Báo động về hiệu lực thực thi công vụ

Đời sống - Ngày đăng : 06:21, 06/08/2013

(HNM) - Công trình đã vi phạm các quy định của pháp luật, song một thời gian dài vẫn chưa được xử lý dứt điểm. Điều này đặt ra câu hỏi đối với chất lượng đội ngũ cán bộ được giao nhiệm vụ…

Cách lập biên bản cũng chưa chuẩn

Theo Thanh tra TP Hà Nội, tại văn bản số 942/KL-TTTP (ra ngày 21-5-2012): Việc đào mái đê, cơ đê, để vật liệu trên đê, xây dựng nhà 3 tầng trên diện tích đất xây dựng khoảng 360m2; các hạng mục công trình phụ trợ tại vị trí K3+350 đê hữu Hồng của gia đình ông Nguyễn Quốc Công tại xã Phong Vân, huyện Ba Vì đã vi phạm khoản 1, 5, 7, 10 Điều 7, Luật Đê điều; vi phạm Điều 14 Pháp lệnh Phòng, chống lụt bão. Qua thanh tra còn phát hiện hộ ông Công đã lấn chiếm 378,4m2 đất công, trong đó có 366,5m2 lấn chiếm đất giáp bờ sông Hồng và 11,9m2 đất mái đê, vi phạm Luật Đất đai.

Đổ phế thải lên thân đê là vi phạm rất phổ biến tại Hà Nội. Ảnh: Đỗ Chí


Với vi phạm này, theo báo cáo, ngay từ đầu, Chi cục Đê điều và Phòng, chống lụt bão (PCLB) đã chỉ đạo Hạt Quản lý đê Ba Vì và phòng chuyên môn bám sát hiện trường, thực hiện các biện pháp nghiệp vụ để ngăn chặn, song vi phạm không dừng lại mà diễn biến ngày càng phức tạp đến mức các cơ quan chức năng phải lập tới 23 biên bản vi phạm. Điều đó cho thấy, việc thực thi công vụ của các cơ quan chức năng đạt hiệu quả thấp. Trong 23 biên bản vi phạm được lập có một số biên bản chưa ghi đầy đủ nội dung theo yêu cầu tại Điều 55 Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính. Cụ thể, ghi thiếu vị trí vi phạm, áp dụng điều khoản của Luật Đê điều không đúng so với hành vi vi phạm, các biên bản không nêu hành vi xây dựng công trình vi phạm hành lang thoát lũ sông Hồng... Thậm chí, lãnh đạo UBND xã Phong Vân còn ra thông báo không đúng thẩm quyền, ra quyết định không đúng về mức phạt và thẩm quyền phạt. Đáng chú ý, tháng 4-2011, ông Công có đơn xin sửa chữa, nâng cấp nhà ở gửi UBND xã Phong Vân thì ông Hoàng Đức Trường, Phó Chủ tịch UBND xã đã ký xác nhận đơn và đề nghị UBND huyện Ba Vì cùng các cơ quan chức năng xem xét, giải quyết. Đây là một trong những nguyên nhân để gia đình ông Công cố tình vi phạm.

Xử lý... nửa vời

Một công trình xây dựng diễn ra trong gần một năm (từ tháng 3-2011 đến tháng 1-2012) với liên tiếp các hành vi vi phạm nghiêm trọng quy định pháp luật mà đến nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm cho thấy sự vào cuộc của các cơ quan công quyền thiếu quyết liệt. Theo Quyết định số 2028/QĐ-UBND ngày 12-11-2008 của UBND TP Hà Nội, Chi cục Đê điều và PCLB có chức năng, nhiệm vụ kiểm tra, lập biên bản, đình chỉ những hành vi vi phạm Pháp lệnh Đê điều và Pháp lệnh phòng, chống lụt, bão. Thẩm quyền của Chủ tịch UBND huyện và Chủ tịch UBND xã trong việc xử lý vi phạm pháp luật về đê điều cũng được nêu trong Nghị định 129/2007/NĐ-CP của Chính phủ: đình chỉ ngay hành vi vi phạm của các tổ chức, cá nhân. Tuy nhiên, suốt quá trình xây dựng, công trình nhà ông Công không bị đình chỉ lần nào. Các cơ quan chức năng liên quan không có biện pháp nào hữu hiệu hơn việc lập hết biên bản này đến biên bản khác.

Tại các buổi làm việc của Đoàn kiểm tra công vụ TP Hà Nội với Sở NN&PTNT và UBND huyện Ba Vì về thực hiện kết luận của Thanh tra TP, các đơn vị cho biết, đến nay đã vận động hộ gia đình ông Nguyễn Quốc Công tự tháo dỡ nhiều hạng mục, giải tỏa xong toàn bộ các công trình vi phạm trong phạm vi 5m (theo Luật Đê điều); thu hồi 378m2 lấn chiếm đất công. Nhưng đến thời điểm này, ngôi nhà 3 tầng xây dựng không phép vẫn tồn tại, tường kè bê tông chắn đất nằm dọc bờ hữu sông Hồng, bể nước ngầm nằm bên trong và dọc theo tường kè bê tông; phần đắp tôn nền và sân bê tông.

Điều đáng nói là ngoài trường hợp gia đình ông Công, tại xã Phong Vân còn tới 36 trường hợp xây dựng từ nhà 2 tầng trở lên có hành vi vi phạm pháp luật về đê điều tương tự như hộ ông Công nhưng chưa được xử lý. Qua đó cho thấy, chất lượng thực thi công vụ của các đơn vị, cá nhân có liên quan thuộc: UBND xã Phong Vân, UBND huyện Ba Vì, Hạt Quản lý đê Ba Vì, Chi cục Đê điều và PCLB Hà Nội, Sở NN&PTNT đối với vụ việc này còn nhiều hạn chế, lúng túng. Sự phối hợp giữa UBND huyện Ba Vì, UBND xã Phong Vân trong việc xử lý hành vi vi phạm pháp luật về đê điều chưa kiên quyết, kém hiệu quả. Hiện, đoàn kiểm tra công vụ của TP chưa đưa ra kết luận vì còn phải tiếp tục thu thập hồ sơ, nghiên cứu, xem xét, song vụ việc này là bài học cho các cán bộ chưa vững vàng về công tác chuyên môn cũng như các đơn vị không kiên quyết xử lý dứt điểm hành vi vi phạm ngay từ ban đầu. Phải chăng đây là do chất lượng cán bộ hay còn lý do khác? Nhưng rõ ràng những cán bộ trực tiếp được giao giải quyết vụ việc đã không hoàn thành nhiệm vụ.

Phong Thu