Bước đi chậm chạp nhiều trăn trở

Văn hóa - Ngày đăng : 06:46, 05/08/2013

(HNM) - Nằm trong chuỗi chương trình giao lưu về văn học nghệ thuật (VHNT) giữa các vùng kinh đô xưa và nay của Việt Nam, do Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội chủ trì, cuộc hội thảo bàn về thành tựu 25 năm đổi mới VHNT (1988 - 2013) diễn ra tại Hà Nội

1. Trả lời cho câu hỏi "có thực sự diễn ra một tiến trình thay đổi diện mạo của nền VHNT nước ta sau một phần tư thế kỷ hay không?", nhà thơ Bằng Việt, Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội cho rằng:

25 năm qua, VHNT có sự chuyển biến tích cực, rõ ràng ngay từ thời kỳ đầu đổi mới, khi Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh kêu gọi mọi người tự cởi trói, tự bứt phá ra khỏi những quan niệm bảo thủ.

Cuộc vận động trong quá trình hội nhập, đổi mới về kinh tế - xã hội đã tạo nên luồng sinh khí mới trong sáng tác VHNT, từ thơ văn đến sân khấu, ca, múa, nhạc, kịch; từ mỹ thuật đến nhiếp ảnh, điện ảnh, kiến trúc… Tất cả các loại hình nghệ thuật của Thủ đô và cả nước đã có bước chuyển cả về chất và lượng. "Cái tôi" của mỗi tác giả được bộc lộ rõ ràng mà không xa lạ với "chúng ta", được nâng cao và khơi sâu, được cụ thể hóa, có nhiều sắc thái độc đáo, cảm xúc của con người được trải nghiệm đến mọi cung bậc, khai phá những góc cạnh sâu kín của tiềm thức.

Nói tới văn học thời kỳ đổi mới, người đọc còn nhớ một loạt tên tuổi như Bảo Ninh, Nguyễn Duy, Thanh Thảo, Tạ Duy Anh, Lê Minh Khuê… Sáng tác của họ góp phần tạo nên diện mạo vừa độc đáo, vừa đa dạng của văn học Việt Nam trong giai đoạn này. Theo nhà thơ Nguyễn Việt Chiến, thành tựu nổi bật của thế hệ nhà thơ Việt Nam hiện đại sau 25 năm đổi mới là đã tạo bước chuyển cơ bản về nội dung phản ánh và phong cách nghệ thuật. Thơ của họ gần gũi với cuộc đời, với thiên nhiên, gần gũi với tâm sự vui, buồn của con người. Bút thơ chủ động hơn, thể hiện khát vọng tìm tòi, vươn tới chiều sâu của những vỉa tầng còn ẩn khuất trong đời sống tinh thần con người. Nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha cho rằng, luồng gió đổi mới đã mang đến cho ca khúc Việt Nam nói chung và ca khúc về Hà Nội nói riêng một sức sống mà trước đó chưa thể có, như thể tất cả các thế hệ nhạc sĩ đều bừng tỉnh trở lại với giai điệu Hà Nội bằng sự thăng hoa khác thường.

2. Tuy nhiên, đằng sau tín hiệu vui của VHNT thời kỳ đổi mới, văn nghệ sĩ chân chính không khỏi có băn khoăn, trăn trở. Nhà thơ Bằng Việt cho rằng, sau 13 năm đầu thiên niên kỷ mới, dường như quá trình đổi mới, sức khám phá của VHNT đã bắt đầu có sự chậm lại. Đời sống văn nghệ như lặng lẽ hơn, ít gây tiếng vang như thời kỳ đầu đổi mới. Văn hóa đọc ngày càng xuất hiện vấn đề nổi cộm đáng lo ngại. Các báo và tạp chí VHNT đang phải đối diện với sự suy giảm về tirage đến mức khó tin. Sân khấu phấn đấu hướng tới mục tiêu giản dị là đêm đêm có thể "sáng đèn" nhưng ngày càng rõ đó là một vấn đề nan giải. Âm nhạc và rộng hơn là thị trường biểu diễn nói chung đang vùng vẫy tìm cách thoát ra khỏi sự ảnh hưởng của một thứ văn hóa xa lạ với truyền thống, lố lăng và gây phản cảm. Điện ảnh phải chấp nhận thực tế thua kém khá xa so với điện ảnh thế giới… Trên nền VHNT đang tồn tại nhiều vấn đề cần tháo gỡ ấy, xã hội còn một điều lo lắng khác, đó là công chúng trẻ nói chung đang có biểu hiện dửng dưng trước giá trị VHNT đích thực.

Nhà văn Hoàng Trọng Cường, Phó Chủ tịch Hội VHNT Thanh Hóa, Tổng Biên tập Tạp chí Xứ Thanh bày tỏ: Qua 25 năm đổi mới, đóng góp của văn nghệ sĩ là rất lớn nhưng nhận thức và sự thừa nhận của các cấp ủy, chính quyền cơ sở về vai trò của VHNT chưa có sự chuyển biến thực sự; ranh giới giữa nghệ thuật chuyên nghiệp và quần chúng chưa rõ ràng, đời sống văn nghệ sĩ đích thực còn nhiều khó khăn. Còn tác giả kịch bản sân khấu Ngọc Thụ cũng không khỏi băn khoăn về sự thiếu chiều sâu trong đầu tư, sự thiếu vắng khán giả. Theo ông, chính sự thiếu vắng cái không khí của nhà hát ngày xưa đã khiến nghệ sĩ phải chịu cảnh hiu hắt chợ chiều…

Hành trình tới năm 2020 của VHNT phù hợp với mốc thời gian đất nước đặt mục tiêu trở thành một nước công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thoát khỏi tình trạng đói nghèo, tăng mức thu nhập bình quân so với khu vực và thế giới… Trong bối cảnh ấy, VHNT liệu có được mức phát triển tương xứng, có ý nghĩa góp sức đắp nền cho sự nghiệp phát triển đất nước một cách bền vững? Trả lời câu hỏi trên, nhà thơ Bằng Việt cho rằng: "Các Hội VHNT địa phương cần ráo riết tập hợp hội viên và tổ chức sáng tác, tăng cường trao đổi, thảo luận để định hướng đúng cho sáng tác, mở rộng tầm nhìn tinh nhạy và cởi mở hơn trong cách tiếp cận với các trào lưu văn học nghệ thuật quốc tế; nghiên cứu sâu hơn nữa mọi thành tựu của văn hóa dân tộc, tiếp cận được với các hệ thống lý luận mỹ học và văn học nghệ thuật mới mẻ và tiên tiến. Cần đầu tư mạnh tay hơn, có cái nhìn chiến lược rõ hơn đối với việc phát triển VHNT nhằm tiếp tục tạo đà cho bước nhảy vọt ngoạn mục của VHNT Việt Nam".

Quá trình đổi mới đất nước đã tạo tiền đề cơ bản cho sự phát triển VHNT. Tuy thế, tiến trình hội nhập với thế giới và quá trình phát triển nền kinh tế cũng đặt ra hiện thực và yêu cầu mới đối với VHNT mà ở đó, nỗ lực sáng tạo và trách nhiệm công dân của mỗi văn nghệ sĩ được đặt lên hàng đầu.

Đặng Thủy