là giá cả thị trường đang tăng, nhiều chủ nhà trọ trên địa bàn cũng nâng giá cho thuê, ít nhất là 50.000 - 100.000 đồng/phòng. Chị Minh Thu, đang làm việc tại một nhà hàng tiệc cưới ở quận 3 cho biết, từ đầu tháng, chủ nhà trọ đã thông báo tăng 100.000 đồng với căn phòng rộng 12m2, nên mỗi tháng chị phải trả 1,9 triệu đồng cho căn phòng trọ ở khu vực kênh Nhiêu Lộc (quận Bình Thạnh). Vợ chồng anh Nguyễn Văn Minh, công nhân Khu công nghiệp Tân Bình cũng cho biết, căn phòng trọ 15m2 gia đình anh thuê trên đường Lê Trọng Tấn (quận Tân Bình) cũng được chủ nhà thông báo tăng thêm 100.000 đồng/tháng, lên 1,6 triệu đồng/tháng. Các công nhân trọ ở dãy nhà này cũng đều phải tằn tiện hơn vì mỗi tháng phải chi thêm ít nhất 100.000 đồng.

Nỗi khổ của người nghèo ở trọ lại chồng chất thêm khi giá điện tăng từ ngày 1-8. "Cứ Nhà nước tăng giá điện 1 thì chúng tôi bị tăng 3", chị Minh Thu than thở. Bởi vì, cho dù ngành điện lực chỉ tăng bình quân khoảng 5% và không tăng giá với hộ nghèo và thu nhập thấp ở mức từ 0 đến 50kWh đầu tiên nhưng người nghèo là công nhân, sinh viên ở trọ vẫn lãnh đủ. Với lý do những người ở trọ sử dụng điện ngoài định mức, các chủ nhà trọ vẫn "nhân tiện" tăng lên bằng con số chẵn với ít nhất 500 đồng/kWh. Trên thực tế, dù TP Hồ Chí Minh đã có quy định buộc các chủ nhà trọ phải cho người thuê được hưởng giá điện bậc thang theo định mức nhưng việc áp dụng trong thực tế là "nhiệm vụ bất khả thi" vì chẳng ai kiểm tra, giám sát. Lý do là vì giá cho thuê nhà trọ vẫn chưa được quản lý chặt chẽ, nếu đòi hỏi chủ nhà không tăng giá điện thì chủ nhà sẽ tăng giá cho thuê phòng trọ và như vậy người thuê nhà cũng phải "ngậm bồ hòn làm ngọt".

"Mọi chi phí thiết yếu đều tăng: Giá rau, thịt, cá tăng; giá gas trong hai tháng tăng hai lần tổng cộng hơn 20.000 đồng/bình 12kg; giá nhà tăng, giá nhà trọ tăng, giá điện tăng, chưa kể tiền đi lại, ăn mặc, học hành cho con khiến chi phí mỗi tháng của chúng tôi dù tằn tiện nhất cũng phải chi tiêu xấp xỉ 10 triệu đồng trong khi lương cả hai vợ chồng cũng chỉ 10 triệu đồng/tháng. Giá cả ngày càng tăng, chúng tôi không tích lũy được đồng nào nên cuộc sống rất bấp bênh", anh Nguyễn Văn Minh than thở.

Thùy Linh