Các trường có thể tuyển ít hơn chỉ tiêu được giao

Tuyển sinh - Ngày đăng : 05:31, 09/08/2013

(HNM) - Trái ngược với dự đoán của nhiều người về mức điểm sàn của kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2013 sẽ tăng trong bối cảnh mặt bằng điểm thi cao hơn hẳn các năm trước, ngày 8-8, Hội đồng xác định điểm sàn, Bộ GD-ĐT đã đưa ra mức điểm sàn

Ưu tiên chất lượng đào tạo

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga nhấn mạnh: Việc xác định điểm sàn năm nay được tiếp cận theo cách mới, đó là thay vì chỉ chú trọng vào chỉ tiêu, sẽ ưu tiên cho chất lượng đào tạo, dựa vào khả năng của học sinh học tập ở bậc ĐH. Với cách này, có thể số thí sinh đạt kết quả trên sàn sẽ nhiều hoặc ít hơn so với tổng chỉ tiêu đào tạo, các trường có thể tuyển đủ hoặc ít hơn so với chỉ tiêu đăng ký. Điều đó không có nghĩa thí sinh cứ đạt điểm trên sàn là sẽ vào hết ĐH, CĐ. Các trường xét tuyển nguyện vọng 2, 3 theo nguyên tắc từ cao xuống thấp và số thí sinh đạt điểm sàn trở lên cao hơn chỉ tiêu tới 238.000 thí sinh.

Nhiều thí sinh đã đạt kết quả tốt trong kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2013. Ảnh: Viết Thành


Lý giải tình trạng mặt bằng điểm thi cao, lãnh đạo Bộ GD-ĐT không khẳng định lý do "đề thi dễ" và cho biết: Mặc dù phổ điểm năm nay tốt hơn, dịch chuyển nhiều về phía điểm cao, nhưng vẫn có nhiều thí sinh được điểm rất thấp, chỉ 1 - 2 điểm. Do đó có thể nói đề không dễ mà có tính phân loại cao. Đề thi cũng theo hướng mở, giúp thí sinh phát huy được năng lực và làm bài tốt hơn. Trong các năm tới, Bộ sẽ tiếp tục phát huy việc ra đề theo hướng này.

Điểm sàn với khối A, A1 là 13 điểm; khối B là 14 điểm; khối C là 14 và khối D là 13,5.
Với các trường CĐ, điểm chuẩn của khối A, A1 là 10 điểm; khối B là 11 điểm; khối C là 11 điểm và khối D là 10,5 điểm. Ở mức điểm sàn năm nay, ước tính có hơn 600.000 thí sinh trượt ĐH, CĐ.

Trường phải tự "cứu" thí sinh điểm cao

Đi cùng với mặt bằng điểm thi cao là tình trạng có nhiều thí sinh có tổng điểm 27 vẫn có thể trượt ở một vài trường nhóm trên. Về việc này, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết, Bộ đã làm việc với Trường ĐH Y Hà Nội, Bộ Y tế và đi đến kết luận: Sẽ không cấp chỉ tiêu ngoài ngân sách cho trường. Việc cấp thêm chỉ tiêu trước đây đã được áp dụng cho một số trường và gây phản ứng từ dư luận cho rằng thiếu công bằng, tạo cơ chế xin cho nên Bộ đã ngừng cấp từ năm 2012. Tổng chỉ tiêu của Trường ĐH Y Hà Nội năm nay sẽ không thay đổi, còn việc phân bổ chỉ tiêu giữa các ngành do trường quyết định.

Với quyết định trên, Bộ GD-ĐT đã khẳng định tuyên bố của mình về việc tạo một sân chơi chung, công bằng cho tất cả các trường. Tuy nhiên, điều này cũng có nghĩa là các trường nhóm dưới cũng phải chấp nhận luật chung. Với điểm sàn không tăng, hy vọng sức ép nguồn tuyển sẽ giảm đi với các trường ngoài công lập, song lãnh đạo Bộ GD-ĐT nhấn mạnh: Bộ không thể lo chuyện một vài trường nào đó tuyển chưa đủ chỉ tiêu. Việc các trường tuyển sinh đủ hay không còn phụ thuộc nhiều yếu tố, như uy tín nhà trường, sự thay đổi nhận thức của thí sinh về chọn trường, chọn nghề… Chỉ tiêu tuyển sinh của các trường không phải là chỉ tiêu pháp lệnh, mà được tính toán theo năng lực tối đa của mỗi trường. Vì vậy các trường có thể tuyển đủ hoặc ít hơn.

Bộ GD-ĐT cũng cho biết sẽ phạt nặng các trường tuyển vượt chỉ tiêu. Các trường vi phạm sẽ không chỉ chịu phạt hành chính, phạt tiền, mà hiệu trưởng nhà trường sẽ phải xác định trách nhiệm cá nhân trong vi phạm nếu có.

Quỳnh Phạm