Vất vả kinh doanh… “sạch”

Xã hội - Ngày đăng : 07:12, 07/08/2013

(HNM) - Trước hàng nghìn sản phẩm tốt có, xấu có, hàng thật lẫn hàng giả trên thị trường, không chỉ người tiêu dùng

Làm thật, "chết" thật

Bà Sinh, chủ cơ sở bún sạch Đặng Thùy Sinh (xã Tân Thạnh Tây, huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh) cho biết, cách đây 3 năm bà đã đầu tư 5 tỷ đồng cho dây chuyền sản xuất bún sạch trên diện tích 600m2, công suất 10 tấn/ngày. Tuy nhiên, suốt từ khi đầu tư đến nay, cơ sở của bà chỉ sản xuất "cầm chừng" khoảng 1 tấn/ngày vì không thể cạnh tranh được về giá. Với cách làm truyền thống, một kg gạo làm ra chưa đến hai kg bún, giá bán của cơ sở bà là 8.000 đồng/kg trong khi các mối bỏ bún ở chợ bây giờ giá chỉ 6.000-7.000 đồng/kg. Nhân việc thị trường đang lo lắng về bún có hóa chất độc hại, bà hy vọng các cơ sở bún sạch có điều kiện để phát triển.

Sản xuất bún tại cơ sở bún sạch Đặng Thùy Sinh.



Ông Nguyễn Duy Hiếu, Chủ tịch Liên minh HTX TP Hồ Chí Minh, cũng than thở: Trong khi các xã viên của HTX nỗ lực sản xuất rau an toàn đạt chuẩn VietGAP để đưa ra thị trường thì việc tiêu thụ rất khó khăn.

Do đầu tư lớn nên giá bán rau VIETGAP phải cao hơn thị trường. Hiện, mỗi kilôgam rau an toàn chỉ cao hơn rau bình thường 2.000-3.000 đồng/kg nhưng vẫn không thể cạnh tranh nổi với rau bán ở các chợ. Chính vì thế, nhiều xã viên chưa an tâm, chưa muốn tham gia sản xuất rau an toàn.

Dù là đầu mối kinh doanh nước đá lớn ở quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh nhưng bà Dương Thị Thu Dung cho biết buôn bán rất khó khăn vì giá bán quá thấp. Hiện tại, giá một bao nước đá 25kg bán tại nhà máy chỉ khoảng 8.500 đồng trong khi riêng tiền bao đựng đá đã là 1.500 đồng. Như vậy, tiền bán nước đá thực chỉ có 7.000 đồng. Tuy nhiên, công ty không thể tăng giá vì khách hàng sẽ đi mua chỗ khác ngay. Trong khi đó, để sản phẩm làm ra bảo đảm tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, doanh nghiệp phải đầu tư nhà xưởng, công nghệ xử lý nước (thẩm thấu ngược - RO)... với số tiền không hề nhỏ.

Cùng cảnh ngộ, ông Đặng Đức Chính, Giám đốc điều hành Công ty CP Kinh doanh nước mắm Phan Thiết - Mũi Né, một đơn vị sản xuất nước mắm theo phương pháp truyền thống (mùa nắng sau 9 tháng, mùa mưa phải 12 tháng mới xong một mẻ nước mắm) cũng đang "khổ sở" vì bị người tiêu dùng chê là nước mắm mặn bởi quen dùng nước mắm công nghiệp của các doanh nghiệp "dội bom quảng cáo" trên truyền hình…

Lợi nhuận cám dỗ

Theo đuổi kinh doanh cà phê sạch, anh Trần Đăng Thư, chủ quán cà phê Cuội (270B Võ Thị Sáu, quận 3, TP Hồ Chí Minh) cho biết thường xuyên từ chối những lời chào mời hấp dẫn từ các cơ sở xay rang cà phê. "Khi tôi vừa mở quán, họ chủ động tới tiếp thị, chào giá bán rẻ bằng 1/3 giá quán đang nhập. Thậm chí, họ còn đặt vấn đề cung cấp cà phê độc quyền cho quán với nhiều quyền lợi như tặng dù, ly, máy xay cà phê và cả ti vi đặt tại quán. Nhưng khi tôi đặt vấn đề muốn tới tận nơi xem quy trình sản xuất thì họ không cho, nói chỉ giao hàng như thỏa thuận nên chúng tôi không đồng ý. Trên thực tế, cà phê bột giá rẻ thường bị làm giả, độn thêm nguyên liệu rẻ tiền và hóa chất để có màu và mùi vị thơm ngon. Người mua lầm chứ người bán không lầm. Dù biết rằng sử dụng cà phê hóa chất có lợi nhuận cao hơn nhưng độc hại cho sức khỏe nên tôi kiên quyết từ chối" - anh Thư kể.

Với đặc sản cao cấp, có giá trị cao như yến sào thì sự "cám dỗ" về lợi nhuận còn khó cưỡng hơn. Bà Đỗ Tú Quân, Tổng Giám đốc Công ty Yến sào Cửu Long Phi cho biết, do đặc điểm tự nhiên, chất lượng yến sào của Việt Nam rất tốt nên giá bán cao, gấp từ 1,5 đến 2 lần sản phẩm của các nước lân cận. Vì thế, gần đây xuất hiện một số người đến các nhà nuôi yến dụ dỗ họ độn tổ yến các nước khác có giá rẻ rồi bán ra với giá tổ yến của Việt Nam để thu lợi nhuận…

Phụ trách quản lý thực phẩm nhưng ông Huỳnh Lê Thái Hòa, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP Hồ Chí Minh, cũng cho rằng chỉ người sản xuất mới biết chính xác họ đã cho gì vào sản phẩm, thậm chí không chỉ người tiêu dùng mà cả người phân phối, kinh doanh cũng bị lừa. Trong khi sản phẩm an toàn chưa thể đến tay người tiêu dùng do một số nhà sản xuất đặt lợi nhuận lên hàng đầu; trong khi cơ quan chức năng chưa làm tròn trách nhiệm "chặn cửa" những sản phẩm kém chất lượng thì những nhà kinh doanh "sạch" vẫn đang chống chọi với những thứ "cám dỗ" để mang lại những sản phẩm sạch cho người tiêu dùng.

Đặng Loan