Phòng, chống tệ nạn mại dâm: Cần có chế tài mạnh

Đời sống - Ngày đăng : 06:15, 06/08/2013

(HNM) - Thực hiện Công văn số 6032 của Văn phòng Chính phủ, TP Hà Nội đã tăng cường các biện pháp kiềm chế bùng phát tệ nạn mại dâm tại một số điểm trên tuyến đường Phạm Văn Đồng.



Với sự vào cuộc của các lực lượng chức năng, đến ngày 31-7, khu vực đường Phạm Văn Đồng, Nguyễn Hoàng Tôn và vùng lân cận địa bàn phường Mai Dịch, xã Cổ Nhuế, xã Xuân Đỉnh (Từ Liêm) đã chấm dứt các hoạt động mại dâm trá hình. Tuy nhiên, để bảo đảm tính bền vững, giữ địa bàn sạch cần có chế tài đủ sức răn đe.

Ảnh minh họa.


Quyết liệt đấu tranh

Phó Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) huyện Từ Liêm Đỗ Thiện Đức cho biết, Ban chỉ đạo (BCĐ) phòng, chống ma túy, mại dâm của huyện đã bám địa bàn, kịp thời tham mưu cho cấp ủy, chính quyền, nhằm phối hợp các lực lượng, kiên quyết đấu tranh, triệt xóa tệ nạn mại dâm.

Tại các xã Cổ Nhuế, Xuân Đỉnh, công an (CA) xã phối hợp chặt chẽ với CA Đồn 19, tổ chức lực lượng cắm chốt 24/24h, thường xuyên tuần tra toàn bộ tuyến đường. Lực lượng chức năng thường xuyên kiểm tra các cửa hàng, ki ốt, điểm kinh doanh dịch vụ nhạy cảm có biểu hiện chứa chấp gái mại dâm. Qua kiểm tra giấy phép kinh doanh, chứng chỉ hành nghề, giấy cam kết giữ gìn an ninh trật tự, lực lượng CA đã yêu cầu các chủ kinh doanh không có đầy đủ giấy tờ phải chấm dứt kinh doanh. Đến nay, 100% cửa hàng, ki ốt có biểu hiện chứa chấp gái mại dâm đã đóng cửa, treo biển cho thuê cửa hàng. Hiện trên đường Nguyễn Hoàng Tôn chỉ còn một cửa hàng massage có đủ giấy tờ nhưng đã cam kết đóng cửa vào lúc 21h hằng ngày. Đến ngày 31-7, dọc tuyến đường Phạm Văn Đồng, đường Nguyễn Hoàng Tôn và khu vực lân cận thuộc địa bàn quản lý của huyện, tình hình trật tự an ninh đã được củng cố, tệ nạn mại dâm đã bị xóa sạch.

Tại quận Cầu Giấy, toàn bộ địa bàn phường Mai Dịch và khu vực giáp ranh với huyện Từ Liêm đã quét sạch tệ nạn mại dâm ngay trong ngày 29-7. Lãnh đạo quận khẳng định, các cơ sở dịch vụ massage, quán bán nước có dấu hiệu hoạt động mại dâm đều được kiểm tra liên tục. Chỉ sau một thời gian ngắn, quận Cầu Giấy và huyện Từ Liêm đã đẩy lùi tệ nạn mại dâm.

Chế tài phải đủ mạnh

Nhiều năm làm công tác phòng, chống mại dâm, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phòng, chống TNXH (Sở LĐ-TB&XH Hà Nội) Nguyễn Thị Thanh Thủy cho biết: Chi cục thường xuyên phối hợp với BCĐ Phòng, chống AIDS và phòng chống tệ nạn ma túy, mại dâm huyện Từ Liêm và quận Cầu Giấy đẩy mạnh tuyên truyền. Tại huyện Từ Liêm, hơn 240 chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện thuộc 16 xã, thị trấn đã được mời đến nghe phổ biến về các văn bản pháp luật liên quan đến phòng chống mại dâm. Lực lượng phòng, chống TNXH 16 xã, thị trấn thuộc huyện Từ Liêm và 8 phường thuộc quận Cầu Giấy cũng đã tích cực tuyên truyền tại cộng đồng, vận động chủ cơ sở kinh doanh chấp hành pháp luật. Dù vậy, công tác phòng, chống mại dâm vẫn gặp nhiều khó khăn.

Theo bà Thủy, trước đây, gái mại dâm hoạt động theo đường dây hoặc tụ điểm, phụ thuộc chủ chứa, bảo kê. Gần đây, nhiều gái mại dâm "nhảy" ra hoạt động độc lập hoặc liên kết với nhau, giao dịch qua mạng internet, điện thoại di động nên rất khó theo dõi. Thêm vào đó, theo quy định mới của pháp luật, lực lượng chức năng phải bắt quả tang mới có thể lập biên bản xử lý hành vi mua, bán dâm, do đó việc theo dõi, xử phạt đều khó.

Phó trưởng CA xã Xuân Đỉnh (Từ Liêm) Nguyễn Xuân Long chia sẻ, dù đã có 15 năm làm công tác giữ gìn trật tự an ninh ở xã, nhưng chưa bao giờ việc đấu tranh phòng, chống mại dâm lại khó như bây giờ. Hơn một năm nay, thực hiện Nghị quyết 24 của Quốc hội (không đưa vào cơ sở chữa bệnh, không giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với người bán dâm), người có hành vi bán dâm chỉ bị cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100 nghìn đồng đến 300 nghìn đồng nếu vi phạm lần đầu. Sau 24 giờ tạm giữ để củng cố hồ sơ xử phạt, nếu gái bán dâm không mang tiền, cũng không có người mang tiền đến nộp phạt thay thì lực lượng xử lý chỉ có thể cảnh cáo rồi thả ra. Quyết định này khiến hoạt động mại dâm ngày càng công khai, phức tạp hơn.

Hà Nội thường xuyên có hơn một triệu lao động ngoại tỉnh, là trung tâm thu hút nhiều người đến học tập, tham quan du lịch, trong khi công tác quản lý còn bất cập khiến cho công tác đấu tranh phòng, chống mại dâm gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh với tệ nạn mại dâm hiện chưa triệt để. Lực lượng chức năng kiểm tra rốt ráo ở địa bàn này, hoạt động mại dâm lại chuyển sang địa bàn khác. Phần lớn gái bán dâm từ các địa phương khác đến Hà Nội, thường xuyên thay đổi địa bàn cư trú và hoạt động, rất khó theo dõi và xử lý. Dù đã cố gắng rất nhiều, những người làm công tác phòng, chống mại dâm phải thừa nhận, địa bàn rộng, nhân lực có hạn, không thể lúc nào cũng căng sức 24/24h ở mọi địa bàn để tuần tra, kiểm soát, xử lý người vi phạm. Để kiềm chế tệ nạn mại dâm, cùng với sự vào cuộc của lực lượng phòng, chống mại dâm, cần có những chế tài mạnh hơn nữa.

Cùng với TP Hà Nội thực hiện Công văn số 6032 của Văn phòng Chính phủ, ngày 24-7, UBND TP Hồ Chí Minh đã có thông báo khẩn, chỉ đạo UBND quận Bình Thạnh xem xét, tạm đình chỉ công tác đối với Chủ tịch UBND các phường và cán bộ, công chức có liên quan để phát sinh tệ nạn xã hội trên địa bàn thành phố. Trước ngày 10-8, UBND quận Bình Thạnh báo cáo kết quả giải quyết cho Chủ tịch UBND thành phố.

Trước đó, thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và UBND TP Hồ Chí Minh, Quận ủy, UBND quận Bình Thạnh đã xử lý kỷ luật 10 tập thể và 46 cá nhân có liên quan đã buông lỏng quản lý địa bàn, để xảy ra tệ nạn xã hội tại khách sạn, nhà hàng, cà phê, hớt tóc trá hình, có hành vi kích dục, khiêu dâm, mại dâm. Trong đó, tập thể, các cá nhân thuộc Ban Chỉ huy CA quận, Đội Kiểm tra liên ngành văn hóa - xã hội quận, lãnh đạo UBND, Ban Chỉ huy CA phường 7, phường 11 và phường 26 chịu mức kỷ luật: Kiểm điểm, phê bình, khiển trách (24 người); cắt, hạ bậc thi đua (15 người); cảnh cáo, thuyên chuyển công tác (7 người). Việc làm này thể hiện rõ quyết tâm của TP Hồ Chí Minh trong đấu tranh, ngăn chặn tệ mại dâm, làm trong sạch địa bàn.

Nguyễn Linh