Chế tài cho lời hứa

Góc nhìn - Ngày đăng : 05:36, 05/08/2013

(HNM) - Sáng qua 4-8, khá đông người tụ tập tại một dự án chung cư ở gần Khu đô thị Văn Khê - Hà Đông (Hà Nội). Đó là những người đã đóng tiền mua căn hộ thuộc dự án này tới gây sức ép với chủ đầu tư, bởi nhiều tháng đã qua kể từ khi thời hạn bàn giao nhà theo hợp đồng đã tới, mà họ vẫn chưa được nhận nhà.

Tối thứ năm tuần trước, gần 100 khách hàng của một dự án chung cư tại Trung Văn (Từ Liêm - Hà Nội) mà người mua gọi nôm na là "dự án VOV Mễ Trì" đã tự họp tại một địa điểm ở đầu đường Láng Hạ để bàn nhau cách ứng xử với chủ đầu tư khi thời hạn giao nhà theo cam kết (tháng 11-2011) đã qua gần 2 năm nhưng người mua vẫn chưa có nhà để ở. Đó là một buổi tối bi hài bởi thông tin qua lại giữa những người cùng cảnh ngộ cho thấy rất nhiều điều đáng ngại. Có người mua nhà giá "gốc" - khoảng hơn 18 triệu đồng/m2. Có người mua qua "cò", giá lên tới hơn 23 triệu đồng và thậm chí là 29 triệu đồng/m2. Có người kể rằng mua lại suất chung cư của ca sĩ V.H, tất nhiên là phải thêm "phụ phí" đáng kể. Có đôi vợ chồng đăng ký mua từ khi yêu nhau, nay "con đã lớn mà nhà chưa xong". Có người mua căn hộ "để đấy", nhưng có rất nhiều người trong khi chờ nhà đã phải đi thuê chỗ ở, vay ngân hàng, nỗi bức xúc ngày một lớn…

Đó chỉ là việc mới diễn ra. Đã nhiều tháng nay, ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh thường nghe chuyện dân khiếu kiện vì chủ đầu tư chậm giao nhà. Người ta kiện với tư cách cá nhân, có khi là một nhóm riêng lẻ, nhưng cũng có trường hợp khiếu kiện tập thể. Nhóm khách hàng của dự án chung cư ở Mễ Trì nói trên thậm chí đã tự thành lập… "ban" theo dõi tiến độ thi công. Bộ phận này cử người… "rình" gặp lãnh đạo đơn vị chủ đầu tư, tìm cách vào khu vực thi công để xem xét thực hư sau khi đã quá nản với lời hứa hẹn của phía có trách nhiệm trực tiếp trong việc mua bán nhà của họ.

Thị trường bất động sản đang trong thời khủng hoảng thừa dù dự án nhà chung cư vẫn tiếp tục được khởi công và rất nhiều người có tiền còn nguyên nhu cầu mua nhà. Thời gian qua, Chính phủ đã có chủ trương dành gói tín dụng rất lớn nhằm "phá băng" bất động sản, hướng tới mục tiêu phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng trong lĩnh vực này. Theo một số chuyên gia, gói tín dụng của Chính phủ dù không phải là nhỏ nhưng cũng chưa đủ tạo lực đẩy đối với một thị trường đang được coi là "chìm sâu trong khủng hoảng". Tuy nhiên, sự chậm lại về giao dịch mua bán bất động sản có nhiều nguyên nhân, không chỉ là vấn đề thiếu vốn, không chỉ là khoản lãi quá lớn phải trả cho ngân hàng của nhà đầu tư, không chỉ bởi sự chi phối của quy luật cung - cầu hay khủng hoảng kinh tế thế giới, mà còn ở cách kinh doanh không đàng hoàng của một số "đại gia" bất động sản. Khi chữ "tín" trong kinh doanh không được bảo đảm, quyền lợi của khách hàng không được tôn trọng, tư tưởng trục lợi phổ biến trong một bộ phận kinh doanh, thị trường không dễ "ấm lên" được dù Chính phủ và xã hội ý thức rõ ràng về điều đó và đang nỗ lực tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn.

Tình trạng thất hứa của một loạt chủ dự án đầu tư bất động sản đang tạo ra sự bức xúc nhất định trong xã hội, đồng thời đặt ra câu hỏi về trách nhiệm của các cơ quan liên quan đến vấn đề bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, bảo vệ lợi ích chính đáng của người dân. Rõ ràng là giờ đây, đó không còn là câu hỏi đặt ra cho có nữa. Đã đến lúc cần có chế tài cho các lời hứa.

Dục Tú