“Mỗi cán bộ, đảng viên đều có trách nhiệm dân vận”

Chính trị - Ngày đăng : 06:06, 08/08/2013

(HNM) - Một nội dung đáng chú ý là chú trọng đến vai trò, trách nhiệm dân vận của mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức.

Báo Hànộimới đã có cuộc phỏng vấn UVTV, Trưởng ban Dân vận Thành ủy Hà Nội Trần Quang Cảnh về vấn đề này.

- Thực tế cho thấy, không ít những sự việc bức xúc trong xã hội có liên quan đến tác phong, trách nhiệm trong thi hành công vụ của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức. Đồng chí đánh giá thế nào về những biểu hiện này so với yêu cầu đặt ra của công tác dân vận trong tình hình hiện nay?

- Trong những năm qua, Thành ủy và các cấp ủy trong toàn Đảng bộ thành phố đã tập trung lãnh đạo, triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả công tác dân vận, góp phần cùng thành phố hoàn thành xuất sắc và khá toàn diện các nhiệm vụ quan trọng. Tuy nhiên, thực tế đã có một số cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong thi hành công vụ chưa làm hết trách nhiệm, còn để sai sót. Trong Chương trình hành động, Thành ủy đã chỉ ra: “Một số cán bộ, đảng viên thiếu gương mẫu, thậm chí có trường hợp quan liêu, xa rời quần chúng, tinh thần, thái độ, trách nhiệm với công việc chưa cao”. Dù là hiện tượng, không mang tính phổ biến, nhưng đôi khi xóa nhòa rất nhiều những việc làm tốt, những thành tích ấn tượng của một tập thể trong con mắt dư luận và nhân dân. Điều này hết sức nguy hại.

Trưởng ban Dân vận Thành ủy Trần Quang Cảnh.


- Để xảy ra những hiện tượng “con sâu bỏ rầu nồi canh” như vậy, chắc chắn cấp ủy, chính quyền không thể không có trách nhiệm?

- Đúng vậy. Trong những hạn chế, yếu kém của công tác dân vận thời gian qua, một số cấp ủy, chính quyền, nhất là người đứng đầu chưa nhận thức đầy đủ về vị trí, vai trò, trách nhiệm đối với công tác dân vận, từ đó thiếu kiểm tra, giám sát, phát hiện và ngăn chặn, xử lý kịp thời những hiện tượng này. Có những việc nhỏ, nếu kịp thời phát hiện, xử lý sẽ ít ảnh hưởng xấu, nhưng vì nhận thức không “đến nơi đến chốn” dẫn đến hành động thiếu quyết liệt, để dây dưa thành ra tác hại ngày càng lớn.

- Vậy thực hiện Chương trình hành động của thành phố về công tác dân vận trong tình hình mới, mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức có trách nhiệm gì, thưa đồng chí?

- Chương trình của Thành ủy đã quán triệt những quan điểm của Trung ương về công tác dân vận, trong đó nêu rõ công tác dân vận là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên các đoàn thể nhân dân, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang. Trong đó, Đảng lãnh đạo, chính quyền tổ chức thực hiện, Mặt trận, đoàn thể tham mưu và nòng cốt. Trách nhiệm làm công tác dân vận đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên phải có phẩm chất đạo đức, lối sống trong sạch, lành mạnh, có trình độ chuyên môn nghiệp vụ, năng lực thực tiễn, gương mẫu, tận tụy với công việc, nói đi đôi với làm để dân tin tưởng, noi theo, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Những gì có lợi cho dân thì hết sức làm, những gì có hại cho dân thì hết sức tránh”.

- Để có ngày càng nhiều cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức làm tốt công tác dân vận như yêu cầu đặt ra hiện nay, bên cạnh ý thức và nỗ lực cá nhân, cấp ủy, chính quyền cần phải làm gì, thưa đồng chí?

- Tôi cho rằng, vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, xây dựng chế tài, tạo điều kiện giúp đỡ, động viên cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức làm tốt công tác dân vận có ý nghĩa quyết định. Chương trình hành động của Thành ủy có 7 nhóm giải pháp đều đề cập đến vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể. Các cấp ủy, chính quyền cần làm tốt công tác đánh giá cán bộ, phân loại chất lượng tổ chức Đảng hằng năm và lấy phiếu tín nhiệm đối với cán bộ chủ chốt các cấp theo quy định. Từ kết quả lấy phiếu tín nhiệm kết hợp với tiêu chuẩn để xem xét, đánh giá, quy hoạch, bố trí và sử dụng cán bộ, đồng thời đổi mới công tác cán bộ, làm tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ, gắn với nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, tạo sự chuyển biến trong việc thực hiện nhiệm vụ trong tình hình mới.

- Phải thừa nhận rằng, bên cạnh những giải pháp giáo dục, tuyên truyền hướng đến sự tự giác của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, không thể không có những giải pháp mang tính bắt buộc, những chế tài cần thiết để tạo chuyển biến. Đồng chí nghĩ sao về điều này?

- Hiện nay, thành phố đã và đang triển khai nhiều biện pháp nhằm tăng cường kỷ cương, kỷ luật đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức song song với các biện pháp mang tính tuyên truyền, giáo dục. Cụ thể là tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết TƯ 4 (khóa XI) của Đảng “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” gắn với thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Năm nay cũng là “Năm kỷ cương hành chính”, thành phố đã đẩy mạnh các hoạt động thanh tra công vụ kết hợp với nhiều nội dung, hình thức kiểm tra, giám sát khác. Trong triển khai thực hiện, các sở, ngành, địa phương, MTTQ, đoàn thể lại có những cách thức, kế hoạch riêng. Nhìn chung là thành phố đang tập trung nhiều biện pháp nhằm tăng cường trách nhiệm cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức đối với công tác dân vận nói riêng và chất lượng phục vụ nhân dân nói chung.

Tôi tin rằng, cùng với sự quan tâm, ủng hộ, kiểm tra, giám sát của người dân, ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức sẽ ngày càng được nâng lên, hiệu quả công tác dân vận trong thời gian tới sẽ tốt hơn, đưa Nghị quyết TƯ 7 thực sự đi vào cuộc sống.

- Xin cảm ơn đồng chí.

Ngọc Hà