Giải quyết khiếu nại, tố cáo: Nhiều chuyển biến tích cực

Đời sống - Ngày đăng : 05:57, 08/08/2013

(HNM) - Sau khi mở rộng địa giới hành chính, Hà Nội có nhiều khu đô thị, khu công nghiệp, đường giao thông mới nên nhiều dự án phải giải phóng mặt bằng triển khai đồng loạt.



Bên cạnh các yếu tố tích cực, quá trình này cũng dẫn đến tình trạng khiếu nại của công dân phức tạp. Hơn nữa, Thủ đô là nơi các cơ quan TƯ đóng trên địa bàn, thế nên nhiều khi chỉ một tranh chấp nhỏ người dân cũng khiếu kiện vượt cấp lên TƯ, trong đó có một số trường hợp khiếu nại có tổ chức, tập trung đông người, gây mất an ninh trật tự công cộng.

Trước thực tế đó, công tác giải quyết khiếu nại đã được Thành ủy, HĐND, UBND TP Hà Nội quan tâm chỉ đạo quyết liệt. Việc nâng cao chất lượng công tác giải quyết khiếu nại, tăng cường tính công khai, minh bạch được đặc biệt chú trọng. Thành phố đã tích cực rà soát và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo (KNTC) để áp dụng thống nhất trên địa bàn toàn thành phố, là những cơ sở pháp lý để các ngành, các cấp và cán bộ, công chức thực hiện thống nhất, đồng thời là căn cứ xử lý vi phạm trong quá trình xem xét, giải quyết KNTC của công dân. Trên cơ sở các quy định đó, nhiều quận, huyện đã ban hành quy định về giải quyết KNTC để áp dụng trong đơn vị mình. UBND thành phố đã chỉ đạo các đơn vị tập trung thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về KNTC, gắn với tuyên truyền pháp luật về đất đai, GPMB, tố tụng hành chính; thường xuyên triển khai các cuộc thanh tra trách nhiệm của thủ trưởng đơn vị trong giải quyết KNTC ở 29 quận, huyện, thị xã và các sở, ngành. Qua thanh tra đã rà soát để xây dựng 3 nghị quyết về các vụ KNTC tồn đọng (năm 2005, 2007, 2009) làm cơ sở cho HĐND giám sát các cấp chính quyền thực hiện nghiêm túc.

Cùng với việc yêu cầu thống nhất thực hiện các VBQPPL ở địa bàn cũ và mới, UBND thành phố chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện tốt công tác tiếp công dân và giải quyết KNTC, nhất là các vụ việc phức tạp, đông người, tồn đọng. Giám đốc các sở, thủ trưởng các ngành, chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã đều xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện, giải quyết dứt điểm các vụ khiếu nại tồn đọng đã rà soát theo Kế hoạch 1130/KH-TTCP của Thanh tra Chính phủ. Chủ tịch UBND thành phố đã trực tiếp làm việc với lãnh đạo các sở, ngành, quận, huyện, thị xã để chỉ đạo giải quyết dứt điểm các vụ khiếu nại nổi cộm, phức tạp trên địa bàn. Đối với một số vụ việc khiếu nại phức tạp, có nguy cơ tạo thành "điểm nóng" gây mất an ninh trật tự, thành phố đã thành lập các tổ công tác để rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm giải quyết dứt điểm vụ việc.

Đáng chú ý, ngày 17-9-2009, UBND thành phố đã ban hành Quyết định số 4825/QĐ-UBND thành lập Ban Tiếp công dân của UBND thành phố. Đây là cơ quan tham mưu giúp lãnh đạo UBND thành phố tổ chức tiếp công dân thường xuyên để tiếp nhận các kiến nghị, phản ánh, KNTC của công dân theo quy định của pháp luật. Lãnh đạo UBND thành phố tiếp công dân định kỳ vào tuần thứ 3 hằng tháng, thường xuyên cử 2 Phó Chủ tịch UBND thành phố trực tiếp cùng lãnh đạo thanh tra thành phố, các sở, ngành liên quan tiếp công dân tại trụ sở tiếp công dân của thành phố (34 Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm và 20 Hoàng Diệu, quận Hà Đông). Qua tiếp công dân, những vụ việc đông người, phức tạp, tồn đọng lâu ngày được lãnh đạo thành phố quan tâm chỉ đạo kịp thời. Một số trường hợp cần thiết đã trực tiếp tổ chức đối thoại tại cơ sở hoặc thành lập các tổ công tác, các đoàn thanh tra liên ngành để xem xét, giải quyết dứt điểm. Công tác tiếp dân đi vào nền nếp, tạo được sự phối hợp chặt chẽ trong việc trao đổi thông tin giữa cơ quan TƯ với thành phố, góp phần bảo đảm an ninh chính trị trong các sự kiện chính trị trọng đại như các kỳ đại hội Đảng, bầu cử Quốc hội, họp HĐND… qua đó góp phần tạo ổn định chính trị, tạo điều kiện thuận lợi phát triển KT-XH.

5 năm qua, các cơ quan hành chính của thành phố đã thụ lý theo thẩm quyền 9.006 vụ khiếu nại, đã giải quyết 7.875 vụ, đạt tỷ lệ 87%. Kết quả giải quyết cho thấy: 13% là khiếu nại đúng; 60% là khiếu nại sai; 21% là khiếu nại đúng một phần, còn lại 6% là hòa giải thành công, rút đơn khiếu nại. Qua giải quyết khiếu nại đã kiến nghị thu hồi 98.025 triệu đồng và 80.058m2 đất; thu hồi 18 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; kiến nghị trả cho dân 18.698 triệu đồng và 2.129m2 đất; kiến nghị điều chỉnh 116 phương án bồi thường, hỗ trợ GPMB; bán bổ sung 14 nhà tái định cư; xử lý kỷ luật 14 cán bộ.

Phong Thu