Chung cư xuống cấp, nguy hiểm rình rập (tiếp theo)
Giới trẻ - Ngày đăng : 06:08, 08/08/2013
Dự kiến, việc di dời sẽ được triển khai trong quý III. Trong khi người dân ở C8 đang chờ ngày được di dời khỏi nơi ở nguy hiểm thì người dân ở E6 Thành Công tạm thời phải chấp nhận sống trong "thiên đường" cũ vừa mới được gia cố. Nhưng họ cùng có một ước mơ là khu nhà họ đang ở được cải tạo mới...
Khu nhà A-B tập thể Bộ Xây dựng (dãy nhà thấp ) đang bị nghiêng lún. |
Còn nhiều chung cư nguy hiểm
Những chung cư xuống cấp như E6, B7b Thành Công hay C8 Giảng Võ không phải là những trường hợp hiếm thấy. Hầu hết khu chung cư như An Dương, Phúc Xá, Tân Mai, Mai Hương, Lương Yên, Văn Chương, Kim Liên, Thanh Xuân Bắc, Nguyễn Công Trứ, Giảng Võ, Thành Công, Trung Tự, Nghĩa Tân… đều đã quá hoặc gần hết thời hạn sử dụng. Theo thống kê, trên địa bàn Hà Nội tồn tại 23 khu chung cư cũ do Nhà nước xây dựng, quản lý và khoảng 40 khu chung cư cũ được xây dựng bằng các nguồn vốn khác. Các khu chung cư này được xây dựng rải rác từ năm 1954 đến 1991 (thời điểm có Pháp lệnh Nhà ở). Sự xuống cấp đến mức nguy hiểm của các khu chung cư đã được báo động từ lâu.
Ông Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc đã chỉ lại những dấu mốc quan trọng trong quá trình xây dựng các KTT ở Hà Nội. Từ năm 1954 đến năm 1975 của thế kỷ trước, nhà tập thể chủ yếu từ 1 tầng đến 4 tầng và chưa có căn hộ khép kín (chỉ có phòng ở còn bếp và nhà vệ sinh được xây dựng để sử dụng chung). Những khu chung cư điển hình cho những năm này là Tân Mai, Mai Hương, Lương Yên, Nguyễn Công Trứ, Kim Liên… Từ năm 1975 đến đầu những năm 1990, các khu chung cư từ 4 đến 6 tầng bắt đầu được xây dựng với mô hình căn hộ khép kín, gắn liền với việc hình thành khu nhà ở có cơ sở hạ tầng theo hình mẫu kiến trúc xã hội chủ nghĩa. Những khu chung cư điển hình cho những năm đó là Trung Tự, Thành Công, Giảng Võ, Nam Đồng, Thanh Xuân Bắc, Nghĩa Đô…
Theo các chuyên gia, tuổi thọ của các công trình lắp ghép tấm lớn chỉ trong vòng 50 năm. Hơn nữa, công nghệ lắp ghép này đòi hỏi phải bảo dưỡng, duy tu định kỳ và có thời hạn thay thế rõ ràng. Trong suốt quá trình sử dụng, khai thác các KTT, công tác duy tu, bảo dưỡng định kỳ không được chú ý. Thậm chí, nhiều chính sách được ban hành mang tính tình thế và để lại nhiều hậu quả. Nổi bật trong số đó là chính sách cho phép người dân xây xen ở khu Trung Tự, Nguyễn Công Trứ và cho xây ốp ở khu Kim Liên. Theo tiêu chí ban đầu, trong tiểu khu nhà ở, khoảng cách giữa 2 nhà bảo đảm gấp 2 lần chiều cao của nhà. Tuy nhiên, việc cho phép xây xen, xây ốp tăng thêm diện tích sử dụng ở các KTT trung tâm đã vô tình tạo điều kiện cho phong trào xây thêm nhà, cơi nới ban công, cửa sổ, tạo chuồng cọp. Chính sách này đã góp phần làm cho các KTT xuống cấp nhanh hơn, nhếch nhác hơn. Và khi có chủ trương cải tạo mới thì vấp phải rất nhiều vấn đề chồng chéo.
Chỉ tính riêng KTT Giảng Võ, các nhà A1, A2, A3, A4, A5, B1, B2, B3, B4, B5, B6, B7, C4, C5, C6, C7, C8, D1, D2, D3, D4, D5 đều đã nằm trong danh sách nguy hiểm và cần nghiên cứu phương án cải tạo. Trong đó, nhà C8 mới được gia cố, nhà C7 đã xây dựng xong phần thô, nhà B6, D2 đã hoàn thành việc di dời, phá dỡ. Tình trạng xuống cấp nghiêng lún, nứt còn có thể thấy rõ ở các KTT Thành Công, Kim Liên, Nguyễn Công Trứ, Nghĩa Tân, Ngọc Khánh…
Tiến độ chậm như rùa
Từ những người dân đang sinh sống ở những KTT xuống cấp này đến lãnh đạo thành phố đều mong muốn cải tạo, xây mới lại nhằm bảo đảm cuộc sống an toàn và văn minh hơn. Nhưng thực tế cho thấy, việc cải tạo chung cư cũ nát nguy hiểm không phải là việc muốn làm là được cho dù được xem là nhiệm vụ trọng tâm của thành phố Hà Nội giai đoạn 2006-2015.
Tổng quỹ nhà ở thuộc sở hữu nhà nước của Hà Nội có diện tích sử dụng 5,5 triệu mét vuông với khoảng 185.000 hộ dân. Trong đó, đã bán khoảng 134.960 căn hộ. Ngoài ra, còn có quỹ nhà do các cơ quan tự quản khoảng 30.000 căn với diện tích xấp xỉ 1 triệu mét vuông. Đặc biệt, khoảng 450 chung cư cũ với tổng diện tích khoảng 1 triệu mét vuông đang xuống cấp thuộc diện cần cải tạo, xây dựng lại. Tính đến nay, chỉ có 9 nhà đã được di dời, nhưng chỉ có vài nhà được xây dựng cải tạo mới.
Ông Trần Trọng Hùng, người dân ở nhà C8 Giảng Võ, cũng đang mong ngóng đến ngày khu nhà mà ông cùng gia đình ở gần 50 năm nay sẽ được xây mới giống như khu C7 ngay bên cạnh. Nhà C7 đã được xây dựng xong phần thô và đang trong giai đoạn hoàn thiện. Hồi đầu năm, cơ quan chức năng cho biết đến quý II-2013 sẽ được nhận nhà. Nhưng đến hết tháng 7, người dân vẫn chưa được vào ở và lại nghe thấy nói rằng sẽ được nhận nhà trong quý III này. Người dân thì mong được nhận nhà, còn công trình vẫn thấy chỉ hoàn thành xong phần xây thô.
Mấy năm qua, tiến độ triển khai của hầu hết dự án cải tạo, xây dựng lại các chung cư cũ nát đều chậm bởi nhiều nguyên nhân. Có nguyên nhân tại cơ chế chính sách. Có nguyên nhân do chủ đầu tư gặp khó khăn hoặc không thấy lợi nên để dây dưa. Có nguyên nhân xuất phát từ người dân. Đó là chưa kể những nguyên nhân nảy sinh do những mâu thuẫn, bất đồng từ cả ba phía. Theo Luật Xây dựng, đối với các dự án cải tạo, xây dựng lại các khu chung cư cũ, chủ đầu tư dự án chỉ được phép thực hiện khi có sự đồng thuận của ít nhất 2/3 các hộ dân và hoàn tất các thủ tục về quản lý đầu tư xây dựng.
Điển hình như dự án cải tạo nhà B6 đã di dời dân và phá dỡ xong, đang trong giai đoạn thi công phần móng và hoàn thiện hồ sơ cấp phép xây dựng. Nhưng do Ngân hàng Habubank (nhà cung cấp vốn cho dự án) đã sáp nhập với Ngân hàng SHB nên chủ đầu tư đề nghị được chuyển nhượng dự án cho Công ty CP Đầu tư và phát triển công nghệ Mefrimex - chủ đầu tư công trình B7 liền kề và cam kết thực hiện nghiêm túc trách nhiệm của chủ đầu tư đối với dự án B6. Nhưng điều đáng lưu ý là họ thỏa thuận với nhau khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép chuyển nhượng dự án.
Ước mơ khó thành
Theo Sở Xây dựng, Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đã được Thủ tướng phê duyệt thì khu vực lõi đô thị thuộc 4 quận nội thành cũ cần phải giảm mật độ dân số từ 1,2 triệu xuống còn 0,8 triệu người. Từ khi người dân nhận nhà cách nay khoảng 50 năm, số lượng nhân khẩu, số hộ dân tại các khu chung cư cũ vốn tập trung chủ yếu tại 4 quận nội thành đã tăng lên nhiều lần. Thực tế cho thấy, để vừa bảo đảm quy hoạch đô thị tránh tăng dân vùng lõi, vừa cải thiện diện tích và chất lượng nơi ở cho người dân và phải vừa bảo đảm bài toán kinh tế cho chủ đầu tư là việc rất khó.
Thực tế, Hà Nội không đủ nguồn vốn để lo sửa hết từng ấy các khu chung cư nên mới kêu gọi "xã hội hóa" bằng nguồn lực của doanh nghiệp. Lãnh đạo UBND TP Hà Nội đã nhiều lần nỗ lực đưa ra hướng tháo gỡ là hài hòa lợi ích của ba bên "người dân - Nhà nước - doanh nghiệp". Nhưng qua mấy năm loay hoay, lợi ích từ ba phía vẫn chưa có điểm chung vững chắc mà mới chỉ dừng lại ở những thỏa thuận tạm thời của một vài dự án cải tạo chung cư đã quá nguy hiểm.
Vốn là một người từng quản lý quy hoạch của Hà Nội, ông Đào Ngọc Nghiêm cho rằng, muốn cải tạo lại các khu chung cư, vẫn phải làm quy hoạch trước trên cơ sở quy hoạch chung. Tiếp đến là việc tạo được sự đồng bộ về pháp lý. Sau đó, thành phố cho đấu thầu dự án với điều kiện công khai cả những ưu đãi nếu có…
Xem ra ước mơ được sống trong một "thiên đường" mới ngay tại nơi mà người dân đã gắn bó già nửa đời người với "thiên đường" cũ vẫn còn quá xa vời!