Giá vàng trong nước vẫn bỏ xa giá thế giới

Tài chính - Ngày đăng : 06:30, 06/08/2013

(HNM) - Thời hạn tất toán vàng đã qua cả tháng, có nghĩa là các ngân hàng không còn



Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vẫn tiếp tục đều đặn tổ chức những phiên đấu giá vàng miếng, với một lượng lớn được cung ứng thêm cho thị trường. Thế nhưng, giá vàng trong nước vẫn chưa "hạ nhiệt", chênh lệch giá giữa thị trường trong nước và thế giới tiếp tục ở ngưỡng hơn 4 triệu đồng/lượng…

Giá vàng trong nước vẫn chưa “hạ nhiệt”. Ảnh: Minh Hải


Ngày 30-6 là hạn cuối cùng tất toán vàng ở các ngân hàng thương mại và khối lượng các ngân hàng phải sử dụng không nhỏ, vì thế, để "chạy đua" cho thời hạn tất toán, các ngân hàng đã phải "vắt chân lên cổ" mua vàng. Phục vụ cho nhu cầu lớn của ngân hàng mà không làm xáo trộn thị trường, không khiến thị trường rơi vào cảnh "sốt" để giá bị đẩy lên cao, NHNN đã tổ chức nhiều phiên đấu thầu từ cuối tháng 3 (ngày 28-3 phiên đầu tiên). Tính đến đầu tháng 7, ngay sau thời hạn phải tất toán, đã có khoảng 40 phiên đấu thầu vàng được tổ chức, với hơn 40 tấn vàng cung cấp cho thị trường. Trước đó, giá vàng trong nước từng bỏ xa giá thế giới 5 triệu đồng/lượng, thậm chí là hơn 6 triệu đồng/lượng. Thời điểm đó, nhiều người cho rằng, giá quá cao do nguyên nhân chính là nhu cầu tất toán của ngân hàng nên sau thời điểm này, giá sẽ giảm mạnh. Tuy nhiên, dự đoán chỉ là dự đoán, giá vàng trong nước vẫn đi "một mình một đường", không có dấu hiệu giảm.

Mặc dù giá vàng có biến động theo xu hướng của thế giới, tức là cũng có tăng, giảm, nhưng mức tăng luôn nhanh hơn giảm. Ngay cả khi giá thế giới giảm sâu, giá trong nước cũng chỉ được điều chỉnh nhẹ, nên khoảng cách giữa hai thị trường vẫn xa. Trên thị trường Hà Nội, trong phiên giao dịch đầu tuần, vàng SJC niêm yết ở mức 37,63 triệu đồng/lượng (mua vào) - 37,83 triệu đồng/lượng (bán ra). Trong khi đó, vàng trên thị trường thế giới giao dịch phổ biến mức 1.316 USD/ounce. Với mức này, quy đổi ra VND theo tỷ giá của Vietcombank, giá vàng thương hiệu SJC cao hơn giá thế giới hơn 4 triệu đồng/lượng. Rẻ hơn gần 2 triệu đồng/lượng, vàng Rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu giao dịch với giá 35,8 triệu đồng/lượng (mua vào) - 36,05 triệu đồng/lượng (bán ra). Giá vàng trong nước đã giảm mạnh so với thời kỳ leo thang lên mức "đỉnh" là khoảng 48 triệu đồng/lượng, song điều đáng nói là chênh lệch giữa hai thị trường chưa được rút ngắn, khoảng cách hơn 4 triệu đồng/lượng vẫn là mức quá cao.

Sau thời điểm các ngân hàng hoàn thành tất toán, NHNN tiếp tục thực hiện các phiên đấu thầu nhưng thưa hơn. Tính từ tháng 7 đến đầu tháng 8, NHNN tổ chức thêm 9 phiên đấu thầu, với lượng vàng được đưa ra chào thầu phổ biến là 26.000 lượng/phiên. Hầu hết số vàng đưa ra chào thầu đều trúng thầu, số lượng "ế" không đáng kể. Tính từ phiên đầu tiên đến hết phiên thứ 49, đã có 1.323.400 lượng vàng trúng thầu, trên tổng số 1.426.000 lượng vàng chào thầu. Theo lãnh đạo NHNN, việc thực hiện đấu thầu vàng trước hết là nhằm tăng cung, qua đó giảm bớt áp lực về cầu, tránh những xáo trộn khó lường trên thị trường, ngăn tác động tiêu cực tới tỷ giá, kinh tế vĩ mô. Nhìn tổng thể, các mục tiêu này đã đạt được và đây là thành công lớn khi NHNN tham gia thị trường. Tuy nhiên, chênh lệch giá vẫn còn, vì nhu cầu của thị trường rất lớn, không dễ thỏa mãn trong thời gian ngắn. NHNN không bình ổn giá, không bao cấp về giá khi bán vàng ra thị trường, cũng không thể ngay lập tức thu hẹp chênh lệch, chủ yếu tăng cung để giảm áp lực về cầu trên thị trường. Ngoài ra, để tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh vàng miếng, mới đây, NHNN đã có văn bản yêu cầu các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp báo cáo tình hình kinh doanh mua, bán hằng ngày. NHNN yêu cầu các tổ chức chấp hành quy định về chế độ hóa đơn, chứng từ trong hoạt động kinh doanh mua, bán vàng miếng, đặc biệt đối với các giao dịch mua, bán có giá trị lớn.

Dự báo về giá thời gian tới, nhiều chuyên gia cho rằng, khoảng cách giá giữa thị trường trong nước và thế giới khó có thể thu hẹp hơn khi nhu cầu vàng trong nước vẫn cao như hiện nay. Trong thời điểm thị trường chứng khoán còn "lình xình" chưa có bứt phá, lãi suất tiết kiệm xuống mức thấp, thị trường bất động sản chưa nhộn nhịp, vàng vẫn được lựa chọn là kênh bảo toàn nguồn vốn ưu tiên đối với giới đầu tư cũng như người dân. Cầu vẫn không ngừng tăng, cung không tăng đáng kể là nguyên nhân khiến giá trong nước tiếp tục cách xa so với thế giới và mức chênh 1 triệu đồng/lượng giữa hai thị trường vẫn chỉ là kỳ vọng xa vời của giới đầu tư.

Đức Anh