Bài cuối: Áp lực và thách thức

Chính trị - Ngày đăng : 06:44, 05/08/2013

(HNM) - Để phù hợp với yêu cầu trong thời kỳ mới, Đảng và Nhà nước ta đã đưa ra một quyết định có ý nghĩa lịch sử: Điều chỉnh, mở rộng địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội.

Thực hiện Nghị quyết 15 của Quốc hội khóa XII, 5 năm qua, bằng tinh thần đoàn kết, đồng thuận, chủ động, sáng tạo và trách nhiệm, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô đã đạt được những thành tựu quan trọng trong các lĩnh vực. Thực tế đó đã khẳng định tính đúng đắn, giá trị lịch sử, ý nghĩa thực tiễn, lâu dài của quyết định điều chỉnh, mở rộng địa giới hành chính đối với sự nghiệp xây dựng, phát triển Thủ đô. Con đường phía trước đang mở ra với cả thuận lợi, thời cơ song cũng có không ít khó khăn và thách thức.

Đồng bộ và hoàn thiện cơ chế, chính sách

Sau khi Nghị quyết số 15 của Quốc hội có hiệu lực, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 11 "Về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011-2020"; Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2050 và Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội TP Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 cũng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đặc biệt, từ ngày 1-7-2013, Luật Thủ đô được Quốc hội thông qua chính thức có hiệu lực. Đây là những văn kiện quan trọng có giá trị chỉ đạo và định hướng rất cơ bản để Hà Nội triển khai nhiệm vụ xây dựng, phát triển Thủ đô đồng thời giải quyết những việc khó, vấn đề phức tạp, chưa từng có tiền lệ.

Lấy ví dụ, trước khi thực hiện việc mở rộng địa giới hành chính, Hà Nội đã hoàn thành việc nghiên cứu, lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch chi tiết của các quận, huyện để cụ thể hóa Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tuy nhiên sau thời điểm ngày 1-8-2008, diện tích Thủ đô lớn gấp hơn 3 lần, dân số tăng gấp rưỡi (và cho tới hiện nay đã là hơn 7 triệu người). Điều đó đặt ra những yêu cầu mới về bộ máy hành chính, về cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội… Do đó, Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội trong ngắn hạn và dài hạn cần có những điều chỉnh, thay đổi để phù hợp với tình hình mới.

Những phương hướng, nhiệm vụ xây dựng, phát triển Hà Nội cùng các quy hoạch nêu trên chính là căn cứ, là "xuất phát điểm" có tính quy chuẩn để các ngành, lĩnh vực của Hà Nội xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện. Nhiệm vụ trước mắt là chúng ta phải tập trung xây dựng và hoàn chỉnh các quy hoạch phân khu, quy hoạch chuyên ngành, quy hoạch chi tiết. Nhiều quy hoạch, dự án đã được phê duyệt trước đây, nay phải rà soát, đối chiếu để điều chỉnh, thậm chí là điều chỉnh nhiều lần. Rồi hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật; giải quyết những khác biệt về cơ chế chính sách; những khác biệt hay chênh lệch về cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; về cách thức quản lý, điều hành giữa các vùng, khu vực; thực hiện tổ chức bộ máy quản lý, bồi dưỡng, đào tạo cán bộ… Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có một số dự án, chương trình sẽ được triển khai ngay vì không còn "vướng", không còn phải chờ quy hoạch tổng thể. Một số khúc mắc kéo dài có cơ hội được giải quyết; một số dự án "treo" được dư luận đặc biệt quan tâm trong thời gian qua sẽ có định hướng xử lý; những vấn đề người dân bức xúc trong quản lý đất đai, phát triển giao thông đô thị, quá tải về trường học, bệnh viện… sẽ có giải pháp phù hợp trong một tổng thể phát triển chung hướng tới xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại.

Đó là những nhiệm vụ trước mắt và lâu dài mà các ngành, các cấp cần phải nỗ lực thực hiện. Có thể thấy công việc là rất bộn bề, nhiều vấn đề không thể giải quyết trong ngày một, ngày hai; cần phải lựa chọn những việc nóng, những vấn đề trọng tâm, trọng điểm để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tạo chuyển biến mạnh mẽ, từng bước cải thiện tình hình. Song, chỉ khi xây dựng được cơ chế, chính sách đồng bộ từ thành phố tới cơ sở đối với tất cả các ngành, lĩnh vực, đồng thời xây dựng bộ máy hành chính hoàn chỉnh, đủ năng lực tổ chức, điều hành thì chúng ta mới có cơ sở để thực hiện hiệu quả công tác quản lý nhà nước, quản lý xã hội, góp phần thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Yếu tố quyết định hiệu quả mọi công việc

Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị nhận định, thật ra không phép lạ, "đôi đũa thần" nào có thể giúp chúng ta, mà chính tất cả mọi người đều chung tay, góp sức đã làm nên những thành công. Sự đoàn kết, thống nhất, đồng thuận cao trong Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô chính là nguyên nhân quan trọng, là điều kiện tiên quyết để Hà Nội đạt được những thành tựu trên mọi lĩnh vực. Kết quả đó cũng khẳng định mạnh mẽ quá trình chuyển hóa từ tư duy, nhận thức đến hành động; từ những việc làm tổng thể, cơ bản đến những việc cụ thể, chi tiết; từ sự chuyển động của cả bộ máy, cơ chế đến tâm lý, thói quen, việc làm của từng cơ quan, đơn vị, cá nhân mỗi cán bộ và từng người dân. Chỉ có như vậy mọi "công dân Thủ đô" mới có thể góp sức tối đa cho quá trình xây dựng và phát triển thành phố.

Hà Nội đang triển khai hàng loạt các công việc, từ xây dựng cơ chế, chính sách, chương trình, kế hoạch tới việc triển khai các đề án, dự án, công trình cụ thể. Quá trình đó yêu cầu, đòi hỏi ngày càng cao trách nhiệm, năng lực, sự chủ động, sáng tạo của người "đứng mũi chịu sào" các tập thể, cơ quan, đơn vị cũng như từng cán bộ thực thi công vụ, nhiệm vụ ở các vị trí công tác. Vậy nên công tác cán bộ được thành phố lựa chọn là một trong những khâu trọng tâm, có tính đột phá. Để đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng cán bộ phù hợp với năng lực, phẩm chất và yêu cầu nhiệm vụ, công tác điều động, luân chuyển cán bộ được tiến hành thường xuyên từ thành phố tới cơ sở. Cùng với đó là đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, siết chặt kỷ cương, kỷ luật, nâng cao tinh thần, ý thức phục vụ nhân dân của công chức, viên chức. Điều đó giúp cho đội ngũ cán bộ của Hà Nội có bước trưởng thành cả về năng lực chuyên môn và năng lực thực tiễn, cơ bản đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ cũng đã góp phần quan trọng trong việc củng cố niềm tin của người dân vào hiệu quả quản lý của bộ máy chính quyền các cấp.

Chưa thể thỏa mãn với kết quả đạt được, Hà Nội vẫn sẽ tiếp tục tập trung đầu tư sự quan tâm đặc biệt cho công tác cán bộ, coi đây là nhiệm vụ hàng đầu, quan trọng nhất trong những việc trọng tâm cần thực hiện. Điều đó cũng là dễ hiểu vì với một địa bàn quan trọng và có tính đặc thù như Thủ đô, khối lượng công việc là rất đồ sộ, với nhiều áp lực, thách thức dẫn đến những đòi hỏi, yêu cầu ngày càng cao về phẩm chất chính trị, năng lực chuyên môn và ý thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, trước hết là vai trò của người đứng đầu. Và con người chính là yếu tố quyết định hiệu quả mọi công việc.

Trong tiến trình lịch sử xây dựng và phát triển Thủ đô, chặng đường 5 năm qua có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, tạo nền móng cho sự phát triển mạnh mẽ và bền vững trong tương lai. Phát huy truyền thống văn hiến, anh hùng, với những thành tựu đạt được, nhìn nhận rõ cơ hội và thách thức, Hà Nội tự tin bước vào giai đoạn mới với tâm thế mới, để ước vọng xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại nhanh chóng thành hiện thực.

Thái Sơn