Thêm sức hút cho du lịch Khu phố cổ
Xã hội - Ngày đăng : 15:14, 07/08/2013
Du khách tham quan đình Kim Ngân. Ảnh: báo Nhân dân |
Từ nhiều năm qua, khu phố đi bộ Hàng Ðào - Hàng Ngang - Hàng Ðường - Ðồng Xuân đã trở thành một "thương hiệu" du lịch của Thủ đô. Phần lớn khách du lịch đến Hà Nội đều không thể bỏ qua những trải nghiệm khi đi bộ mua sắm trên những con phố cổ, nhất là những phiên chợ đêm phố cổ định kỳ mở vào những ngày cuối tuần. Cũng vì sức hút này mà nhiều khi các tuyến phố đi bộ trở nên quá tải. Trước thực tế đó, UBND quận Hoàn Kiếm đã đề nghị UBND TP Hà Nội chính thức cho phép Công ty cổ phần Ðồng Xuân triển khai Ðề án mở rộng không gian phố đi bộ sang khu bảo tồn cấp I Khu phố cổ Hà Nội.
Theo đề án mở rộng không gian phố đi bộ do Công ty cổ phần Ðồng Xuân xây dựng, ngoài các tuyến phố đi bộ hiện tại, sẽ tổ chức thêm các tuyến phố đi bộ mới thuộc các phường Hàng Buồm và Hàng Bạc. Cụ thể gồm sáu tuyến phố: Hàng Buồm, Mã Mây, Hàng Giầy, Lương Ngọc Quyến, Tạ Hiện, Ðào Duy Từ. Công ty cổ phần Ðồng Xuân đã khảo sát kỹ lưỡng về dân cư, di tích, hệ thống cửa hàng kinh doanh trên địa bàn trước khi đưa ra đề xuất. Về di sản, khu vực này có nhiều nhà cổ, nhà cũ có kiến trúc đẹp, có các di tích quan trọng gồm: Ngôi nhà di sản ở 87 phố Mã Mây, đền Quán Ðế, đền Bạch Mã trên phố Hàng Buồm. Ngoài ra, một đoạn phố Tạ Hiện đã được cải tạo mặt tiền, mang đúng dáng dấp của phố cổ. Các ngành kinh doanh tại sáu phố này chủ yếu là: dịch vụ ăn uống, thương mại, du lịch. Nếu chỉ tính các nhà mặt phố mở cửa hàng kinh doanh tại năm phố: Hàng Buồm, Mã Mây, Hàng Giầy, Lương Ngọc Quyến, Tạ Hiện thì có đến 47 hộ kinh doanh ăn uống. Ðây là khu vực trung tâm của phố cổ, cho nên ẩm thực tại khu vực này có nhiều nét đặc sắc. Trong đó, phố Mã Mây và Tạ Hiện từ lâu được xem là phố ẩm thực với nhiều món ăn đường phố hấp dẫn. Vì vậy, khu phố đi bộ mở rộng sẽ lấy ẩm thực làm thương hiệu đặc trưng, qua đó để quảng bá nét đặc sắc của ẩm thực Hà Nội.
Theo Giám đốc Công ty cổ phần Ðồng Xuân Ðỗ Xuân Thủy, mặc dù các mặt hàng ăn uống tại đây rất hấp dẫn, nhưng do chưa được quy hoạch một cách có hệ thống, cho nên các hàng ăn, giải khát sắp xếp tùy tiện, có hiện tượng chèo kéo khách gây hình ảnh phản cảm với du khách. Việc xây dựng không gian phố đi bộ tại đây sẽ góp phần quản lý tốt hơn các khu dịch vụ ăn uống phục vụ du khách theo hướng văn minh, lịch sự trên cơ sở gìn giữ, bảo tồn nét văn hóa ẩm thực truyền thống lâu đời của khu phố cổ.
Khi triển khai khu phố đi bộ mở rộng, trên thực tế, ngoài những hộ kinh doanh hiện tại, sáu tuyến phố này sẽ mở thêm các hàng ăn uống đặt ở lòng đường, tương tự như phố đi bộ tại tuyến Hàng Ðào - Ðồng Xuân. Các tuyến phố sẽ chia làm năm khu vực, với đặc trưng khác nhau, gồm: Khu bán các mặt hàng công nghiệp thực phẩm (phố Hàng Buồm) với đặc trưng là các mặt hàng rượu, bia, bánh kẹo, ô mai; khu ẩm thực kinh kỳ (phố Mã Mây và một đoạn phố Hàng Buồm) với các mặt hàng kinh doanh như bún, miến, phở...; phố Lương Ngọc Quyến sẽ được bố trí làm khu hàng quà phố cổ...
Theo đề xuất của Công ty cổ phần Ðồng Xuân, thời gian hoạt động của khu phố đi bộ sẽ là ba tối cuối tuần thứ sáu, thứ bảy và chủ nhật, từ 18 giờ đến 24 giờ. Riêng mùa hè, dãy phố này sẽ hoạt động muộn hơn, bắt đầu từ 19 giờ. Cũng giống như triển khai các tuyến phố đi bộ trước đây, khó khăn lớn nhất khi xây dựng đề án là công tác bảo đảm vệ sinh môi trường, an ninh trật tự và nhất là phân luồng giao thông. Dự kiến, các lực lượng chức năng sẽ đặt các điểm chốt chắn đường tại tám điểm chung quanh khu vực. Về phương án giao thông tĩnh, ngoài tám điểm trông xe được cấp phép hiện tại, sẽ tổ chức thêm sáu điểm trông giữ xe phục vụ tuyến phố đi bộ. Công ty cổ phần Ðồng Xuân cũng phối hợp chính quyền hai phường Hàng Buồm, Hàng Bạc tổ chức các đội quản lý an ninh trật tự, để bảo đảm an ninh cho khách tham quan.
Ðề án "Mở rộng không gian phố đi bộ sang khu bảo tồn cấp I khu phố cổ Hà Nội" được xây dựng từ tháng 7-2009, nhưng vì đây là khu phố cổ khá chật hẹp, dân số đông, lưu lượng giao thông lớn và liên quan nhiều lĩnh vực, do đó trong quá trình hoàn thiện đề án, UBND quận Hoàn Kiếm đã tổ chức lấy ý kiến của nhiều cấp, nhiều ngành và người dân sáu tuyến phố trước khi trình UBND thành phố. Phần lớn người dân ủng hộ đề án. Hiện tại, việc chuẩn bị cho hoạt động của khu phố đi bộ về cơ bản đã hoàn tất chờ thành phố thông qua.
Việc từng bước mở rộng tuyến phố đi bộ Hàng Ðào - Ðồng Xuân thành không gian đi bộ nhằm tôn vinh giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của khu phố cổ Hà Nội, tạo điều kiện cho các nghệ nhân, các doanh nghiệp, hộ gia đình phát huy nghề ẩm thực truyền thống. Ðề án này cũng phù hợp với định hướng phát triển du lịch của thành phố Hà Nội nói chung, quận Hoàn Kiếm nói riêng, đó là tiếp tục khai thác tiềm năng du lịch của khu phố cổ, đẩy mạnh phát triển dịch vụ, thương mại trên địa bàn./.