Từ vụ việc đồ ăn tẩm hóa chất, đồ uống chứa vi khuẩn: “Rách” đâu, “vá” đấy!

Xã hội - Ngày đăng : 05:52, 05/08/2013

(HNM) - Người tiêu dùng lại hoảng hồn khi Viện Thực phẩm chức năng Việt Nam công bố kết quả kiểm nghiệm cho thấy, hàng loạt đồ uống giải khát đường phố tại Hà Nội nhiễm khuẩn E.coli

Kết quả công bố của Cục An toàn thực phẩm (ATTP) - Bộ Y tế về các hóa chất trong các mẫu bún tươi lấy ngẫu nhiên trên thị trường khiến người tiêu dùng không khỏi giật mình. Theo ông Lâm Quốc Hùng - Trưởng phòng ngộ độc thực phẩm (Cục ATTP), 7/7 mẫu bún lấy tại TP Hồ Chí Minh đều nhiễm chất cấm Tinopal (chất phát quang làm sáng trắng bún), 2/7 mẫu có acid oxalic (chất cấm sử dụng trong chế biến thực phẩm) và 1/7 mẫu có chất bảo quản natri benzoat vượt giới hạn cho phép. Tại Hà Nội, kết quả xét nghiệm 7 mẫu bún tuy không phát hiện có bất cứ chất cấm nào, các phụ gia như natri sulfit, natri benzoat đều trong giới hạn cho phép, nhưng giới chuyên gia vẫn cảnh báo người tiêu dùng nên thận trọng trước các sản phẩm bún tươi có màu trắng sáng.

Nhiều mẫu đồ uống đường phố phổ biến như trà xanh, nước mía, nước ngô, nước trà đá, nước nhân trần... nhiễm vi khuẩn E.coli gây tiêu chảy.



Theo giới chuyên môn, tinopal ngấm vào cơ thể có khả năng làm hư hại đường tiêu hóa, niêm mạc đường ruột, gây viêm loét ruột và dạ dày. Người ăn bún chứa chất huỳnh quang lâu ngày sẽ bị suy gan thận, mệt mỏi và suy giảm hệ miễn dịch, dễ bị mắc ung thư và các bệnh mãn tính khác. Còn acid oxalic có tác dụng làm sợi bún dai, chắc và trắng hơn, cũng bị cấm dùng trong chế biến thực phẩm vì nguy cơ gây sỏi thận cao. Trong khi đó, chất bảo quản natri benzoat có tác dụng chống mốc, diệt vi khuẩn, nếu sử dụng quá mức cho phép có khả năng gây ung thư. Ngoài bún, hạt trân châu, sả xay, dừa tươi gọt vỏ cũng chứa chất tẩy trắng cao gấp nhiều lần mức cho phép.

Cùng lúc, thông tin nhiều mẫu đồ uống đường phố phổ biến như trà chanh, nước mía, nước ngô, nước trà đá, nước nhân trần… được Hiệp hội Thực phẩm chức năng công bố nhiễm vi khuẩn gây tiêu chảy E.coli cũng khiến không ít người Hà Nội rùng mình, sợ hãi. Theo PGS-TS Hồ Bá Do, Phó Viện trưởng Viện Thực phẩm chức năng Việt Nam, 9 mẫu nước uống đường phố thông thường, thậm chí là món "khoái khẩu" của không ít người Hà Nội, được lấy tại phố Nhà Thờ, Cát Linh, Đê La Thành đang nhiễm rất nhiều vi khuẩn "bẩn", nguy hiểm cho sức khỏe người tiêu dùng như khuẩn E.coli có thể gây ngộ độc cấp tính, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh đường ruột, tiêu chảy. 100% các mẫu này đều nhiễm B.cereus, có thể gây nhiễm độc, nhiễm khuẩn thực phẩm. Ngoài ra, một số mẫu còn có nấm mốc, thủy ngân, Cadimi vượt mức cho phép.

Theo đánh giá của PGS-TS Nguyễn Thị Lâm, Viện phó Viện Dinh dưỡng quốc gia, mặc dù số mẫu nước giải khát lấy xét nghiệm chưa nhiều nhưng cũng là lời cảnh báo về vấn đề ATTP của các loại đồ uống "thủ công" đang được bán phổ biến ở hầu hết con phố của Hà Nội và cần có các nghiên cứu với số lượng lớn hơn, ở địa bàn rộng hơn để có đánh giá đầy đủ hơn về nguy cơ mất ATTP này.

Chỉ có thể tăng cường kiểm tra, giám sát?

Nhìn nhận về tình hình ngộ độc thực phẩm trong những ngày gần đây, ông Trần Quang Trung, Cục trưởng Cục ATTP đánh giá, nguyên nhân chính là do khâu bảo quản nguyên liệu không tốt, gây độc tố nhiễm khuẩn. Chẳng hạn như vụ ngộ độc bánh mỳ ở Phú Yên là do nhiễm vi khuẩn, ở Hưng Yên cũng là do thức ăn nhiễm vi khuẩn vì trong quá trình chế biến không bảo đảm, đặc biệt là vào mùa hè. Bộ Y tế đã có công văn, chỉ thị đôn đốc các địa phương tăng cường kiểm tra ATTP và tuyên truyền để các cơ sở có bếp ăn tập thể chú ý đến các điều kiện vệ sinh cũng như nguyên liệu chế biến cho người tiêu dùng, nhất là trong điều kiện tình hình buôn lậu các sản phẩm thực phẩm như trái cây, hóa chất, chất phụ gia, gà thải loại... không rõ nguồn gốc qua biên giới vẫn xảy ra.

Theo thống kê của ngành y tế, so với cùng kỳ năm 2012, ngộ độc thực phẩm đã giảm cả về số vụ, số người chết và phải đi viện. Nhưng đó là những vụ ngộ độc cấp tính, còn việc sử dụng thực phẩm có tồn dư chất bảo vệ thực vật, chất kích thích tăng trưởng, chất độc cấm sử dụng là nguyên nhân của các loại bệnh nan y mới là nguy cơ ảnh hưởng lớn đến sức khỏe người tiêu dùng.

Với vụ bún tẩm hóa chất, ông Trần Quang Trung cho biết, Cục ATTP đã chỉ đạo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh tiến hành thanh tra, xử lý nghiêm các cơ sở sản xuất bún tươi vi phạm an toàn trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm theo quy định; chủ động kiểm soát ATTP đối với các sản phẩm khác như bánh phở, bánh canh tươi trên địa bàn. Đồng thời, Cục cũng chỉ đạo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm 63 tỉnh, thành phố mở rộng hoạt động giám sát, phát hiện sớm và xử lý nghiêm các vi phạm ATTP trong sản xuất, kinh doanh các loại thực phẩm truyền thống trên địa bàn để cảnh báo cho người tiêu dùng.

Tuy nhiên, kiểu quản lý "rách" đâu, "vá" đấy sẽ không thể ngăn chặn tận gốc những hành vi vi phạm các quy định về ATTP một cách tinh vi, có chủ ý. Đó thực sự là điều người tiêu dùng lo ngại.

Song Ngọc