“Quan trọng nhất là phải phòng ngừa”

Xã hội - Ngày đăng : 06:32, 08/08/2013

(HNM) - Sáng 7-8 tại Hà Nội, Công ty cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) đã có buổi làm việc với cơ quan an ninh để rút kinh nghiệm và chuẩn bị công tác tổ chức một cách tốt nhất cho những vòng đấu cuối cùng của mùa giải.



- Ông có thể cho biết một số nội dung chính của buổi làm việc có ý nghĩa quyết định đến sự về đích an toàn của mùa giải 2013 này?

- Buổi làm việc có sự góp mặt của đại diện Tiểu ban An ninh, Cục An ninh chính trị nội bộ - Tổng cục An ninh 2 (A83), Cục Điều tra tội phạm về trật tự xã hội (C45) - Bộ Công an, đại diện Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động…, được tổ chức nhằm đánh giá về công tác an ninh an toàn và phòng chống tiêu cực của 18 vòng đấu tại giải bóng đá VĐQG - Eximbank 2013 vừa qua, đồng thời, xây dựng các phương án để bảo đảm an ninh, an toàn cho 4 vòng đấu cuối cùng của V-League 2013.

- Liên quan đến 18 vòng đấu vừa qua, phía an ninh đã có những đánh giá như thế nào, thưa ông?

- Vẫn còn tồn tại sự cố ở một vài trận có lực lượng cổ động viên đông, quá khích, BTC trận đấu còn để khán giả tràn xuống đường piste. Tuy nhiên, nhìn tổng thể, theo đánh giá của cơ quan an ninh thì mọi việc “vẫn trong tầm kiểm soát”. Điều đáng nói là tình trạng có những đội bóng phản ứng không đúng quy định trước quyết định của trọng tài. Có những tình huống các chuyên gia phải “mổ băng”, xem đi xem lại mà vẫn khó có thể xác định ai sai ai đúng, huống chi trọng tài phải ra quyết định trong tích tắc, sai sót là rất khó tránh khỏi. Trọng tài sai sẽ bị xử lý theo quy chế, chứ CLB không thể vin vào đó để hành xử thiếu chuyên nghiệp. BTC sẵn sàng nhìn thẳng thiếu sót để rút ra những bài học, nhưng không thể buông lỏng kỷ cương.

- Trong 4 vòng đấu cuối, với việc phải tranh chấp ngôi vô địch cũng như xác định vị trí lên, xuống hạng, chắc chắn sẽ có những trận đấu rất nhạy cảm, đòi hỏi sự vào cuộc mạnh mẽ và quyết liệt của lực lượng an ninh…

- Quan trọng nhất là phòng ngừa, chứ không để xảy tiêu cực mới làm. Với quan điểm đó, chúng tôi đã cùng bàn thảo, xây dựng các phương án dự phòng các tình huống tiêu cực. Các thành viên đều thống nhất và đưa các phương án để tạo cơ chế phối hợp đồng bộ giữa các tiểu ban chức năng, Ban Tư vấn đạo đức với cơ quan an ninh trong việc theo dõi, giám sát và phát hiện sớm các nghi vấn, ngăn chặn và loại bỏ nguy cơ nảy sinh tiêu cực. Ngoài ra, BTC sẽ phối hợp với các CLB tăng cường công tác giáo dục ý thức chuyên nghiệp, công tác quản lý cầu thủ,…

Bên cạnh đó, cũng phải lưu ý đến công tác an toàn của các trận đấu. Số lượng khán giả dự kiến sẽ tăng cao, do đó, BTC cùng các đơn vị chức năng cần phải gia cố, sửa chữa một số vị trí của khán đài, lan can, hàng rào ngăn cách, lối thoát hiểm, công tác phòng cháy chữa cháy…

- Được biết, trong 4 vòng đấu cuối, BTC giải sẽ tổ chức 2 tổ trọng tài cơ động, sẵn sàng thay thế bất cứ trận đấu nào khi có nghi vấn hoặc phát sinh vấn đề nhạy cảm. Nhưng liệu có đủ lực lượng cho việc này không, thưa ông?

- Hoàn toàn có thể thực hiện được việc này, bởi Giải Bóng đá hạng nhất đã kết thúc, lực lượng trọng tài đã được bố trí sẵn sàng, tập trung cho 4 vòng cuối của V-League. Chúng ta phải phòng ngừa chuyện mua chuộc trọng tài với ý đồ không lành mạnh, vì vậy, Ban trọng tài cần có phương án bố trí trọng tài hợp lý cho từng trận đấu. Sau mỗi vòng đấu, các bộ phận đều phải cùng ngồi lại, xem xét kỹ từng tình huống để rút kinh nghiệm cho lượt sau.

BTC sẽ xem xét và lên danh sách các trận đấu tâm điểm của các lượt đấu cuối cùng, từ đó có phương án bố trí người theo sát tình hình diễn biến của các trận đấu. Trước mắt, ở lượt đấu cuối tuần này, tâm điểm sẽ là trận SLNA gặp Hà Nội T&T- được dự báo sẽ đón một lượng khán giả rất đông. Lực lượng an ninh sẽ vào cuộc mạnh mẽ, bảo đảm an toàn, an ninh trận đấu.

- Cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

Mai Hoa